Giải thích, bình luận câu tục ngữ sau: “Không thầy đố mày làm nên”

Số là thứ bảy vừa qua thầy cho chúng tôi một đề tập làm văn vói điều kiện là bài này sẽ do tự chúng tôi làm lấy một cách độc lập. Đã một tiếng đồng hồ trôi qua thế mà giấy trắng vẫn hoàn giấy trắng. Không vặn ra được chữ nào cho nó hay ho, tôi cố đọc, đọc từ từ và ngẫm nghĩ thế mà vẫn chưa tìm được cái ý. Bây giờ tôi mới thấm thía câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”.

Giải thích, bình luận câu tục ngữ sau Không thầy đố mày làm nên

Tôi cảm thấy thinh thích nó ở cái tính ngắn gọn hàm súc ấy, nó còn chinh phục tôi bởi từ “mày” mang đậm tính dân gian làm cho câu tục gần gũi hơn, đọc nghe êm tai hơn, dễ gây ấn tượng cho người đọc. Có một điều mà chúng ta ai cũng thấy là ca dao hay tục ngữ ra đời, bất kì câu nào cũng vậy thường thì nội dung của nó nêu lên một kinh nghiệm và hướng người ta tới một cách sống sao cho đẹp, cho có ý nghĩa. Và ý nghĩa sâu xa của nó thường được hiểu theo nghĩa bóng. Câu tục ngữ này cũng vậy. Nếu chúng ta nhìn nhận nó dưới góc độ của nghĩa đen thì chúng ta chỉ nghĩ rằng nội dung của nó là đề cao việc học tập và vai trò của người thầy. Phải có thầy chỉ bảo người học sinh mới có thể làm nên sự việc. Nhưng ý nghĩa của nó còn được hiểu rộng hơn cơ. “Thầy” ở đây không phải chỉ đơn thuần là người dạy văn hóa ở trường mà là tất cả những người dạy bảo ta về nhân cách về cuộc đời, đã có công truyền đạt kinh nghiệm hiểu biết cho chúng ta. “Học” ở đây không phải là học chữ mà là học toàn diện. “Mày” là người được chỉ bảo, được dìu dắt. Đó là ý kiến của câu tục ngữ. Chúng ta hãy xem nó có đúng và phù hợp không? Kiến thức kinh nghiệm dù lớn hay nhỏ, dù thế nào đi chăng nữa thì nó không phải tự nhiên mà có, phải được đúc kết từ nhiều năm. Không có thầy, không có người đi trước chỉ bảo thì không ai có thể trau dồi cho mình một lượng kiến thức để mình phát triển thành một người toàn diện. Như cô học trò trong truyện Người thầy đầu tiên chẳng hạn. Nếu không có thầy Đuy-sen đầy nhiệt tâm và quả cảm đó thì cô đâu trở thành một người toàn diện như thế. Cô đâu hiểu biết thế giới quanh mình, dù cô thông minh thật đấy. Người thầy ấy bằng cả sự hi sinh và máu của mình để chuẩn bị tương lai cho một cô học trò. Dù người ấy có thông minh đến thế nào đi chăng nữa thì họ vẫn không thể phủ nhận rằng thành tựu mà họ đạt được là không có vai trò của người thầy. Và đó dường như là quy luật. Thành tựu càng lớn thì vai trò người thầy càng được thể hiện rõ nét và cao hơn. Chúng ta có thể thấy được điều này qua tiểu sử và những gì mà các nhà bác học đã để lại. Không ai có thể bác bỏ rằng các nhà bác học như Niutơn - người đã tìm ra những phát minh vĩ đại - hay Laibơnit - người khởi xướng ra máy tính điện tử hiện đại ấy không phải là thiên tài. Nhưng, họ không thể một mình đi đến thành tựu của mình mà không có sự chỉ dẫn của những người đi trước. Đặc biệt là thầy của họ rất giỏi nữa là khác. Chúng ta không thể tìm thấy một ví dụ nào để có thể phủ nhận vai trò của người thầy. Như Eđixơn, Gorki, Xi-ôn-côp-xki (người sáng lập ra công trình nổi tiếng nhan đề “Khảo sát không gian vũ trụ bằng những khí cụ phản lực”) hay Andecxen, người kể chuyện cổ tích nổi tiếng của thế giới.... Tuy lúc nhỏ họ không được đến trường, nhưng nếu những cậu bé ấy không tìm tòi say mê đọc sách thì sự nghiệp ấy bao giờ mới đến với họ. Dù Andecxen học không giỏi lắm nhưng nếu không có sự chỉ dẫn giúp đỡ của một gia đình công chức ở thành phố thì ông cũng khó lòng vượt qua hoàn cảnh. Dù Eđixơn, Gorki là những người tự học nhưng họ vẫn không thoát khỏi nhận định của câu tục ngữ: Vì đọc sách là chịu một sự chỉ dẫn rồi. Và thường những nhân vật vĩ đại ấy lại là những ông thầy của các thế hệ kế tiếp. Như bác sĩ Tôn Thất Tùng ở nước ta chẳng hạn, là một người thầy đáng kính. Hay Xi- ôn-côp-xki của Liên Xô cũ sau khi thi đỗ giáo học vào loại xuất sắc đã trở thành một thầy giáo của xứ Ca-lu-ga.

Không thầy đố mày làm nên

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức một điều là phải hiểu đúng ý nghĩa của câu tục ngữ. Nhất là “thầy”, chúng ta cần có cái nhìn đúng về từ này. “Thầy” là người dạy ta nhân cách, hiểu biết, chỉ bảo ta những điều tốt đẹp. Là người dẫn ta đến với những tương lai tươi sáng.

Với trình độ ngày càng phát triển của khoa học ngày nay thì việc trang bị kiến thức đầy đủ, đòi hỏi sự hiểu biết cao là điều kiện cơ bản của sự phát triển xã hội. Và cũng là dịp để chúng ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa của khoa học hiện đại. Bởi thế, chúng ta cần phải vực dậy những ý thức, những tình cảm tốt đẹp ấy. Đây là một việc làm thiết thực nhất mà chúng ta có thể góp phần bảo vệ truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của mình nói riêng và cho cả dân tộc nói chung.

Nói chung thì nhận định của câu tục ngữ hoàn toàn đúng. Dường như không ai có thể thoát khỏi cái nhận định tinh tế và sâu sắc đó. Mặc dù thế, nếu chúng ta hiểu nó trong một nghĩa hạn hẹp thì câu tục ngữ có nguy cơ bị sa lầy. Bởi thế, vấn đề quan trọng là nhận thức của chúng ta. Phải nhận thức đúng để có hành động đúng.

Leave a Reply