Phân tích đoạn thơ “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi... Đất Nước có từ ngày đó” (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Mở bài

Nguyễn Khoa Điểm viết trường ca Mặt đường khát vọng năm 1971. Đoạn trích “Đất Nước” có thể coi là chương hay nhất trình bày cảm nhận và lí giải của tác giả về đất nước, đồng thời thể hiện sâu sắc tư tưởng cốt lõi “Đất nước của Nhân dân”.

Đoạn trích trên thuộc phần đầu của đoạn thơ. Tác giả đã định nghĩa rất gần gũi về đất nước. Đất nước có từ lâu đời, gần gũi, thân thương đối với mỗi con người.

Thân bài

Với hình thức trữ tình - chính luận, nhà thơ đã tìm cách định nghĩa thật giản dị và sâu sắc về Đất nước.

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xưa ngày xưa...” mẹ thường hay kể.

Như vậy, đất nước có từ lâu rồi. Thế hệ này sinh ra thì đất nước đã có “tự ngày xửa ngày xưa”. Và đất nước hiện lên qua mỗi câu chuyện kể của mẹ, thật gần gũi thân thuộc! Bằng lời thơ, bằng chất liệu từ cổ tích, ca dao, tác giả không định nghĩa đất nước một cách khô khan trừu tượng mà như một lời tâm tình thân mật, nhẹ nhàng, tha thiết:

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Hình ảnh đất nước hiện lên qua miếng trầu “bà ăn”. Gần gũi và thân thương. Và điều đáng nhớ sâu sắc về đất nước là “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc". Đọc câu này, mỗi người Việt Nam lại nhớ đến câu chuyện “Thánh Gióng” nhổ tre đánh giặc, phản ánh lịch sử chống giặc ngoại xâm từ khi dân ta bắt đầu dựng nước. Ta tự hào về người dân nước Việt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước anh hùng. Câu thơ giản dị mà sâu sắc là vậy! Chi qua mấy dòng đầu, đoạn thơ đã làm mờ đi khái niệm đất nước là của các vương triều. Trái lại đất nước này là của nhân dân từ buổi sơ khai. Nguyễn Khoa Điềm định nghĩa đất nước bằng cách chọn các chất liệu của văn hoá dân gian là một ẩn ý sâu sắc. Bởi văn hoá dân gian là của nhân dân. Đất nước hình thành từ những thuần phong mĩ tục giản dị mà thân thương vừa thiêng liêng vừa trìu mến:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Đất nước được tạo nên bằng thuần phong, tập quán lâu đời, tạo nên bằng tình yêu “Muối mặn gừng cay” của cha mẹ gợi gian khó, cần cù mà chung thuỷ thiêng liêng, thắm đượm hồn quê, đậm đà bản chất dạo đức nhân dân. Nhân dân đó chính là ông bà, cha mẹ. Những con người sinh ra trong đất nước ấy gắn liền với mỗi sự vật gần gũi thân thương “cái kèo, cái cột thành tên”. Đất nước bắt đầu từ hạt gạo. Nhân dân làm ra hạt gạo phải chịu bao khó khăn mới có:

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó...

Hạt gạo có được phải đổ bao mồ hôi, nước mắt, phải “xay, giã, giần, sàng” mới có được. Nguyễn Khoa Điềm đã có một định nghĩa thật mới mẻ về đất nước. Chính ông đã chạm vào những gì thiêng liêng nhất, lớn lao nhưng cũng thật gần gũi và thân thiết với mỗi chúng ta. Nó gợi cho ta hiểu về quá khứ lịch sử của cha ông, gợi cho ta tự hào về nhân dân, về ông bà, cha mẹ đã sinh ra đất nước này.

Kết luận: Bằng sự chọn lọc chất liệu dân gian, văn hoá dân gian, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến cho chúng ta một định nghĩa thật dễ hiểu về đất nước. Đất nước có từ ngày xưa. Đất nước của nhân dân. Cách định nghĩa ấy xuất phát từ một lòng tự hào về đất nước, nhân dân.

Leave a Reply