Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo

HƯỚNG DẪN

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ và trong thời hậu chiến.

Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại.

Ông được coi là một trong số không nhiều cây bút luôn nỗ lực cách tân thơ Việt đương đại với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, giải phóng mọi ràng buộc nhằm mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng, xóa những khuôn sáo bằng nhịp điệu bất thường, đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại bằng hệ thống thi ảnh và ngôn từ mới mẻ.

Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo)

2. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” rút trong tập “Khối vuông ru-bích” (1985) là một trong những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm và đương nhiên không dễ hiểu vì ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực mà ông học tập ở chính nhà thơ hiện đại Tây Ban Nha: Phê-đê-ri-cô Ga-xi-a Lor-ca.

II. PHÂN TÍCH

1. Bài thơ được viết theo thể tự do, thiết lập cấu tứ trên dòng cảm xúc mãnh liệt về cái chết bi thảm của Lor-ca.

a. Bố cục của bài thơ: chia làm 4 đoạn:

- Đoạn 1 (6 dòng đầu): Hình ảnh Ga-xi-a Lor-ca, con người tự do, nghệ sĩ cách tân trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha.

- Đoạn 2 (12 dòng tiếp): Lor-ca bị hạ sát và nỗi xót xa về sự dang dở của khát vọng cách tân.

- Đoạn 3 (4 dòng tiếp): Niềm xót thương Lor-ca và nỗi xót tiếc những cách tân nghệ thuật của Lor-ca không ai tiếp tục.

- Đoạn 4 (9 dòng cuối): Suy tư về cuộc giải thoát và cách giã từ của Lor-ca.

b. Hệ thống hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng:

- Hình ảnh Lor-ca được giới thiệu bằng những nét chấm phá, phần nào chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng:

những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn...

Những hình ảnh tương phản vừa giúp ta hình dung về Lor-ca, vừa gợi liên tưởng đến khung cảnh của một đấu trường. Nhưng không phải đấu trường với cuộc đấu giữa võ sĩ và bò tót, mà là một đấu trường đặc biệt với cuộc đấu giữa khát vọng dân chủ của công dân Lor-ca với nền chính trị độc tài, của khát vọng cách tân nghệ thuật trong chàng nghệ sĩ Lor-ca với nền nghệ thuật già nua. Ở đó, nhìn theo góc độ nào cũng vẫn chỉ thấy con người tự do và nhà cách tân nghệ thuật thật mong manh và đơn độc.

- Cái chết bất ngờ đến với Lor-ca. Con người trong sạch và vô tội ấy do luôn bị ám ảnh về cái chết của chính mình, vẫn không thể nghĩ là nó lại đến sớm thế và đến vào lúc chàng không ngờ nhất. Cảnh Lor-ca bị hành hình với những diễn biến phũ phàng lúc đầu được diễn tả bằng hình ảnh thực: áo choàng bê bết đỏ, sau đó, sự kiện thảm khốc ấy tạo những cú sốc dây chuyền được diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác, qua hệ thống những âm thanh vỡ ra thành màu sắc, thành hình khối, thành dòng máu chảy: tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh biết mấy, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy.

2. Cảm nhận khi đọc đoạn thơ:

Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn

không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

Đoạn thơ diễn tả niềm xót thương Lor-ca và nỗi tiếc những cách tân nghệ thuật của Lor-ca không ai tiếp tục. Những hình ảnh thơ lung linh đa nghĩa, gợi những suy tư đa chiều.

- Thanh Thảo đã lấy câu thơ được coi là di chúc của Ph. G. Lor-ca để làm đề từ cho bài thơ của mình: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.

+ Với Lor-ca, cây đàn - tiếng đàn là biểu tượng cho nghệ thuật; với Lor-ca, nghệ thuật là tình yêu, là lẽ sống, Lor-ca không thể rời xa nghệ thuật, ngay cả khi đã từ giã cõi đời.

+ Tây Ban Nha là quê hương của cây đàn ghi ta (người ta gọi đàn ghi ta là Tây Ban Cầm), đàn ghi ta là biểu tượng đặc trưng cho đất nước Tây Ban Nha, vì thế câu thơ di chúc còn biểu hiện tình yêu thiết tha của người nghệ sĩ Lor-ca với xứ sở quê hương.

+ Câu thơ còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Lor-ca là nhà cách tân nghệ thuật, Lor-ca biết thi ca của mình một ngày nào đó có thể sẽ án ngữ, ngăn cản những người đến sau trong sáng tạo nghệ thuật nên đã di chúc dặn lại cần phải biết chôn nghệ thuật của ông để đi tới. Đạo đức của con người sáng tạo là khi đã làm xong việc của mình, sức sáng tạo đã hết, thì phải biết lui vào quá khứ để những thế hệ sau được tự do làm cái mới. Đấy mới là tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của Lor-ca, và Thanh Thảo đã lấy câu thơ ấy làm đề từ ngầm hướng người đọc hiểu thông điệp thực sự của bài thơ.

- Tiếng đàn không ai chôn cất, trở thành cỏ mọc hoang là một hình ảnh thơ có nhiều cách hiểu: nền nghệ thuật Tây Ban Nha không còn người dẫn đường, trở thành một thứ cỏ mọc hoang; sức sống của nghệ thuật Lor-ca lan tỏa mãnh liệt và bất diệt như cỏ mọc hoang...

- Giọt nước mắt - vầng trăng - đáy giếng; sự hòa quyện những hình ảnh thực và siêu thực, diễn tả nỗi xót thương ngàn đời dành cho người nghệ sĩ có số phận oan khuất.

3. Hình tượng tiếng đàn trong bài thơ mang ý nghĩa ẩn dụ

- Tiếng đàn là hình ảnh ẩn dụ đề chỉ sự nghiệp nghệ thuật của Lor-ca - người nghệ sĩ ca hát về quê hương đất nước và khát vọng tự do của dân tộc Tây Ban Nha.

- Tiếng đàn ghi ta cũng là biểu tượng văn hóa của xứ sở Tây Ban Nha. Lấy biểu tượng của đất nước để chỉ sự nghiệp nghệ thuật của một người nghệ sĩ, Thanh Thảo ngầm tôn vinh tầm vóc của Ga-xi-a Lor-ca.

Leave a Reply