Hãy phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

HƯỚNG DẪN

TÌM HIỂU CHUNG

1. Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) (1928 - 1968) tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, quê ở xã Quần Phương Thượng, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

- Ông là người miền Bắc nhưng đã gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, đã thực sự trở thành nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong thời kì chống Mĩ cứu nước.

- Nhân vật tiêu biểu nhất của Nguyễn Thi là những người nông dân Nam Bộ có lòng căm thù giặc sâu sắc, vô cùng gan góc, kiên cường, thủy chung son sắt với quê hương và Cách mạng.

- Nguyễn Thi là cây bút có năng lực phân tích tâm lí sắc sảo. Ông có khả năng thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật, phân tích và diễn tả chính xác những quá trình tâm lí tinh vi của con người.

- Văn Nguyễn Thi vừa giàu chất hiện thực, đầy những chi tiết dữ dội, ác liệt của chiến tranh, vừa đằm thắm chất trữ tình với một ngôn ngữ phong phú, góc cạnh, đậm chất Nam Bộ, có khả năng tạo nên những nhân vật có cá tính mãnh liệt.

2. “Những đứa con trong gia đình” (1966) là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi, được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt khi ông công tác với tư cách là một nhà văn chiến sĩ ở Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng.

Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

PHÂN TÍCH

1. - Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” được trần thuật chủ yếu qua dòng hồi tưởng miên man đứt nối của nhân vật Việt khi anh bị trọng thương nằm lại ở chiến trường (nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại).

Việt tỉnh dậy lần thứ hai lúc trời “lất phất mưa”. Hai mắt bị thương, không nhìn thấy gì. Việt chỉ cảm thấy “hơi gió lạnh đang lùa trên má” và nghe thấy tiếng “ếch nhái kêu dậy lên”. Chính cái âm thanh có thực vang lên giữa chiến trường đêm tối mênh mông ấy đã gợi cho Việt nhớ đến những ngày còn ở quê, những đêm như đêm nay hai chị em xách hai cái đèn soi, lóp ngóp đi bắt ếch, “cười từ lúc đi cho tới lúc về”. Và khi “đổ ếch vào thùng, chú Năm thế nào cũng sang”. Thế là mạch hồi tưởng rất tự nhiên nói đến cuốn gia phả của gia đình mà chú là tác giả. Đến đây, dòng hồi tưởng của Việt đột ngột đứt, vì Việt, một lần nữa lại ngất đi.

Dòng hồi tưởng tiếp theo của nhân vật Việt lại bắt đầu khi “Việt choàng dậy” nghe thấy tiếng trực thăng phành phạch bay từng đàn trên đầu và tiếng súng nổ từng loạt ngắn ở phía xa. Việt nhận ra đã là ban ngày vì ngửi thấy mùi nắng và nghe thấy “tiếng chim cu rừng gù gù đâu đây”. Tiếng chim gợi nhớ chiếc ná thun hồi ở nhà Việt thường xách đi bắn những con cu cổ đeo những châm xanh đỏ óng ánh như cườm. Thế rồi, chiếc ná thun lại dẫn Việt trở về với những kỉ niệm về người mẹ giàu lòng vị tha, hết lòng vì chồng con, cuộc đời chồng chất những khổ đau uất hận mà vẫn rất đỗi hiên ngang, bất khuất...

- Cách thức trần thuật như thế đã đem đến cho tác phẩm đậm đà màu sắc trữ tình, tự nhiên, sông động, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhà văn có thể thâm nhập sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để dẫn dắt câu chuyện. Diễn biến của câu chuyện, cũng vì thế mà hết sức linh hoạt, không phụ thuộc vào trật tự của thời gian tự nhiên, có thể xáo trộn không gian với thời gian, từ những chi tiết ngẫu nhiên của hiện thực chiến trường mà gợi ra những dòng hồi tưởng, liên tưởng đến quá khứ khi gần khi xa, từ chuyện này sang chuyện khác hết sức tự nhiên, làm hiện lên vừa cụ thể, vừa sinh động những gương mặt tiêu biểu của một gia đình từ ông nội, chú và thím Năm, ba và má Việt đến thế hệ hôm nay như Việt và Chiến.

- Cách thức trần thuật như thế cũng thể hiện bút pháp nghiêm ngặt, năng lực phân tích và diễn tả tâm lí sắc sảo, tinh tế của Nguyễn Thi.

