Phân tích đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường

HƯỚNG DẪN

I. TÁC GIẢ

1. Tiểu sử cuộc đời

- Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 tại thành phố Huế. Ông là một trí thức yêu nước, một chiến sĩ trong phòng trào đấu tranh chống Mĩ - ngụy ở Thừa thiên Huế.

- Ông quê gốc ở Quảng Trị nhưng sống, học tập, hoạt động, trưởng thành và gắn bó sâu sắc với Huế.

- Ông viết văn, viết báo từ khi còn rất trẻ, từng là Tổng thư kí Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế, Tổng thư kí Hội văn học nghệ thuật Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, Cửa Việt.

2. Sự nghiệp văn học

- Nhà văn chuyên viết về bút kí với đề tài khá rộng lớn. Tác phẩm của ông đã thể hiện những nét riêng của cảnh sắc và con người khắp mọi miền đất nước từ Bắc vào Nam. Nhưng đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với độc giả vẫn là những bài viết về Huế, Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam.

- Tác phẩm tiêu biểu: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (bút kí, 1971), Rất nhiều ánh lửa (kí, 1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (bút kí, 1986), Bản di chúc cỏ lau (1991), Hoa trái quanh tôi (1995), Ngọn núi ảo ảnh (1999),...

Phân tích đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường

3. Phong cách nghệ thuật

Nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với cách trình bày giàu chất thơ và tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, lối viết hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa tạo cho thể loại bút kí là một phong cách riêng, đem đến những đóng góp mới cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

II. TÁC PHẨM “AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG?”.

1. Hoàn cảnh ra đời

- Ai đã đặt tên cho dòng sông được viết tại Huế ngày 04/01/1981, in trong tập sách cùng tên (NXB Thuận Hóa 1986).

- Vị trí đoạn trích: Bài kí gồm 3 phần, đoạn trích (trong sách giáo khoa) gồm phần thứ nhất và đoạn kết (phần này tập trung nói về cảnh quan thiên nhiên sông Hương, tuy nhiên phần nào cũng cho độc giả thấy được sự gắn bó của con sông với lịch sử và văn hóa của xứ Huế, của đất nước). Đoạn trích cũng thể hiện được những nét tiêu biểu cho đặc trưng thể loại và văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật

a. Nội dung

Ý nghĩa nhan đề Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Bài kí mở đầu và kết luận bằng một câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

- Mang nghĩa hỏi: chính nội dung bài kí là câu trả lời, một câu trả lời dài như một bài kí ca ngợi vẻ đẹp, chất thơ của dòng sông có cái tên cũng rất đẹp và phù hợp với nó: Sông Hương.

- Mang tính chất biểu cảm:

+ Là cái cớ để nhà văn đi vào miêu tả, ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông Hương gắn với mảnh đất cố đô cổ kính tươi đẹp.

+ Thể hiện tình cảm ngỡ ngàng ngưỡng mộ thái độ trân trọng ngợi ca của tác giả với dòng sông Hương, thành phố Huế thân yêu. Vì quá yêu mà bật thành câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

Cách đặt nhan đề của tác giả vì thế đã tạo sức lôi cuốn hấp dẫn cho tác phẩm.

Vẻ đẹp của sông Hương

- Sông Hương vùng thượng lưu:

Sông Hương vùng thượng lưu mang vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, hoang dại, bí ẩn, sâu thầm nhưng cũng có lúc dịu dàng, say đắm.

+ Sự mãnh liệt, hoang dại của con sông được thể hiện qua những so sánh: “Bản trường ca của rừng già”, những hình ảnh đầy ấn tượng: “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, “mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”.

+ Vẻ dịu dàng, say đắm: sắc màu rực rỡ với “những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.

+ Dòng sông được nhân hoá: như “một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”, rừng già đã hun đúc cho nó một “bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Đó là sức mạnh bản năng của người con gái, sức mạnh ấy được chế ngự bởi cấu trúc địa lí lãnh thổ để đi ra khỏi rừng, nó “nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”.

Vẻ đẹp của sông Hương

+ Ngay từ đầu trang viết, người đọc có thể cảm nhận được sự tài hoa của ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường: liên tưởng kì thú, xác đáng, ngôn từ gợi cảm. Tất cả đều tạo sức cuốn hút, hấp dẫn về một con sông mang linh hồn, sự sống. Kết thúc đoạn văn, tác giả giới thiệu trọn vẹn con sông (tâm hồn sâu thẳm của nó) vừa dẫn dắt, vừa gợi mở sang đoạn tiếp theo sẽ miêu tả khuôn mặt kinh thành của dòng sông.

- Sông Hương đoạn chảy về đồng bằng và nơi con sông chảy vào thành phố.

+ Trong đoạn chảy về đồng bằng và vào thành phố, sông Hương được khám phá, phát hiện ở sắc thái tâm trạng. Hành trình xuôi dòng của dòng sông được xem là hành trình tìm lại người tình của một người con gái trong một câu chuyện tình nhuốm màu cổ tích.

+ Ngay trên “cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại” sông Hương được ví “như người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng”, nhưng khi ra khỏi vùng rừng núi, giống như nàng tiên được đánh thức từ giấc ngủ đại ngàn và bỗng bừng lên sức trẻ của phố phường và niềm khát khao của tuổi thanh xuân.

