Những nét cơ bản của phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi và nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Thi

HƯỚNG DẪN

1. Những nét cơ bản của phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi

- Đọc tác phẩm của Nguyễn Thi, người đọc dễ dàng nhận ra nguồn cảm hứng sáng tạo của ông thường gắn với quê hương, gia đình, nồng nàn hơi thở ấm áp của đất đai, vườn tược, kênh rạch, cây trái, tôm cá... của Nam Bộ. Nhân vật của ông là đứa con của đất, mang theo ước mơ của đất, luôn lăn lộn trong nguy nan, vất vả, nước da đỏ au lên vì nắng gió phương Nam, quần áo đẫm mồ hôi và khẩu súng ấm tay người. Nguyễn Thi hay viết về những người anh hùng, bình dị, cao cả mà thân thuộc, gần gũi, chất phác, tự nhiên. Đó là những người nông dân Nam Bộ có lòng căm thù giặc sâu sắc, vô cùng gan góc, kiên cường, thủy chung, son sắt với quê hương và cách mạng. Ta có thể đọc thấy ý tưởng nghệ thuật của Nguyễn Thi khi ông xây dựng nhân vật anh hùng: anh hùng là đứa con của thời đại nhưng cũng là đứa con của gia đình. Phẩm chất anh hùng của họ là sự tiếp nối một nguồn cội, một truyền thống gia đình, một di sản tinh thần vô giá mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu. Cho nên gia đình là cả một nguồn sinh lực dồi dào nuôi dưỡng những anh hùng của thời đại của dân tộc mình.

Những nét cơ bản của phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi

- Để thể hiện tư tưởng ấy một cách sinh động, ngòi bút Nguyễn Thi tỏ rõ bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, một năng lực nghệ thuật dồi dào. Nguyễn Thi là cây bút có năng lực xây dựng nhân vật và phân tích tâm lí sắc sảo. Ông rất quan tâm đến việc cá thể hóa. Nhân vật nào của ông cũng có những nét riêng, độc đáo, có cá tính kể cả trong ngôn ngữ.

Nhà văn “nuôi dưỡng” nhân vật bằng sức mạnh nghệ thuật, trong đó có khả năng xây dựng đời sống nội tâm nhân vật, khả năng thâm nhập, phân tích và diễn tả chính xác những quá trình tâm lí tinh vi của con người. Nguyễn Thi có đầy đủ năng lực ấy, và đó là thành công cơ bản của ông ở truyện Những đứa con trong gia đình. Tác giả đặc biệt thành công khi mô tả trạng thái tâm lí của nhân vật Việt trong lúc bị thương. Một mình trên trận địa, Việt nhớ gì, nghĩ gì, khao khát điều gì... đều được Nguyễn Thi miêu tả cụ thể, tinh tế và chính xác.

Khi phân tích tâm lí nhân vật, nhà văn đã sử dụng ngôn ngữ trần thuật đặc biệt phù hợp. Đó là ngôn ngữ của chính nhân vật - người trong cuộc nói về mình và nói về người khác: một thứ ngôn ngữ nội tâm tuyệt vời, chân thực, đầy cá tính, cụ thể, sinh động. Màu sắc địa phương cũng “lên” hết chất Nam Bộ trong ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật.

2. Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Thi

- Nguyễn Thi đã lựa chọn cho thiên truyện ngắn của mình một lối kể chuyện độc đáo nhưng rất phù hợp. Đó là dòng chảy của các ý nghĩ, các cảm giác... thường xuyên chen nhau, đan bện vào nhau một cách lạ lùng, phơi bày họat động và những bí mật nội tâm của nhân vật.

Toàn bộ câu chuyện nhịp theo dòng hồi tưởng miên man với những khoảng đứt - nối của nhân vật Việt. Trận đánh vừa diễn ra còn để lại khói lửa mịt mù và xác giặc ngổn ngang. Một trận đọ lê dữ dội giữa bộ đội ta và quân Mĩ trong rừng cao su. Việt leo lên được một chiếc xe bọc thép của giặc đang tháo chạy, dùng thủ pháo tiêu diệt được nó. Nhưng Việt cũng bị thương và ngất đi. Anh bị lạc đồng đội giữa chiến trường. Từ lúc đó, anh cứ ngất đi rồi tỉnh lại trong hoàn cảnh cô độc giữa chiến trường đầy bóng tối - bóng tối của màn đêm và bóng tối do mắt Việt bị thương không thể nhìn thấy gì ở chung quanh. Chỉ còn dòng hồi tưởng của Việt là thao thức khôn nguôi trong hồi tưởng, liên tưởng miên man; nó cứ trôi về những bến bờ kỉ niệm với quê hương, người thân, gia đình... Mạch kể chuyện của Nguyễn Thi cũng theo dòng hồi tưởng của Việt mà qua lại, đan dệt nên câu chuyện, thoải mái đi về muôn nẻo, giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái đang diễn ra với những cái đã thành kỉ niệm, bất ngờ rẽ ngoặt rồi đổ ra đại trường giang của những tư tưởng, tình cảm lớn lao của thời đại.

Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Thi

Theo dõi những đoạn văn trong truyện Những đứa con trong gia đình mới thấy Nguyễn Thi đã phát huy sức mạnh của lối tự sự ấy cực kì linh hoạt, uyển chuyển. Chẳng hạn, lúc Việt tỉnh lại lần thứ hai, tiêng động cơ máy bay tắt hẳn, không gian vắng lặng, chi có: “tiếng ếch nhái kêu dậy lên”. Âm thanh ấy đưa Việt về khoảng thời gian xa xôi lúc Việt chưa đi bộ đội, những đêm trời dứt cơn mưa rào, hai chị em Việt lóp ngóp ra đồng bắt ếch “cười từ lúc đi cho tới lúc về”. Hồi ức liên tưởng tới chú Năm, bởi vì “khi đổ ếch vào thùng chú Năm thế nào cũng sang”. Cảm xúc của Việt bỗng trào lên vì nỗi “Việt thương chú Năm...”; nhắc đến chú Năm là Việt nhớ đến cuốn sổ gia đình mà chú ghi đều dặn và nhớ đến những gì mà cuốn sổ tay ấy gợi lên... Dòng hồi tưởng vụt đứt vì Việt lại ngất đi. Đến lúc: “Việt choàng dậy” (lần thứ ba), trời đang ban ngày vì có tiếng cu rừng gù đâu đó. Tiếng chim gọi Việt nhớ đến chiếc ná thun. Chiếc ná thun gợi Việt nhớ về má: Thọat đầu là khi má mất, rồi ngược dần về ngày má sống với đàn con, má độ lượng, dịu dàng, ngập tràn yêu thương; còn khi đối mặt với quân thù mắt má sắc ánh lên, “đôi mắt của người đã từng vượt sông, vượt biển”. Giữa lúc hồi ức thiêng liêng về má Việt lại ngất đi, dòng ý thức lại bị đứt giữa chừng.

Ngòi bút của Nguyễn Thi theo dòng tâm tư chảy trôi mà ghi lại những khoảnh khắc tâm lí đặc biệt của nhân vật. Mỗi khi neo đậu lại bờ bãi nào của kỉ niệm thì tâm trạng nhân vật lại hiện lên chân thực, tự nhiên, thời gian và không gian cùng con người và sự việc của quá vãng, của hiện tại đồng hiện trong nhiều chiều, nhiều màu vẻ phong phú, sinh động.

Tác giả đã đặt nhân vật của mình vào một hoàn cảnh, một không gian nghệ thuật rất đặc biệt. Một chàng tân binh bị thương, hai mắt không nhìn thấy gì, hoàn toàn đơn độc giữa trận địa vắng lặng đên ghê rợn, cái chết vẫn rình rập chung quanh, chỉ một âm thanh lạ cũng có thể làm anh ta bật lên; chàng trai ấy, người và cổ họng như khô đi vì đói khát, mười ngón tay tê dại, cánh tay bại đi không thể quẹo ra sau mà lấy bình nước... Trong những khoảnh khắc tâm lí đặc biệt ấy, con người sẽ mong muốn điều gì, nghĩ những gì, nghĩ tới những ai? Là người chiến sĩ, Việt nhớ tới đồng đội, nhớ đến anh Tánh, mong gặp lại họ. Đối mặt với cái chết, Việt chưa bao giờ nghĩ đến cái chết, “nhưng nếu chết mà không được ở chung với anh Tánh và không được đi bộ đội nữa thì buồn lắm. Việt không sợ chết, chỉ sợ cái đó thôi”. Đơn vị chiến đấu, với người lính, là một gia đình lớn, trong đó những người lính là anh em ruột thịt, đồng sinh đồng tử với nhau. Nhưng nguồn cội đã sinh ra ta và cho ta một cuộc đời là gia đình với ông bà, cha mẹ, anh chị em như khúc ruột trên, khúc ruột dưới... Đó là nơi hình thành những tình cảm thiêng liêng, cao quý và cảm động, thiết tha nhất. Khi đối mặt với cái chết và đối diện với bản thân, Việt nghĩ nhiều nhất đến gia đình và những người ruột thịt: ba má, chị Chiến, chú Năm... Thế là Nguyễn Thi đã chọn dược một hình thức nghệ thuật phù hợp để nói lên được ý nghĩa của gia đình đối với mỗi người: là cội nguồn sâu thẳm nhất, và truyền thống gia đình là thực sự thiêng liêng, nó thường hiện lên trong kí ức con người vào thời khắc thiêng liêng nhất.

Leave a Reply