Người xưa có nói: Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình. Tại sao? Anh (chị) viết một đoạn văn khoảng 200 từ bàn về vấn đề đó

GỢI Ý

I. Mở bài

- Sai lầm là điều thông thường của con người.

- Vấn đề là ở chỗ có biết tự sửa sai lầm ấy hay không.

- Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình.

II. Thân bài

1. Tại sao?

- Xã hội nào cũng mong ước sự giàu mạnh, hạnh phúc. Mong ước ấy có được là nhờ sự góp công của mỗi cá nhân.

Tự sửa mình

- Người nào cũng biết tự sửa mình để có kiến thức khoa học, giữ bản chất truyền thống, những đức tính tốt của dân tộc.

- Liên hệ đến nhiều gương sáng trong xã hội xưa và nay để chứng minh lợi ích của việc tự sửa mình như thầy Mạnh Tử...

2. Cái hại lớn

- Không chịu sửa mình tức là chấp nhận sự xâm nhập của những thói hư tật xấu để rồi nó trở thành ông chủ khó tính sai khiến mình.

- Học sinh lười biếng, không học bài, làm bài mà vẫn không chịu sửa mình. Nếu thi đỗ, người ấy sẽ gây tác hại gì cho xã hội?

- Xã hội không thiếu những tác hại to lớn do việc không chịu sửa mình của những vị vua chăm dân trị nước như vua Lê Long Đĩnh, triều Nguyễn đã dẫn đến tình trạng mất nước.

3. Tự sửa mình như thế nào?

- Quan sát những người xung quanh để rút kinh nghiệm.

- Tìm đọc những tấm gương đạo đức.

- Nghe lời phê bình, đóng góp ý kiến của những người xung quanh.

- Chấp hành tốt kỉ luật, pháp luật.

- Tránh xa những người xấu, việc xấu không chịu sửa mình.

III. Kết bài

- Tự sửa mình là hành động thiết thực để giúp mỗi con người hoàn thiện mình về mọi mặt.

- Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình.

BÀI LÀM

Là con người, không ai trên thế gian này là hoàn hảo, toàn diện tất cả. Ai cũng có những sai lầm riêng, đó là điều thông thường nhất của con người. Thế nhưng, điều quan trọng khiến một con người nổi bật lên giữa những điều thông thường ấy chính là sự tự giác phát hiện ra những sai lầm ấy và tự biết sửa mình. Có như vậy thì họ mới có thể đi đến con đường thành công một cách vinh quang nhất, chính đáng nhất. Nói về điều này, người xưa có câu: Không có cái hại nào lớn bằng không chịu sửa mình.

Tự sửa mình để bản thân hoàn thiện hơn

Không chịu sửa mình tức là nhượng bộ, chấp nhận những thói hư tật xấu và dần dần, từ một người khách qua đường, nó trở thành ông chủ khó tính sai khiến, điều khiển hành động của con người, dẫn con người đến những hành động lầm lạc, thậm chí là đi vào vòng xoáy của tội lỗi. Thói hư tật xấu xâm nhập vào con người từ buổi ban sơ, từ những thói nhỏ, được tái phạm nhiều lần như: nói dối, nói xấu... thì khi ta càng lớn, thói xấu đó cũng sẽ tăng lên theo mức độ, trở thành thói quen xấu không dễ gì từ bỏ của con người. Như vậy tác hại, hậu quả của việc không chịu tự sửa mình là không thể lường trước. Từ một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến những sai lầm tiếp theo lớn hơn, trầm trọng hơn, đôi khi nhấn chìm người ta trong hố sâu của tội lỗi. Một người không biết tự sửa mình cũng đồng nghĩa với sự tha hoá dần dần trong nhân cách và cuối cùng là sự đánh mất chính mình. Sai lầm là do ta tự tạo ra và chính ta phải tự sửa sai lầm đó thì mới giúp ta tự tin hơn trên con đường xây dựng tương lai cho riêng mình. Có như thế mới làm cho xã hội tốt đẹp hơn, giàu mạnh hơn, bản thân hoàn thiện hơn. Tự sửa mình là hành động thiết thực nhất để giúp mỗi con người hoàn thiện hơn về nhiều mặt. Bởi ai cũng có những sai lầm dù là lớn hay nhỏ, sai lầm là điều thông thường nhất của con người. Nhưng nếu ta không biết tự sửa mình thì nó sẽ trở thành cái hại lớn làm huỷ hoại, đánh mất đi phần tốt đẹp nhất của con người.

Leave a Reply