2. Đặc sắc của truyện là đã khắc họa được hình tượng những con người trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc thủy chung, son sắt với cách mạng, gan góc, dũng cảm, khao khát được chiến đấu giết giặc. Những con người này có những nét chung thông nhất, thể hiện rõ đặc điểm của nhân vật Nguyễn Thi.

Tuy nhiên, trong cái dòng sông truyền thông của gia đình ấy, “mỗi người một khúc”, mỗi nhân vật lại có nét tính cách riêng, không ai giống ai. Đó chính là điểm nói lên tài năng của Nguyễn Thi.

a. Nhân vật chú Năm

Trong dòng sông truyền thống của gia đình này, chú Năm là khúc thượng nguồn, là nơi kết tinh đầy đủ hơn cả truyền thống của gia đình:

- Chú hay kể sự tích gia đình. Chú là tác giả cuốn sổ gia đình ghi chép tội ác của giặc và chiến công của các thành viên trong gia đình.

- Chú Năm là người lao động chất phác nhưng giàu tình cảm. Tâm hồn chú Năm bay bỗng dạt dào cảm xúc khi cất lên tiếng hò. Những lúc đó, chú Năm như đặt cả trái tim mình vào trong câu hò, tiếng hát.

b. Nhân vật má Việt (má của Việt)

Má Việt cũng là một hiện thân của truyền thống

Cùng với chú Năm, má Việt cũng là một hiện thân của truyền thống. Đây là một hình tượng phụ nữ mang đậm những nét tính cách của nhân vật Nguyễn Thi.

- Rất gan góc, căm thù giặc sâu sắc. Rất phụ nữ mà không hề mềm yếu.

- Rất mực thương chồng, thương con, đảm đang, tháo vát. Cuộc đời lam lũ vất vả chồng chất đau thương tang tóc, nhưng cắn răng nén chặt nỗi đau thương của mình để nuôi con, đánh giặc.

Nguyễn Thi đã chọn lọc những chi tiết điển hình dồn nén biết bao ý nghĩa để khắc họa hình tượng người phụ nữ này: một tay bồng con, một tay cắp rổ đi theo thằng giặc đòi đầu chồng; hiên ngang đối đáp với kẻ thù mà “hai bàn tay to bản’’ vẫn “phủ lên đầu đàn con đang nép dưới chân”; mỗi lần bọn lính bắn dọa “mắt má lại sắc ánh lên nhìn lại bọn lính, đôi mắt của người đã từng vượt sông vượt biển”... Đó là hình ảnh của sự gan góc, chở che mang ý nghĩa biểu tượng về người phụ nữ ở một xứ sở như đất nước ta, cuộc sống thì lam lũ vất vả, chồng chất đau thương nhưng con người lại rất đỗi kiên cường, cao cả.

- Má của Việt đã ngã xuống trong một cuộc đấu tranh nhưng trái cà-nông lép má nhặt đem về vẫn còn nóng hổi. Như vậy, trong quan niệm của Nguyễn Thi, người mẹ ấy thác chỉ là thể phách còn linh hồn thì bất tử, sống mãi trong những đứa con. Không phải ngẫu nhiên mà vào cái đêm sắp xa nhà đi chiến đấu, những đứa con đều cảm nhận không phải ai khác mà chính là người mẹ đã hiện về.

3. a. Nhân vật Chiến

- Chiến có những nét giống mẹ. Nguyễn Thi có ý thức tô đậm nét kế thừa người mẹ ở nhân vật Chiến.

- Chiến là một tính cách đa dạng: vừa là một cô gái mới lớn, tính khí còn rất “trẻ con”, vừa là người chị biết nhường nhịn em, biết lo toan, đảm đang, tháo vát.

- So với người mẹ, Chiến không chỉ khác ở cái vẻ trẻ trung thích làm duyên làm dáng. Vận hội mới của Cách mạng đã tạo điều kiện cho Chiến được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù nhà, thực hiện lời thề như dao chém đá của mình: “Đã là thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất...”.

b. Nhân vật Việt

Trong tác phẩm, Việt là nhân vật xuất hiện nhiều lần nhất. Dường như tác giả đã “trao ngòi bút” cho nhân vật này “tự viết lấy” về mình bằng một ngôn ngữ, nhịp điệu và giọng điệu riêng. Và bằng cách ấy, Việt đã hiện lên cụ thể và sinh động: vừa là cậu con trai mới lớn, vừa là một chiến sĩ gan góc, dũng cảm, kiên cường.

