Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ và vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

HƯỚNG DẪN

1. Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) quê gốc ở thành phố Đà Nẵng, sinh tại huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ; là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Thuở nhỏ Lưu Quang Vũ sống với gia đình ở chiến khu Việt Bắc; từ năm 1954, về Hà Nội sống và học tập. Năm 1965, Lưu Quang Vũ gia nhập quân đội, phục vụ trong quân chủng Phòng không - Không quân; năm 1970 ra quân, làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng họat động chủ yếu trong lĩnh vực văn nghệ. Từ năm 1978 đến khi mất, là biên tập viên tạp chí Sân khấu. Lưu Quang Vũ qua đời cùng vợ và con trai trong một tai nạn giao thông thảm khốc, giữa lúc tài năng đang chín rộ.

Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ và vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Lưu Quang Vũ được đánh giá là một trong những nhà viết kịch tài năng nhất của văn nghệ Việt Nam hiện đại. Ông có công lớn góp phần vực dậy cả một nền sân khâu lúc đó đang có nguy cơ tụt hậu. Kịch của Lưu Quang Vũ hấp dẫn chủ yếu bằng xung đột trong cách sống và quan niệm sống. Qua đó, khẳng định khát vọng hoàn thiện nhân cách con người. Do có đóng góp lớn cho ngành sân khấu, Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

- Lưu Quang Vũ có thơ xuất bản khi còn đang trong quân ngũ (tập Hương cây - Bếp lửa, 1968, cùng Bằng Việt) và từng được khá nhiều bạn đọc yêu mến; đến đầu những năm tám mươi sau đó, chuyển hẳn sang lĩnh vực sân khấu. Chỉ trong thời gian chưa đầy chục năm, ông đã sáng tác khoảng năm mươi kịch bản và hầu hết được các nhà hát trong toàn quốc dàn dựng, tiêu biểu là Sống mãi tuổi 17 (1979), Người tốt nhà số 5 (1981), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (1984), Tôi và chúng ta, Nguồn sáng trong đời (1985), Khoảnh khắc và vô tận (1986), Bệnh sĩ, Điều không thế mất (1988),...

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch từng gây tiếng vang rất đặc biệt trên sân khấu nước nhà những năm đầu của công cuộc đổi mới. Ở vở kịch này, tác giả dựa vào một câu chuyện dân gian để xây dựng một tình huống kịch độc đáo: Trương Ba là một người làm vườn chất phác, cần cù, yêu vợ, thương con, quý cháu và giỏi cờ. Do thái độ làm việc tắc trách của hai vị quan trên Thiên đình là Nam Tào và Bắc Đẩu, ông đang khỏe mạnh bỗng chết đột ngột. Vì quý trọng tài cờ của ông và cũng để sửa sai sơ suất của Nam Tào và Bắc Đẩu, Đế Thích - một ông tiên cao cờ - đã xin để hoá phép cho hồn Trương Ba nhập vào thân anh hàng thịt (vừa chết được một ngày). Mọi điều trớ trêu, bất hạnh xảy ra từ đó. Vì hồn Trương Ba phải núp trong thân xác anh hàng thịt mà sống, nên nó có nguy cơ bị thân xác lấn át. Hồn Trương Ba phải trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt với chính thể xác mà nó trú ngụ vì thể xác đầy ham muốn bản năng, sau ba tháng nó đã trở nên xa lạ, đáng sợ trong con mắt những người ruột thịt bạn bè và tự chán mình. Cuối cùng, hồn Trương Ba quyết định xin Đế Thích cho anh hàng thịt, cu Tị (bạn của cái Gái - cháu nội ông) được sống lại; còn bản thân ông thì chết hẳn (không nhập vào thân xác của ai nữa) để bảo toàn sự thanh sạch của mình.

