Giải thích: Học tập suốt đời là chìa khóa của sự thành công
Hiện nay, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì nhu cầu tìm hiểu tri thức nhân loại ngày được mở rộng. Con người phải biết nhiều thứ tiếng để trao đổi với nhau trên nhiều quốc gia. Kiến thức ngày càng rộng lớn, con người không thể chỉ biết một mà phải biết nhiều, không chỉ nắm tình hình trong nước mà còn cả thế giới, không chỉ biết cảnh vật ở quốc gia mình mà còn biết thêm những cảnh vật của nhiều nước trên thế giới.
Ngày nay, truyền thông được mở rộng, con người có thể ngồi một nơi mà biết và truy cập nhiều thông tin trên thế giới, nhưng không biết sử dụng thông tin thì cũng như không biết chữ. Việc học là để giúp ta chọn lọc thông tin, phân tích và sử dụng thông tin chính xác.
Nói đến tiêu chí đánh giá dân trí của một quốc gia thì chưa có tiêu chí nào rõ ràng và chính xác. Trước đây, người dân không biết chữ, biết đọc, biết viết thì tìm cách dạy cho họ biết đọc, biết viết. Còn bây giờ biết đọc, biết viết là chưa đủ mà còn phải biết chọn lọc thông tin, vận dụng thông tin vào cuộc sống, còn phải biết trao đổi với mọi người và còn phát triển ngôn ngữ của mình.
Các dân tộc sống chung với nhau trên cùng lãnh thổ để có cuộc sống tốt đẹp, hòa thuận thì không chỉ biết phong tục, tập quán của nhau, biết yêu thương nhau mà còn phải biết ngôn ngữ của nhau nữa. Do đó, học là để biết, học là để hiểu, học là để làm và học còn để chung sống hòa bình với nhau. Như vậy, chúng ta cần phải học thì con đường chúng ta đi ít gặp chông gai trắc trở hơn, nếu không học tầm nhìn của ta bị thiển cận, nhìn không xa, bàn không tới, đi không lâu và dễ gặp sai lầm. Như Bác Hồ đã dạy “Đi đường mà biết rõ đường, thì đi thoải mái và thấy như đường dài mà ngắn lại. Đi đường mà không biết trước những chặng phải đi qua, thì mò mẫm, không rõ xa gần, chỉ thấy đường dài thăm thẳm, đi chưa được mấy đã thấy mệt”
Việc học sẽ giúp chúng ta tìm ra con đường đúng đắn và ngày càng mở rộng ra cho ta nhiều cơ hội mới.
Học nhiều nhưng không thừa, càng học rộng, hiểu biết càng nhiều và giúp chúng ta giải quyết công việc tốt hơn, càng trau dồi kiến thức, tâm chúng ta càng sáng hơn như câu “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Việc học như viên ngọc phải rèn giũa thường xuyên và càng mở rộng phạm vi học tập, không chỉ học tri thức mà còn trau dồi đạo đức và phải thực hành. Học phải đi đôi với hành, Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm đến việc học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn, nói đi đôi với làm “Lý luận mà không có thực tiễn thì trở thành lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận thì trở thành thực tiễn mù quáng”(2). Người có kinh nghiệm thì chưa đủ mà cần phải có lý luận đi kèm, người có lý luận thì phải đem ra thực hành, giữa học và hành phải luôn luôn đồng thuận với nhau. Nói mà không làm thì không giỏi, làm mà không có lý luận đi kèm thì sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, công việc sẽ không đi đến nơi. Lênin cũng có câu “Học, học nữa, học mãi” là việc học không bao giờ ngừng, học một rồi phải học lên hai, hai rồi lên ba, học đến suốt đời.
Việc học không phải lên lớp nghe giảng bài thì mới được gọi là học, mà việc học được tổ chức mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, chúng ta có thể học khi ta đang làm, học trong khi đang vui chơi. Học không kén chọn ai, ai cũng có thể học, học nhiều hơn nữa. Việc học không có nghĩa là có người hướng dẫn mà người học có thể tự tổ chức việc học cho mình. Vai trò tự học rất quan trọng, người học mà không có tính tự học thì học không đến nơi, không giỏi, còn người học mà có tính tự học thì học nhiều hơn dự tính của mình.
Việc học không chỉ giúp chúng ta tìm cho mình một nghề mà còn giúp chúng ta nhận biết thế giới, phân tích và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Vì trong cuộc sống mỗi bước ta đi tới luôn có những khó khăn và thách thức, làm thế nào vượt qua nó, đó là do thái độ của ta nhìn nhận nó và giải quyết nó theo hướng khoa học, mà chính việc học vạch ra cho ta.
Vậy khi chúng ta càng học rộng con đường chúng ta đi càng dài, càng rộng, càng đi tới càng thu nhiều kết quả tốt. Do đó chúng ta cần vượt qua nhiều gian khó, thử thách dùng chiếc khóa học tập để mở ra cho mình nhiều cánh cửa, nhiều cơ hội và nhiều con đường rộng mở cho ta đi tới thành công. Sau này, dù ở cương vị nào, chúng ta nhìn nhận lại cuộc sống của mình và tự hào rằng “việc học là vô giá”.
Nhưng có mấy ai hiểu hết giá trị của việc học, do đó mà có nhiều người xem việc học như trò đùa, cưỡi ngựa xem hoa, thích hưởng thụ mà không lao động, nên có nhiều thanh thiếu niên lơ là việc học tập và nhất là lơ là tương lai của mình. Thực trạng hiện nay đang diễn ra vấn nạn, nhiều thanh thiếu niên lơ là việc học, học không nhiệt tình, xem việc học như là hàng hóa, học để lấy bằng đối phó không vì tay nghề vững chắc, nên các em bỏ qua việc học thậm chí còn xem thường người dạy mình.
Giá trị của việc học bị xem nhẹ, trước đây có câu “người ta lấy thúng đong lúa, có ai lấy thúng đong chữ bao giờ”, do kém hiểu biết nên họ xem trọng việc ruộng nương hơn học, còn bây giờ người ta coi trọng đồng tiền hơn việc học thực thụ.
Trước thực trạng đáng buồn như hiện nay, chúng ta cần làm gì để tất cả nhìn nhận lại việc học, quan tâm và đầu tư vào việc học. Có rất nhiều công trình từ thiện chung tay giúp đỡ các em nghèo khó học giỏi, những em vì hoàn cảnh mà bỏ học, nhưng chưa có tổ chức nào giúp đỡ các em có điều kiện mà lơ là việc học lôi kéo các em vào việc học để giáo dục các em thành người có ích cho xã hội. Chính gia đình là người bạn của các em, khuyến khích, động viên các em trở lại trường học và rèn luyện các em thành người hữu dụng mai sau. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc học tập của các em.
Đây cũng là mong muốn của tất cả những giáo viên đến các bậc phụ huynh hãy quan tâm nhiều hơn đến việc học của các em và rèn luyện nhân cách cho các em. Cùng chung tay giáo dục các em ngày càng tốt hơn. Đúng với lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(3). Hãy là bạn của các em để giúp đỡ các em nhiều hơn trong học tập, trong cuộc sống và trên con đường đi tới của đất nước