Một nhà triết học nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì mà nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả... Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Anh (chị) hãy bình luận câu nói đó. (Yêu cầu viết bài văn)

Một nhà triết học nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì mà nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó phải làm như thế nào thì nó sẽ được trở thành như thế ấy, và nó phải tự làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Anh (chị) hãy bình luận câu nói đó. (Yêu cầu viết bài văn)

BÀI LÀM

Con người khác con vật ở chỗ con người dự phần quyết định vào việc tạo dựng nên nhân cách của nó. Chính vì vậy, một nhà triết học có nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì mà nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó phải làm như thế nào thì nó sẽ được trở thành như thế ấy, và nó phải tự làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Câu nói đó chẳng những nêu bật sự khác nhau giữa con người và con vật, mà còn nhấn mạnh tới vai trò con người trong việc hình thành nhân cách của mình.

Con người dự phần quyết định vào việc tạo dựng nên nhân cách của nó

Thật vậy, mỗi con vật khi sinh ra đều đã là tất cả những gì mà nó có. Điều đó có nghĩa là con vật được sinh ra như thế nào thì nó sẽ lớn lên như thế ấy. Một con chó sói được sinh ra thì sẽ trở thành con chó sói, một con chim được sinh ra thì sẽ trở thành một con chim. Dĩ nhiên phải có thời gian để con chó sói trưởng thành, tự kiếm ăn và tự vệ, để con chim con được lớn, mở mắt, biết bay đi kiếm mồi. Nhưng qua thời gian đó, con sói và con chim trưởng thành vẫn chỉ là con vật được quy định trong bộ gen của nó. Con vật được sinh ra trong trạng thái đã tự đầy đủ.

Con người thì khác hẳn, khi sinh ra tự nó không đầy đủ, không là gì cả. Một em bé sơ sinh đang oa oa chào đời, tự em không thể sống được nếu thiếu sự chăm sóc, bú mớm, đùm bọc của người mẹ. Em sẽ không trở thành người được nếu không biết nói, biết đọc, biết viết, biết giao tiếp với cộng đồng. Em sẽ không có chỗ đứng trong xã hội nếu em không có một nghề nghiệp nào đó. Rồi em có thể có được một nghề nào không, em trở thành người tốt hay xấu, chưa ai có thể quả quyết được. Vậy là con người, do khi lọt lòng tự nó không đầy đủ, cho nên mỗi người sinh ra đều mang theo một nhiệm vụ: Hãy trở thành một con người!

Ai chịu trách nhiệm làm cho một con người trở thành con người? Xã hội hay cá nhân? Tại sao nhà triết học nói con người làm như thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, như vậy có coi nhẹ điều kiện xã hội hay không? Có quá coi trọng vai trò của chủ thể cá nhân hay không?

Xét về điều kiện thì gia đình, xã hội là điều kiện để con người trở thành con người. Cha me cho bú mớm, nuôi nấng, dạy dỗ. Xã hội cung cấp trường học, sách vở, kiến thức, ngành nghề. Các điều kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thử tưởng tượng một con người sinh ra trong một gia đình nghèo túng, ăn không đủ no lại phải làm việc để sống thì sẽ như thế nào? Lại tưởng tượng một người sinh ra trong một gia đình giàu có, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và học tập thì thế nào? Nếu một con người ở nơi hẻo lánh, xa trung tâm văn hóa, thiếu trường sở, ít giao lưu thì thế nào? Một người khác ở thành phố lớn, nhiều trường tốt, có nhiều thầy giỏi thì sẽ ra sao? Rõ ràng điều kiện tốt rất thuận lợi và điều kiện xấu là hết sức khó khăn. Nhưng điều kiện không thể là cái quyết định tất cả. Nhiều người sinh ra trong nhà giàu chỉ biết hưởng thụ, lười biếng. Nhiều người xuất thân nghèo hèn lại có chí vươn lên. Ở đây hoạt động tích cực, chủ động sáng tạo của mỗi người vẫn là yếu tố quyết định việc sử dụng điều kiện như thế nào.

Con người có thể chọn một nghề phù hợp với khả năng, sở trường của mình

Khi nói tôi sáng tạo ra tôi, tôi tự làm ra chính tôi, không có nghĩa là tôi muốn trở thành cái gì cũng được, làm cái gì cũng được. Một người mà không có giọng hát trời phú thì không trở thành danh ca; một người không có thể chất tốt không thể trở thành vận động viên triển vọng... Nhưng khi đã có một số điều kiện nào đó thì việc phát huy điều kiện tốt, khắc phục điều kiện xấu phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của cá nhân có điều kiện ấy.
Con người làm như thế nào thì nó sẽ được trở thành như thế ấy. Đã là như vậy, con người được tự đo lựa chọn để tự thực hiện mình theo một lí tưởng nhất định. Nhà sư Tuệ Tĩnh đi tu, nhưng ông tự học dể trở thành một thầy thuốc vĩ đại của dân tộc. Ông Tư Mã Thiên đời Hán bị nhục hình, nhưng ông chu du khắp nước, thu thập tài liệu để hoàn thành bộ Sử kí nổi tiếng... Lỗ Tấn đã tôt nghiệp trường khai mỏ, nhưng niềm băn khoăn cho số phận dân tộc dẫn ông đến nghề văn. Paxtơ thi đỗ vào trường sư phạm, nhưng niềm say mê hóa học làm ông dồn sức vào môn khoa học này và cuối cùng trở thành nhà bác học về vi trùng và phòng dịch vĩ đại. Ngay trước cái chết con người vẫn có cơ hội để khẳng định mình. Câu nói của Trần Bình Trọng “thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” đã khích lệ bao nhiêu thế hệ người Việt Nam yêu nước. Anh Nguyễn Ngọc Kí liệt hai tay vẫn học viết bằng chân... Lịch sử cũng cho thấy có nhiều gương lầm lạc, tuy có những diều kiện tốt đẹp, nhưng con người đã tự làm hỏng đời mình.

Rõ ràng dù điều kiện, hoàn cảnh có vai trò quy định như thế nào, con người vẫn chịu trách nhiệm trước nhân cách của mình. Hiểu được điều này, mỗi người cần thấy hết trách nhiệm của mình trước cuộc đời của mình trong từng hành động lớn nhỏ.

Trước mỗi con người, cuộc đời mở ra muôn ngả. Con người có thể chọn một nghề phù hợp với khả năng, sở trường của mình. Nhưng khả năng, sở trường của con người chỉ có thể thực sự phát huy khi nó gắn liền với mục đích cao đẹp phục vụ con người, phục vụ xã hội và nhân loại.

Không phải ai cũng hiểu được trách nhiệm của mình đối với cuộc đời của mình. Gặp khó khăn, trắc trở, người ta thường than thở, viện ra nào hoàn cảnh, nào số phận, rồi buông xuôi, gặp sao hay vậy. Những tư tưởng đúng đắn thì cho thấy ngoài hoàn cảnh, yếu tố quyết định số phận một người là chính người đó.

Leave a Reply