+ Đến thành phố, sông Hương như tìm lại được chính mình và “vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”. Sông Hương gặp thành phố như đến với “điểm hẹn tình yêu, trở nên vui tươi và đặc biệt chậm rãi, êm dịu, mềm mại”. Nằm giữa lòng cố đô Huế, sông Hương có vị trí như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-da-pét...

+ Tác giả đã khám phá con sông bằng nhiều điểm nhìn nghệ thuật khác nhau. Bằng những nét hội hoạ, sông Hương và những chi lưu của chính nó đã tạo những nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô. Dưới con mắt âm nhạc, sông Hương “đẹp như điệu slow”, chậm rãi, sâu lắng và trữ tình.

+ Tuyệt bút của nhà văn là khi tả con sông rời thành phố. Để có những phát hiện thú vị và sâu sắc như vậy phải có một tài năng và cả một tình yêu thực sự. Con sông lúc này giống như một người tình lưu luyến, bịn rịn khi tạm biệt cố nhân. Và rồi đến lúc sắp rời xa “như sực nhớ một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ”.

+ Như vậy, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận ra một sự thay đổi tính cách của con sông: sức mạnh bản năng ở người con gái nơi thượng nguồn đã được chế ngự để mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành một người mẹ phù sa chốn đồng bằng.

Tác giả huy động vốn kiến thức ở nhiều lĩnh vực địa lí, văn hoá, hội hoạ, âm nhạc... sự quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú, đồng thời hai bút pháp kể và tả được phối hợp nhuần nhuyễn đã làm nổi bật một sông Hương đẹp bởi sự phối cảnh kì thú giữa nó với thiên nhiên xứ Huế, đem đến cho độc giả những xúc cảm và rung động thẩm mĩ sâu đậm.

- Ai đã đặt tên cho dòng sông? - điểm đến của hành trình đi tìm lời giải về huyền thoại của dòng sông:

+ Phần cuối của đoạn trích, hành trình đi tìm lời giải về huyền thoại của dòng sông, nhà văn đã đưa người đọc trở về với những bản anh hùng ca khi nó còn là một dòng sông biên thuỳ xa xôi của đất nước các vua Hùng.

+ Trong những trang sử, sông Hương đã đóng góp với lịch sử đấu tranh bảo vệ vùng biên giới phía Nam của đất nước Đại Việt thời trung đại và “nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ” vào thế kỉ XVIII. Nó còn là chứng nhận lịch sử của những giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của thế kỉ XIX, XX.

+ Trong phần cuối, tác giả còn gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế, lại liên tưởng đến Nguyễn Du - Truyện Kiều và rồi cả một dòng thi ca về sông Hương như thơ Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Tố Hữu...

Tác giả còn gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế

+ Bài kí kết thúc bằng cách lí giải về cái tên của dòng sông, nhấn mạnh bằng một huyền thoại mĩ lệ, mang đến cho tác phẩm sắc màu lãng mạn. Đó là chuyện về cư dân hai bên bờ sông nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi mãi. Huyền thoại về tên dòng sông đã nói lên khát vọng của con người ở đây muốn đem cái đẹp và tiếng thơm để xây đắp văn hoá, lịch sử, địa lí quê hương mình. Việc đặt tên cho bài kí thống nhất với phần kết thúc chẳng những lưu ý người đọc về vẻ đẹp của dòng sông mà còn gợi lên niềm biết ơn đối với những người đã khai phá miền đất lạ. Kết thúc bài kí đọng lại một niềm bâng khuâng trong tâm hồn người đọc:

Dòng sông ai đã đặt tên?

Để người đi nhớ Huế không quên.

Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương từ nhiều góc độ: từ thượng nguồn tới khi qua kinh thành Huế; từ tự nhiên, lịch sử đến văn hoá nghệ thuật. Qua đó tác giả ngợi ca thành phố Huế và rộng hơn là ngợi ca quê hương, đất nước. Bài kí đã được tạo nên bằng vốn kiến thức địa lí, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật; bằng thủ pháp nhân hoá, so sánh, liên tưởng với giọng văn trần thuật mượt mà, giàu nhịp điệu và giàu chất thơ.

b. Nghệ thuật

- Tình yêu say đắm, lắng sâu, niềm tự hào tha thiết quê hương xứ sở và cách cảm đầy lãng mạn về sông Hương, xứ Huế khiến cho dòng sông trở nên lung linh, huyền ảo, sống động như đời sống, như tâm hồn con người.

- Sức liên tưởng kì diệu, sự hiểu biết phong phú về kiến thức địa lí, lịch sử, văn hoá nghệ thuật... và những trải nghiệm của bản thân.

- Ngôn ngữ trong sáng, phong phú, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu chất thơ, sử dụng nhiều phép tu từ như: so sánh, nhân hoá, ẩn dụ...

- Có sự kết hợp hài hoà cảm xúc, trí tuệ, chủ quan và khách quan.

3. Chủ đề

Từ những cảm xúc sâu lắng được đúc kết bằng vốn kiến thức phong phú, tác giả đã khám phá và ngợi ca vẻ đẹp của sông Hương, kinh thành Huế nói riêng và vẻ đẹp của quê hương, Tổ quốc nói chung.

Leave a Reply