Hãy nêu ý kiến bàn bạc về tính nói dối

Một trong những thói hư tật xấu của kẻ vô đạo đức là nói dối. Trẻ con, nói dối đã đáng chê! Người lớn, kẻ có học, kẻ có chức sắc, chức quyền mà nói dối mới thật đáng sợ, đáng ghê tởm!

Nói dối nghĩa là nói sai sự thật một cách cố ý, nhằm che giấu điều gì đó. Cùng trường ngữ nghĩa với nói dối là: nói điêu, nói phách, nói phét, nói hươu nói vượn, nói bịa, v.v...

Nói dối

Nói dối là một tính xấu, một thủ đoạn cực kì xấu xa, đồi bại. Nói dối chỉ là cốt dụng ý lừa người, có thì biến thành không, không biến thành có. Con cháu hư thân mất nết, gây ra bao điều xấu xa, bao điều tệ hại nên nói dối để lừa ông bà, cha mẹ. Học trò lười biếng, trốn học, vô kỉ luật đã dùng cách nói dối để lừa thầy, cô giáo và bạn học. Người bán hàng nói dối để lừa người mua, biến hàng xấu, hàng rởm thành hàng tốt, hàng xịn, để được "một vốn bốn lời", để giàu có!

Che giấu sự thật, bưng bít thông tin, làm láo báo cáo hay, tranh công đổ lỗi, để lừa công chúng cũng là nói dối. Nói dối xét cho cùng là sự sa đoạ về đạo đức của bọn hám danh hám lợi. Sử dụng bằng giả (tiến sĩ rởm), man khai lí lịch, man khai thành tích, quảng cáo rùm beng chuyện trên trời dưới đất đều vì tiền, vì lợi, vì danh mà nói dối một tấc đến trời! Nói dối để che giấu khuyết điểm, che giấu sai lầm, để củng cố địa vị, để làm giàu bất chính!

* Vì thiếu trung thực nên nói dối. Vì sa đoạ mà nói dối. Kẻ nói dối cứ tưởng là lừa được người nhưng trước hết là tự lừa mình, tự huỷ hoại nhân cách mình trước đồng loại. Câu "Nói dối như Cuội" chứa đầy sự khinh bỉ!

Nói dối là vô đạo đức, kém nhân cách. Khi nói dối đã thành "bệnh" thì vô cùng nguy hại: nhân cách sa đoạ, đạo lí suy đồi, niềm tin bị xói mòn, kẻ nói dối bị mọi người xa lánh, tẩy chay, khinh bỉ!

Tính nói dối

Các thành ngữ, tục ngữ sau đây đều châm biếm kẻ dối trá, kẻ nói dối: Nói dối như Cuội; Nói khoác một tấc đến giời; Án không nói có như chó chui gầm giường; Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối; v,v... Phải sống trung thực, thật thà, đừng có gian manh dùng thủ đoạn nói dối để lừa bịp. Phải nhớ lời nhân dân nhắc nhở: "Thật thà là cha mách qué!", "Một lời nói dối sám hối bảy ngày!". Bác Hồ kính yêu từng dạy thiếu niên nhi đồng: "Khiêm tốt, thật thà, dũng cảm". Có thật thà mới không nói dối.

Trong cuộc sống, học sinh chúng ta, tuổi trẻ chúng ta phải gột rửa tính xấu nói dối. Phải biết rèn luyện, tu dưỡng tính trung thực, tính thật thà để sống đẹp, để thể hiện một nhân cách văn hoá, sống đàng hoàng trước đồng loại.

Leave a Reply