Em hãy viết bài nghị luận "Nói không với các tệ nạn xã hội​"

Trong một xã hội, khi mà nhu cầu vật chất được nâng cao, cuộc sống đủ đầy, bên cạnh những mặt tốt thường thấy, sẽ tồn tại song song những mặt trái khó lường. Đó chính là những tệ nạn xã hội mà con người ta hay nhắc đến, là một vấn đề nghiêm trọng cần được cả xã hội chung tay góp sức giải quyết. Có không biết bao nhiêu khẩu hiệu, bản tin, logo và những phong trào sôi nổi phát động về nội dung “Nói không với các tệ nạn xã hội” hằng ngày. Vậy tệ nạn xã hội là gì và tại sao chúng ta phải nói không với nó?

bài trừ tệ nạn xã hội

“Tệ nạn xã hội” - chỉ nghe tên thôi cũng đủ biết nó ghê sợ đến dường nào. Đó là những vấn đề về xã hội, những vấn đế vi phạm pháp luật, bị ngăn cấm một cách triệt để và trở thành cái “nhọt” làm ảnh hưởng xấu đến sự văn minh, lành mạnh của cộng đồng. Thế nhưng, thay vì tránh xa và tìm cách ngăn chặn mối hiểm hoạ này, một số người lại lao vào những cạm bẫy ngọt ngào của nó, để rồi sau đó lãnh lấy những hậu quả khôn lường. Nhắc đến tệ nạn xã hội, ta nghĩ đến một vấn đề lớn được quan tâm nhiều nhất, và thường thấy trong cuộc sống hằng ngày một cách quen thuộc, đó chính là ma tuý.

Vậy ma tuý là gì? “Tuý” nghĩa là say. Mà cái say này lại không hề bình thường – và không bình thường như thế nào thì ở đây chắc ai cũng biết. Chơi ma tuý có nghĩa là dùng tiền để tìm hút và chích các loại thuốc có tính gây nghiện cao. Và nói về các loại thuốc gây nghiện ấy thì ôi thôi, nhiều vô số kể - trong đó có hêrôin được xem là ông “trùm” của chủng loại này, tức là ai trong giới nghiện và không nghiện đều biết đến danh tiếng của nó. Một khi đã say, ma tuý sẽ đem lại cho con người ta những khoái lạc đến cùng cực, nhưng sau những đắm chìm u mê đó, thì nỗi đau về thể xác và tinh thần cũng sẽ dằn vặt tâm hồn chúng ta mãi. Tại sao tôi lại nói như vậy? Các bạn không thử nghĩ xem, vì lý do gì mà người ta lại gọi vấn nạn này là ma tuý? Và các bạn chưa bao giờ thắc mắc rằng, người ta đề ra khẩu ngữ “Không thử, dù chỉ một lần” để làm gì? Không đơn giản mà ma tuý lại trở thành một tệ nạn xã hội đứng ở vị trí nghiêm trọng hàng đầu như thế. Bởi lẽ, tác hại mà nó đem lại cho chúng ta là vô cùng sâu đậm, có khi là những vết nhơ cả đời không rửa sạch, và, có khi cuộc đời của một con người, bắt đầu rồi kết thúc một cách đau thương cũng là vì nó. Ma tuý - chỉ cần tiếp xúc với nó, một lần thôi, là chúng ta đã tự vẽ ra đường cùng cho cuộc đời mình. Một khi đã rơi vào nghiện ngập, nó sẽ đeo bám chúng ta, hành hạ thân xác chúng ta, cho đến một ngày nào đó không còn chịu đựng được nữa, thì những thứ còn lại bên ta, chỉ là cái chết được báo trước, hay nỗi ân hận đến xé lòng và những giọt nước mắt rơi hoài trong vô vọng…

Muốn hút, muốn chích, trước hết là phải có tiền. Nhưng đồng tiền nào có dễ kiếm, và giá của một gói ma tuý bé tí có khi lên cả hàng trăm ngàn đến một triệu đồng/gói. Nhưng bạn thử nghĩ mà xem, những người nghiện ma tuý thì làm thể nào có thể tự lao động kiếm tiền? Đó chỉ là những thân xác không hồn, vô dụng, những con người quen xài tiền của người thân hay kiếm tiền bằng những hành động phi pháp. Và, không gì có thể tồn tại mãi mãi. Tiền dù có chất cao như núi cũng không nuôi nổi những con người như thế. Để rồi một này cạn kiệt, những con người ấy phải đi cầm cố, vay mượn, hay ra ngoài xã hội uy hiếp, trộm cắp, làm những công việc phạm pháp hòng có tiền thoả mãn sự ham muốn. Và đâu chỉ dừng lại ở đó, mỗi khi cơn nghiện lên, nếu không có thuốc để đáp lại nhu cầu đó, thì nó sẽ hành hạ thân xác chúng ta, làm tê liệt các dây thần kinh trung ương, khiến ta không còn là ta nữa, cứ quằn quoại, điên cuồng như một con thú hoang, làm đau lòng người thân và đau cả chính tâm hồn chúng ta nữa. Những con người ấy sống cũng như chết, sống chỉ đơn giản là chờ đợi những cơn nghiện, rồi hút chích, ngày qua ngày, không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, không biết mọi thứ trên đời này tồn tại như thế nào, chỉ còn một vòng luẩn quẩn, lên cơn – hút - rồi say. Sống như vậy để mà làm gì? Không có niềm vui, không có ánh mặt trời, chỉ có sự u mê, tiếng than khóc của người thân, của gia đình, của những con người duy nhất trên thế giới này còn yêu thương ta và sự xa lánh của xã hội. Những con người bất hạnh. Sống mà không thể kiểm soát được bản thân mình đã là bất hạnh, thế mà những con người ấy còn phải tự mình chui rúc vào vỏ bọc của sự nghiện ngập, bị tách biệt với thế giới bên ngoài, cô đơn, không ai thương xót. Và bất hạnh hơn nữa khi họ bước vào giai đoạn cuối cùng của sự nghiên ngập – căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS – thì lúc đó, dù cho họ có ăn năn hối hận, có tỉnh ngộ và tha thiết mong làm lại cuộc đời như thế nào đi chăng nữa thì cũng đã quá muộn. Vô vọng. Vì trước khi bước chân vào, họ đã phải lựa chọn, và vì họ đã lựa chọn như thế, nghĩa là họ đã tự tạo nên án tử hình cho mình. Chính họ đã tự tước đoạt quyền được sống của bản thân. Lời ân hận đã không còn được chấp nhận…

