Em hãy tìm hiểu ý nghĩa bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu qua bố cục tác phẩm

Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu là một trong những bài phú tiêu biểu của văn chương Việt Nam cổ điển cả về nội dung lẫn hình thức. Viết về một địa danh lịch sử, với âm hưởng hào hùng, vang động, với những nét trữ tình thiết tha, bài phú này là một bài ca về lòng tự hào dân tộc.

Em hãy tìm hiểu ý nghĩa bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu qua bố cục tác phẩm

Nhìn trên bản đồ Việt Nam, ta thấy sông Kinh Thầy (trong đó có một nhánh là sông Bạch Đằng) từ Hải Dương đổ ra biển Quảng Ninh như một dải khăn voan che ngang miệng cô gái đang mỉm cười kín đáo. Cửa biển Bạch Đằng tự ngàn đời đã là mồ chôn quân Nam Hán, quân Tống, quân Nguyên... xâm lược. Nơi đây, trong gió, hình như vẫn còn vang vọng tiếng trống trận, tiếng reo hò thắng trận của các chiến sĩ thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo...

Sông Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng của tư thế Việt Nam. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thơ, nhà văn sáng tác ra những tác phẩm bất hủ. Bạch Đằng hùng vĩ trong thơ Nguyễn Trãi:

Ngạc chặt kình băm non lởm chởm

Gươm chìm giáo gãy bãi lô nhô.

(Cửa biển Bạch Đằng)

Bạch Đằng đượm cảm hứng hoài cổ trong thơ Nguyễn Mộng Tuân, nhà thơ đời Lê: “Ngắm sông Bạch Đằng bát ngát, nhớ Hưng Đạo oai phong... Ráng mây đỏ tưởng chừng máu tanh nhuộm thắm. Đầu lâu gào gió, nghe như ốc thảm thu ngân".

Tác phẩm văn học viết về sông Bạch Đằng trọn vẹn nhất, nổi tiếng nhất là Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, ông là người có mặt trong hai lần chống quân Nguyên dưới triều Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Trở về nơi “chiến địa xưa”, ông như sống lại với lịch sử oai hùng, man mác buồn thương nhớ... Trương Hán Siêu đã chọn thể phú, một thể văn tả để kể chuyên và ngụ tình. Bài phú rất chặt chẽ và nghiêm ngặt trong kết cấu truyền thống của nó, gồm sáu phần:

- Lung (phá đề): từ câu “Khách có kẻ... tha thiết”: nói về nguyên nhân tới sông Bạch Đằng (Thú tham quan danh thắng của tao nhân, mặc khách)?

- Biện nguyên (thừa đề): từ “bèn giữa dòng... bồng bềnh mái chèo”: tả cuộc ngoạn cảnh trên sông.

- Thích thực (tả rõ): tiếp theo đến “Dấu vết còn lưư”: tả cuộc chơi rõ hơn, chi tiết hơn.

- Phu diễn (minh họa): tiếp theo đến “Nghìn đời ca ngợi”: trình bày bổ sung về ý nghĩa của cảnh.

- Nghị luận (bàn bạc): tiếp theo đến “Bia miệng không mòn”: lời bàn của tác giả.

- Kết (mở rộng, tiếp nối vấn đề): phần còn lại: bài học giữ nước rút ra từ thế “đất hiểm” và con người “đức cao”...

Sông Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng của tư thế Việt Nam

Trật tự nói trên hết sức hợp lí và thoáng. Tác giả kể chuyện đi chơi gặp các bô lão, nhớ lại cảnh xưa rồi suy ngẫm về đất nước, con người.. Trật tự đó góp phần không nhỏ trong việc diễn tả niềm tự hào dân tộc phơi phới đang dạt dào dâng lên trong lòng mình.

Có thể nói, tới đây ta đã hầu như hiểu được những nội dung chính của bài phú trên cơ sở xem xét kết cấu của nó. Tựu trung bài phú có mấy nội dung chính yếu nhất cần lưu ý:

Trước hết, nói về cảnh sông Bạch Đằng. Cảnh hiện tại, hầu như được tả trực tiếp. Vẻ đẹp của Bạch Đằng được ngầm so sánh với vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh bên Trung Quốc. Cảnh trong quá khứ, thông qua trí tưởng tượng, hồi ức của các bô lão là cảnh trong tâm tưởng. Vì là cảnh trong tâm tưởng chúng rực rỡ, chói sáng, được huyền thoại hóa với “Thuyền bè muôn đội, Tinh kì phấp phới”, với trận đánh “nhật nguyệt phải mờ”, “trời đất sắp đổi”... Không gian và thời gian nghệ thuật mở rộng từ quá khứ đến hiện tại vừa dài, vừa rộng, vừa sâu.

Tình trong bài phú cũng thật mênh mông. Dễ thấy ngay tình yêu thiên nhiên đất nước của Trương Hán Siêu qua thú tiêu dao vịnh cảnh. Sông Bạch Đằng trở thành cõi thơ, thành nơi quyến rũ biết bao người, trong đó có những người từng gắn bó, sống chết với địa danh lịch sử này. Địa danh ấy gắn liền với những chiến công và mãi mãi là niềm tự hào của họ.

Bài phú kết thúc ở câu:

Giặc tan muôn thuở thanh bình

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

Đây là một bài học, là tư tưởng chỉ đạo việc giữ nước. Tư tưởng này xuất phát từ một tình cảm lớn, tình yêu nước.

Trở lại với sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu để lại cho đời một tác phẩm bất hủ. Sống lại cùng với ông trong bài phú, em như hiểu hơn về tài năng và đức độ của cha ông. Tài năng và đức độ ấy, có lẽ, đã được hun đúc bằng lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc của người Việt Nam ta!

Leave a Reply