Phân tích đoạn thơ sau đây, trích trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu: "- Ta với mình, mình với ta... Chày đêm nện cối đều đều suối xa...”

Phân tích đoạn thơ sau đây, trích trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu:

"- Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu...

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thìa, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa...”

CÁC Ý CHÍNH

a. Khẳng định nỗi nhớ của người ra đi:

“Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiều nước, nghĩa tình bấy nhiêu...”

- Qua cặp đại từ “mình - ta”, người kháng chiến về xuôi khẳng định nỗi nhớ về Việt Bắc giống như nỗi nhớ của đôi lứa yêu nhau.

- Hai từ láy “mặn mà”, “đinh ninh” vừa chỉ mức độ tình cảm sâu đậm, vừa khẳng định tình cảm của người kháng chiến với Việt Bắc trước nhau như một không thay lòng đổi dạ.

Nỗi nhớ của người ra đi

- Hình ảnh so sánh “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu...” càng khắc sâu nỗi nhớ với chiều rộng, chiều sâu, chiều xa, mênh mông, dạt dào không thể kể xiết.

- Nỗi nhớ ấy ám ảnh, quay quắt da diết không nguôi trong lòng người ra đi: “Nhớ gì như nhớ người yêu”.

- Nét độc đáo là dùng ba từ “mình” (“Mình đi, mình lại nhớ mình”) trong một câu thơ để khẳng định với Việt Bắc sẽ không bao giờ quên chính mình - bản chất cách mạng được tôi rèn trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, bởi đó là niềm kiêu hãnh của mỗi con người Việt Nam.

b. Nỗi nhớ được diễn tả một cách cụ thể:

* Nhớ thiên nhiên Việt Bắc:

- Hàng loạt những hình ảnh liệt kê: trăng, núi, nắng, khói, sương, rừng nứa, bờ tre, ngòi, sông, suối đã diễn tả nỗi nhớ thật sâu đậm: có hình ảnh, thời gian, không gian, vừa cụ thể với những gì thân thuộc, gần gũi, vừa khái quát toàn bộ thiên nhiên đặc trưng của Việt Bắc.

* Nhớ cuộc sống sinh hoạt của con người Việt Bắc:

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

- Những động từ “chia, sẻ, đắp” cùng với biện pháp tiểu đối và những hình ảnh “sắn lùi”, “bát cơm”, “chăn sui” càng tô thêm vẻ đẹp tâm hồn của những người bình dị, chất phác: dù cuộc sống còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng họ vẫn chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với cách mạng bằng tình cảm mộc mạc mà chân thành sâu sắc.

Nhớ cuộc sống sinh hoạt của con người Việt Bắc

- Nhớ những con người lao động gian khổ nhưng lạc quan, yêu đời:

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa...".

+ Vượt qua cái nắng cháy lưng, người mẹ nuôi con nhỏ vẫn địu con lên nương bẻ bắp ngô về nuôi cách mạng (phân tích các hình ảnh: nắng cháy lưng, địu con con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô).

+ Nhớ lớp học bình dân học vụ: dưới ngọn đèn dầu leo lét, người Việt Bắc vẫn kiên trì học chữ. Họ không chỉ đương đầu chống trả với bọn ngoại xâm mà còn kiên quyết với giặc dốt.

+ Nhớ những buồi liên hoan văn nghệ giữa rùng (phân tích các hình ảnh: Đồng khuya đuốc sáng, liên hoan). Liên hệ với bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.

+ Trong khó khăn, lời ca, tiếng hát vẫn vang vọng khắp núi rùng Việt Bắc: những từ “liên hoan", “ca vang” thể hiện niềm vui, niềm tin tưởng của Việt Bắc vào cách mạng, vào Đảng, vào Bác Hồ.

+ Nhớ tiếng mõ gọi trâu về làng, nhớ tiếng chày giã gạo đêm đêm.

+ Từ “nhớ” được điệp lại mười lần, điệp cấu trúc câu, kiểu câu bắt đầu bằng hai từ “nhớ sao...” tạo ra âm điệu chơi vơi, mênh mang, da diết... Tất cả bộc lộ tình cảm nhớ nhung sâu sắc của người cách mạng kháng chiến với Việt Bắc nói riêng, với nhân dân nói chung.

c. Nhận xét về nghệ thuật đậm đà tính dân tộc thể hiện qua doạn thơ.

- Kiểu kết cấu đối đáp: đoạn thơ là lời đáp trả của người ra đi đối với người ở lại.

- Thể thơ: Phát huy thế mạnh của thể lục bát truyền thống.

- Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết.

- Ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu: dùng nhiều từ láy.

- Dùng nhiều biện pháp nghệ thuật quen thuộc của dân tộc: kiểu tiểu đối, phép trùng điệp, so sánh, câu hỏi tu từ...

Leave a Reply