Tệ nạn xã hộ

Có một người rơi vào nghiện ngập khi anh chỉ mới 17 tuổi. Vì nhà nghèo thất học, cha lại mất sớm, anh bỏ lên Sài gòn rồi rơi vào con đường tội lỗi. Mặc cho mẹ khóc hết nước mắt và ngăn cản quyết liệt, anh vẫn đắm chìm trong sa đoạ. Cho đến một ngày, bản án tử hình đã đến với cuộc đời anh. Anh đã bị nhiễm HIV. Gìờ đây, khi mọi thứ sắp kết thúc, anh mới nhận ra mình đã bỏ lỡ quá nhiều thứ trong cuộc sống. Lần đầu tiên trên giường bệnh, anh mới nhìn rõ gương mặt mẹ, mới nhận thấy nét đẹp phúc hậu trên gương mặt người đàn bà rất mực thương con này. Cho đến cuối cuộc đời mình, anh vẫn chưa làm được điều gì cho mẹ cả, anh chỉ thấy nước mắt lăn dài trên má mẹ, chỉ thấy mẹ vì anh mà gần như ngã quỵ. Thế nhưng mẹ vẫn yêu anh, vẫn cười với anh như hồi còn thơ bé. Và anh đã khóc, anh nói xin lỗi thật nhiều và nức nở trong lòng mẹ, anh nói rằng anh muốn làm lại cuộc đời, anh muốn lo cho mẹ và em. Anh luôn cho mình là người bất hạnh nhất trên đời này, thế nhưng giờ đây, anh biết mình là một con người hạnh phúc, vì bên anh vẫn còn có gia đình. Tại sao anh lại bỏ lỡ một tình cảm thiêng liêng như vậy. Cuộc đời anh thật sự bắt đầu khi anh 17 tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ ra trong anh phải tồn tại những chí hướng, hoài bão tốt đẹp, thế mà anh lại rới vào vòng vây của ma tuý - để rồi cuộc đời ấy kết thúc, bằng nước mắt và sự day dứt, ân hận vì tại sao anh lại để cuộc đời mình vụt bay một cách vô nghĩa như thế này. Nhưng đã quá muộn rồi, đúng không các bạn?

Thế đấy, thời gian đã trôi đi sẽ không bao giờ quay trở lại. Cuộc sống là món quà tuyệt diệu nhất mà ông trời đã trao tặng cho chúng ta. Hãy biết trân trọng nó, vì rằng mỗi người chỉ có thể sống một lần duy nhất. Đừng vội thấy gian nan mà nản chí, rồi vì một phút yếu đuối mà đánh mất cả cuộc đời, hãy đứng lên và làm lại tất cả, nắm lấy tương lai của mình trong tay. Hãy bước đi một cách vững vàng nhất, để rồi khi nhìn lại, chúng ta sẽ không thấy hối hận vì những gì mình đã làm, mà còn phải tự hào về nó. Đừng như chàng trai trong câu chuyện ở trên, đến cuối đời mới nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống, mà không thể nắm bắt được nó, không còn cơ hội, phải ra đi trong nỗi niềm ân hận khôn nguôi…

Hãy nhận thức được tác hại của tệ nạn xã hội nói chung và ma tuý nói riêng cũng như nói “không” với nó. Nếu bạn muốn cuộc đời của mình sang một trang mới, tốt đẹp hơn và đầy ánh hào quang, hãy bắt tay vào việc học ngay bây giờ. Cố gắng học thật giỏi, vì việc học dù có gian nan cũng là vì tương lai của chúng ta sau này. Hãy để người thân của ta luôn có thể mỉm cười hạnh phúc, vì rằng nếu họ đau lòng, bản thân ta cũng chẳng hề vui sướng. Ngoài ra, chúng ta còn nên vận động bạn bè, mọi người xung quanh tham gia các phong trào phòng chống tệ nạn xã hội, cải thiện cuộc sống và góp phần làm đất nước ngày càng phát triển một cách văn minh, tốt đẹp hơn.

Hãy trân trọng những gì ta đang có, đừng để nó vụt bay rồi hối tiếc, vì rằng mỗi người chỉ có thể sống duy nhất một lần trong đời mà thôi…

Leave a Reply