Lưu Quang Vũ viết vở kịch này từ năm 1981, đến năm 1984 vở kịch mới được công diễn và công diễn nhiều lần tiên sân khâu trong nước và ngoài nước. Tuy dựa vào cốt truyện một truyện dân gian nhưng nhà viết kịch đã có những thay đổi cơ bản về sự phát triển của cốt truyện. Nếu ở truyện dân gian, hồn Trương Ba sau khi nhập vào thân xác anh hàng thịt được sống bình thường, hạnh phúc thì trái lại, ở kịch bản này, Trương Ba luôn đau khổ bị giày vò bởi tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

- Về cốt truyện, Hồn Trương Ba, da hàng thịt gồm 7 cảnh và đoạn kết, nội dung tóm tắt mỗi cảnh như sau:

Hồn Trương Ba, da hàng thịt gồm 7 cảnh và đoạn kết

+ Cảnh I: Nam Tào, Bắc Đẩu và Đế Thích trên Thiên đình Nam Tào, Bắc Đẩu đang ngồi đánh dấu tên người phải chết trong ngày. Đế Thích đến tỏ ý tìm người cao cờ dưới hạ giới để cùng đánh cho vui. Vì vội đi ngay để dự tiệc nên Nam Tào gạch bừa phải tên Trương Ba.

+ Cảnh II: Trương Ba đang làm vườn và chuyện trò với vợ, con trai, con dâu và cháu gái nội thì Trưởng Hoạt đến rủ đánh cờ. Đế Thích xuất hiện giúp Trưởng Hoạt gỡ thế cờ. Đế Thích cho Trương Ba một bó hương, bảo rằng: Nếu cần Đế Thích giúp gì thì thắp một nén; muốn lên Thiên đình gặp Đế Thích thì thắp ba nén. Sau đó, Trương Ba thấy trong người khó ở rồi chết.

+ Cảnh III: Cảnh Thiên đình

Nam Tào, Bắc Đẩu và Đế Thích đang trò chuyện thì vợ Trương Ba lên (bà vô tình châm ba nén hương thắp cho chồng). Bà đòi trả mạng sống cho chồng. Nhân có anh hàng thịt vừa chết được một ngày, Nam Tào và Bắc Đẩu bèn cho hồn Trương Ba nhập vào xác ánh hàng thịt để sống lại.

+ Cảnh IV: Nhà người hàng thịt

Thân nhân người hàng thịt đang ngồi bên quan tài bỗng thấy anh hàng thịt đội nắp quan tài đứng dậy, đòi về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba đến nhà người hàng thịt xem phép màu nghiệm ứng để đón chồng. Lúc đầu mọi người hoảng sợ hoang mang, ngỡ ngàng nhưng hồn Trương Ba nói được những điều chỉ ông Trương Ba xưa mới nói được nên Trưởng Hoạt nhận bạn, vợ Trương Ba nhận chồng. Hồn Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt về nhà Trương Ba.

+ Cảnh V: Hồn Trương Ba và người vợ

Việc hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt đã gây ra bao phiền toái không chỉ cho những người thân trong gia đình Trương Ba. Do anh con trai hối lộ nên lí trưởng phải xử đến hai lần buộc hồn Trương Ba ban ngày ở nhà Trương Ba, đêm phải về nhà anh hàng thịt, sau đó - nửa đêm mới được về nhà.

+ Cảnh VI: Nhà người hàng thịt

Trời đã về khuya. Sau khi giúp chị hàng thịt mổ lợn, chuẩn bị ra về thì chị ta mời hồn Trương Ba uống rượu, ở lại qua đêm. Hồn Trương Ba định xuôi theo nhưng đấu tranh được với bản thân, gỡ tay chị ta trở về nhà mình.

+ Cảnh VII: Nhà Trương Ba

Trong xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba vô cùng đau khổ và tự giày vò mình để đi đến quyết định cuối cùng.

+ Đoạn kết: Hồn Trương Ba nhập vào cây vườn trò chuyện với vợ. Cu Tị và cái Gái ăn na và trồng hạt “cho nó mọc thành cây mới” như ông Trương Ba khi còn sống vẫn khuyên dạy cháu.

- Trích đoạn kịch bản đưa vào SGK là đoạn cuối cùng của vở kịch (Cảnh VII và đoạn kết) diễn tả sự đau khổ, dằn vặt đã phát triển đến đỉnh điểm để từ đó đi tới quyết định cuối cùng rất cao thượng của hồn Trương Ba: Khước từ cuộc sống không phải là mình dù sự sống muôn phần đáng quý. Văn bản đoạn trích được rút từ Tuyển tập kịch Lưu Quang Vũ, NXB Sân khấu, Hà Nội, 1994.

Leave a Reply