Phân tích đoạn trích Đất Nước (Trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm từ “Trong anh và em hôm nay - Đều có một phần Đất nước” đến hết

CÁC Ý CHÍNH

Luận lí của mạch chính luận là từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể từ ngoài vào trong, từ cộng đồng đến cá nhân.

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn to lớn

Những suy nghĩ về Đất nước trong mỗi cá nhân càng sâu sắc thì giọng điệu trữ tình càng thống thiết.

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ xở

Làm nên Đất Nước muôn đời

Sự trường tồn của Đất nước

Để dẫn đến những suy luận về sự trường tồn của Đất nước, nhà thơ đã huy động vốn kiến thức của sách vở, của đời sống, của lịch sử, địa lí, của truyền thuyết, của ca dao, của phong tục tập quán... Mỗi chi tiết đều có tính thẩm mĩ và được nuôi dưỡng trong xúc cảm của nhà thi sĩ, cho nên suy luận thơ của tác giả vừa có sức thuyết phục về trí tuệ lại vừa truyền cảm. Sang đoạn hai, nhà thơ phát triển và mở rộng chủ đề Đất nước để dẫn đến chiều sâu của khái niệm này là “Đất nước nhân dân”.

Vẫn là mạch trữ tình - chính luận, nhưng trên sợi chỉ chính luận, ta nhận ra những “hạt cườm” có màu sắc và hình dạng khác. Trên kia là những hình ảnh của Đất Nước “đã có rồi” và đây là nhưng hình ảnh của con người các thời đại “góp cho Đất Nước”. Phẩm chất thi sĩ biểu hiện ở sự lựa chọn những “hạt cườm” để xâu vào sợi dày chính luận ấy.

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.

Hồi đó Đất nước còn đang bị kẻ thù chia cắt, nhà thơ viết trường ca “Mặt đường khát vọng” ở chiến trường, nhưng trong tư duy của nhà thơ là một Đất nước thống nhất. Những tên đất, tên núi, tên sông, những sự tích, những truyền thuyết đều gắn bó máu thịt trong một cơ thể thống nhất. Những “núi Bút non Nghiên” ở xứ Quảng, những “Con Cóc, Con Gà” ở Hạ Long, những ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm đều góp phần tạo ra “một dáng hình, một ao ước, một lối sông ông cha”. Đất nước thống nhất trong máu thịt, trong xương tủy, trong tình cảm, trong ước vọng như thế, kẻ thù nào chia cắt được!

Nhưng đó chỉ là một khía cạnh tư tưởng chủ đề của khúc trường ca này. Những dòng khái quát sau đây mới là dòng mạch chính của chủ đề tác phẩm:

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

Rồi nhà thơ chuyến từ bút pháp sử thi sang giọng điệu trữ tình, nhà thơ tâm tình với “em” mà tìm sự đồng cảm của hết thảy chúng ta.

Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con...

Bốn nghìn năm Đất Nước

Càng nhìn sâu vào “bốn nghìn năm Đất Nước”, nhà thơ càng thâm thía với công lao xây dựng, vun đắp, bảo vệ Đất Nước, đặc biệt là lớp người tuổi trẻ “con gái con trai bằng tuổi chúng ta” đã làm cho nhà thi sĩ xúc động mãnh liệt. Có lẽ đây là trực cảm của nhà thơ đối với lớp thanh niên trong chống Mĩ cứu nước.

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.

Chính những người anh hùng vô danh ấy đã “giữ và truyền” cho ta từ hạt lúa đến ngọn lửa, từ ngôn ngữ đến hành động.

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân

Như vậy là theo mạch chính luận và suy tưởng, tác giả đã dẫn dắt đến chiều sâu chủ đề khúc trường ca. Nhưng tác giả không dừng ở phát hiện “Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân” mà còn muốn cho khái niệm này ngân vang lên trong thần thoại, trong cổ tích, trong ca dao dân ca. Khúc trường ca không bị khô khốc trong triết lí mà trở nên hồn nhiên, tươi mát, huyền ảo.

Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu...

Đất Nước là một trích đoạn hay trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Bằng chất trữ tình - chính luận, tác giả đã khéo léo dẫn dắt đến chủ đề sâu sắc là “Đất Nước Nhân Dân”. Xúc cảm trực tiếp, mãnh liệt từ cuộc chiến đấu sinh tử của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ mà tác giả đã huy động tình cảm, trí tuệ, kiến thức về địa lí, lịch sử, văn học, đặc biệt là văn hóa dân gian để diễn tả sức mạnh thần kì của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất nước. Một Đất nước nhân dân tươi đẹp thần kì như thế sẽ chiến thắng bất kì kẻ thù xâm lược nào.

Leave a Reply