Nhà văn Đức F.Sile có nói: “Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc”. Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến đó. (Yêu cầu viết bài văn)

Đời con người ta không thể thiếu được tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu từng nói: “Làm sao sống được mà không yêu”. Có người thậm chí nói: “Thiếu tình yêu, con người ta không thể sống được, dù chỉ một ngày”. Nhưng tình yêu là gì thì không phải dễ dàng cắt nghĩa. Trên vấn đề này, đã có bao nhiêu suy nghĩ khác nhau. Có người nói tình yêu là sự ham mê của hai xác thịt. Có người nói tình yêu là cái sai lầm dịu dàng nhất của những sự dối trá ở trần gian. Có người nói tình yêu là một tình cảm chiếm hữu. Nhà văn khai sáng Đức Sile thì nói: “Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc”. Đâu là ý kiến đúng và ý kiến của Sile có ý nghĩa như thế nào?

Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc

Đúng là việc giải thích tình yêu là gì không dễ dàng một chút nào. Nếu bảo tình yêu là sự say mê của hai xác thịt thì sao vẫn nhiều cảnh đồng sàng dị mộng, hai người nam nữ ở bên nhau mà chẳng có tình yêu? Nếu bảo tình yêu là một trong những sự dối trá ở trần gian thì sao con người hàng nghìn năm vẫn không tỉnh ngộ? Nếu bảo tình yêu chỉ là tình cảm chiếm hữu thì sẽ giải thích thế nào về vô vàn trường hợp con người hiến dâng trọn đời của mình cho tình yêu? Rõ ràng các ý kiến trên đều chưa bao quát và chưa thỏa đáng. Tuy biết rằng trả lời câu hỏi tình yêu là gì là không dễ, song người ta không thể trả lời câu hỏi đó mà không liên hệ tới ý nghĩa cuộc sống của con người, bởi tình yêu gắn liền với bản chất cuộc sống, ý nghĩa cuộc sống. Chính ở đây, câu nói của Sile cung cấp cho ta một cách hiểu đúng đắn, tích cực.

Tình yêu đúng là một say mê. Không thể có tình yêu khi con người tỉnh khô, dửng dưng, vô cảm.

Nhưng con người say mê cái gì, say mê như thế nào để có một niềm say mê trở thành tình yêu?

Say mê tiền bạc, say mê danh vọng, địa vị cá nhân, say mê hưởng thụ, thực ra chỉ là một sự đam mê, một sự đam mê làm cho con người trở thành nô lệ của đối tượng đam mê và dục vọng của chính mình. Acpagông, Grăngđê, những điển hình văn học nổi tiếng đã cung cấp những ví dụ sáng tỏ. Càng đam mê vật dục, danh vọng, con người càng thấp hèn và tình cảm đó không thể được gọi là tình yêu, mà chỉ có thể gọi là dục vọng, tham vọng. Nhu cầu ham muốn người khác giới tính, người ta cũng gọi bằng một từ xác đáng là tình dục, chứ không phải là tình yêu.

Tình yêu là một tình cảm khác hẳn, tình cảm cao thượng đúng như Sile nói, đó là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc.

Thật vậy, tình yêu là một tình cảm hiến dâng để thỏa mãn người khác, là mong muốn làm cho người khác được sung sướng. Hiển nhiên, người khác là người đáng yêu theo một lí tưởng nhất định. Khi một người yêu người khác đến mức tha thiết, thì người ta có thể quên mình để làm cho người đó hạnh phúc. Một người mẹ yêu con là người mẹ hiến dâng sức lực, điều kiện của mình cho con để nuôi nấng, bảo vệ, làm cho con trưởng thành và được phát triển tài năng, có được cuộc sống hạnh phúc. Một người bạn yêu bạn là người quan tâm săn sóc đến bạn, dành cho bạn mọi thuận lợi.

Tình yêu trong cách hiểu của Sile không giản đơn chỉ là tình yêu nam nữ, mà là tình yêu người khác. Người khác đó có thể là người yêu (một người khác giới tính), có thể là thành viên gia đình (cha mẹ, con cái), có thể là bạn bè, đồng nghiệp, có thể là đồng bào, nhân dân.

Tình yêu là một tình cảm hiến dâng để thỏa mãn người khác

Liệu có cơ sở nào cho một tình yêu hiến dâng rộng lớn như thế hay không, một tình yêu như thế là có thật hay là ảo tưởng?

Thông thường chí những ai giàu có thì mới cho. Người ta không thể cho cái mà mình không có. Như vậy, tình yêu chỉ là sản phẩm của những tâm hồn phong phú, giàu có, tự cảm thấy có khả năng làm cho người khác hạnh phúc. Mặt khác, cho không phải bao giờ cũng có nghĩa là làm cho mình nghèo đi, hao mòn đi. Cho còn có nghĩa là khẳng định vai trò sở hữu của mình, sự tự chủ cùa mình, quyền được cho của mình. Và hành động cho làm cho người ta hạnh phúc. Như vậy tình yêu gắn với nhu cầu tự khẳng định trước người khác. Tình yêu không giản đơn chỉ là cho, mà còn quan tâm, trách nhiệm, bảo vệ, làm cho người được yêu được hạnh phúc, phát triển mọi khả năng của mình.

Một tình yêu như thế sẽ là sức mạnh gìn giữ những giá trị trong cuộc sống, làm sinh sôi nẩy nở thêm tình yêu. Tình bạn sẽ được đáp lại bằng tình bạn, tình yêu sẽ được đáp lại bằng tình yêu, lòng rộng mở được đáp lại bằng những tấm lòng rộng mở. Như vậy, niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc cũng là niềm say mê xây dựng một môi trường hạnh phúc cho chính mình, làm cho mọi người hiểu nhau, đến với nhau, khắc phục sự cô đơn, biệt lập cố hữu của con người.

Tình yêu không phải là sự trao đổi có mặc cả, do vậy, nhiều khi tình yêu không được đền đáp tương xứng: “Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”. Nhưng điều đó không hề làm giảm bớt giá trị và ý nghĩa của tình yêu. Trái lại, những người ích kỉ, yêu theo lối mặc cả, “thả con săn sắt bắt con cá rô” thường không có được hạnh phúc. Bởi sự tính toán sẽ được đáp lại bằng tính toán. Người ta thường nói, hạnh phúc không mua được bằng tiền chính là như vậy.

Đã hơn hai trăm năm qua, nhưng tư tưởng khai sáng về tình yêu của Sile vẫn còn nguyên giá trị, bởi nó xây dựng trên cơ sở xem con người là mục đích, chứ không phải là phương tiện mưu lợi. Tư tưởng này vẫn phát huy tác dụng phê phán chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, cố vũ cho truyền thống tình cảm vị tha của nhân loại từ xưa đến nay.

Leave a Reply