- Việt có nét riêng dễ mến của một cậu con trai lộc ngộc vô tư, tính tình còn rất “trẻ con”, ngây thơ, hiếu động.

Nếu Chiến luôn biết nhường nhịn em, thì trái lại, Việt lại hay tranh giành phần hơn với chị. Việt rất thích đi câu cá, bắn chim, và đến khi đi bộ đội vẫn còn đem theo cả cái ná thun ở trong túi. Mọi công việc trong nhà, Việt đều phó thác cho chị. Đêm trước ngày lên đường, Chiến lo toan thu xếp chu đáo việc nhà, từ em út, nhà cửa, ruộng vườn đến nơi gửi bàn thờ má, bàn bạc với em một cách trang nghiêm; còn Việt thì vô tư “lăn kềnh ra ván, cười khi khì”, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay” rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con, “giấu chị như giấu của riêng” vì sợ mất chị trước những lời tán tỉnh đùa tếu của anh em. Việt bị thương nằm lại chiến trường, đến khi gặp được đồng đội thì cũng “giống hệt như thằng út em ở nhà, khóc đó rồi cười đó”,...

Chiến có những nét giống mẹ

- Tuy vẫn còn có vẻ hồn nhiên, vô tư nhưng Việt cũng thật đường hoàng, chững chạc trong tư thế của người chiến sĩ trẻ dũng cảm, kiên cường. Dòng máu nóng chảy trong người Việt là dòng máu gia truyền của những con người gan góc, không bao giờ biết sợ trước sự bạo tàn. Cho nên, còn bé tí mà Việt đã dám xông thẳng vào thằng giặc đã giết hại cha mình mà đá. Việt đã nằng nặc đòi đi tòng quân để trả thù cho ba má. Khi xông trận, Việt chiến đấu rất dũng cảm, đã dùng thủ pháo tiêu diệt được một xe bọc thép của địch. Và đến khi bị trọng thương, một mình nằm giữa chiến trường, hai mắt không còn nhìn thấy gì, toàn thân đau điếng và rỏ máu, người thì khô khốc đi vì đói khát. Việt vẫn ở trong tư thế chờ tiêu diệt giặc: “Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thi tao cũng bắn được mày. Nghe súng nổ, các anh tao sẽ chạy tới đâm mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy”. Có thể nói, hành động giết giặc để trả thù nhà, đền nợ nước đã trở thành một trong những thước đo quan trọng nhất về phẩm cách con người ở nhân vật của Nguyễn Thi.

4. Chất sử thi của truyện thế hiện ở chỗ:

- Vấn đề mà tác phẩm đặt ra có ý nghĩa chung cho cả cộng đồng và dân tộc trong thời kì chống Mĩ cứu nước.

- Phẩm chát và tính cách của các nhân vật chính diện đều tiêu biểu cho những con người của thời đại.

- Giọng điệu của tác phẩm là giọng điệu trân trọng và ngợi ca những tấm gương của chủ nghĩa anh hùng.

5. Văn của Nguyễn Thi đầy chi tiết cụ thể làm nổi rõ góc cạnh của cuộc sống, tạo được không khí hết sức chân thật và làm cho tất cả bỗng như trở nên có linh hồn. Không ai có thể quên đoạn văn rất cảm động tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm: “Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng sắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm dỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng minh rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”. Chi tiết này bắt nguồn từ tập quán lâu đời của những cư dân nông nghiệp, rất thôn quê Việt Nam. Trong cái không khí vô cùng thiêng liêng ấy, con người ta bỗng thấy mình thành một con người khác, trưởng thành và khôn lớn hơn. Một người hồn nhiên, vô tư như Việt vào chính cái giờ khắc này mới thấy “thương chị lạ”, mới “thấy rõ lòng minh” và cảm thấy rát rõ mối thù thằng Mĩ như có hình, có khối, có trọng lượng cụ thể đang đè nặng ở trên vai. Chi tiết này đã nói lên thật cụ thể cái phần sâu thẳm, thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Đây cũng là một chi tiết nghệ thuật có tính tiểu thuyết, cô đọng, dồn nén, chất chứa biết bao ý nghĩa, vừa là hành động cụ thể, vừa có yếu tố tâm linh, vừa nặng trĩu căm thù, vừa chan chứa yêu thương...

Leave a Reply