Phân tích giá trị truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

HƯỚNG DẪN

I. TÁC GIẢ

1. Tiểu sử cuộc đời

- Nguyễn Thi (1928 -1968) tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, quê xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 10 tuổi mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, sống nhờ họ hàng nhưng Nguyễn Thi rất có trí học hành.

- Nguyễn Thi tham gia Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn. Ông gia nhập quân đội trong kháng chiến chống Pháp, làm công tác tuyên huấn, đội trưởng đội văn công 330 quân khu miền Đông Nam Bộ.

- Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội, đến năm 1962, ông tình nguyện trở vào chiến trường miền Nam đánh giặc tham gia chống Mĩ trong lực lượng Văn nghệ Giải phóng.

- Năm 1968, ông anh dũng hi sinh trong tư thế một người chiến sĩ cảm tử tại mặt trận Sài Gòn trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân.

- Năm 2000, ông được giải thưởng Hồ Chí Minh.

Phân tích giá trị truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

2. Sự nghiệp văn học

- Nguyễn Thi viết nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết.

- Những tác phẩm tiêu biểu: Hưong đồng nội (thơ, 1950), Trăng sáng (1960), Đôi bạn (tập truyện ngắn, 1965), Truyện và kí Nguyễn Thi (1969),... Năm 1996 tập hợp lại thành Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập (4 tập, 2700 trang).

3. Phong cách nghệ thuật

- Văn Nguyễn Thi vừa đậm đà màu sắc dân gian vừa hiện đại, trữ tình nhưng cũng sôi nổi, hùng tráng, lối kể tự nhiên như cách nghĩ, cách cảm của người nông dân Nam Bộ.

- Nhân vật của ông luôn có những phẩm chất tốt đẹp: yêu nước, thuỷ chung với Tổ quốc, thẳng thắn, lạc quan, giàu tình nghĩa...

- Nguyễn Thi là người thành công nhiều ở ngôn ngữ bình dị, đầy nghĩa tình của miền đất Nam Bộ.

- Nguyễn Thi còn là một cây bút có biệt tài phân tích tâm lí, tạo nên những trang viết vừa giàu chất trữ tình vừa đầy chất sống hiện thực, với những hình tượng, những tính cách gân guốc, có cá tính mãnh liệt.

II. TÁC PHẨM NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH

1. Hoàn cảnh ra đời

Những đứa con trong gia đình được Nguyễn Thi viết trong những ngày chiến đấu ác liệt khi ông công tác với tư cách là một nhà văn chiến sĩ ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng (2 - 1966). Tác phẩm in trong Truyện và kí - Nhà xuất bản Văn học Giải phóng 1978.

2. Tóm tắt

Truyện Những đứa con trong gia đình kể về anh chiến sĩ trẻ tên Việt ở Nam Bộ. Giữa một trận đánh quyết liệt, Việt bị thương nặng, thất lạc đồng đội. Trong tình trạng khi mê khi tỉnh, Việt nhớ lại những người thân, như má, chú Năm, chị Chiến...

Và nhớ nhất là cả ba và má đều hi sinh trong chiến tranh. Việt cùng chị Chiến xung phong đi bộ đội để báo thù cho ba má, giải phóng quê hương, tiếp tục trang sử anh hùng của gia đình.

Cuối cùng anh đã được đồng đội đưa về điều trị, sức khỏe dần hồi phục. Anh Tánh giục Việt viết thư cho chị Chiến kể chiến công của mình. Việt nhớ chị Chiến, muốn viết thư nhưng không biết viết sao. Việt cũng không muốn kể chiến công của mình vì tự thấy chưa thấm gì với thành tích của đơn vị và những ước mong của má.

3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật

a. Nội dung

* Ý nghĩa nhan đề Những đứa con trong gia đình

Ý nghĩa nhan đề Những đứa con trong gia đình

Nhan đề Những đứa con trong gia đình không chỉ có giá trị thông báo về vị trí thế hệ của hai nhân vật chính mà còn gợi nhiều ý nghĩa:

- Đó là những con người được nuôi dưỡng và trưởng thành trong gia đình có truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào.

- Họ là những con người đã tiếp nối xứng đáng truyền thống cách mạng của gia đình.

* Nội dung truyện

- Việt bị thương nặng, bị lạc đồng đội và nằm lại chiến trường. Chuyện được kể theo dòng hồi tưởng đứt nối sau những lần ngất đi, tỉnh lại của Việt. Một số sự kiện được chắp nối và hình ảnh các thành viên khác trong gia đình lần lượt hiện ra, được tô đậm dần qua những lần hồi tưởng đó. Đồng thời, bản thân nhân vật Việt cũng dần bộc lộ bản lĩnh và tính cách của mình, đặc biệt là trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.

- Má Việt có nét gần gũi với nhân vật anh hùng chị út Tịch trong Người mẹ cầm súng của chính tác giả Nguyễn Thi. Đó là con người gan góc và cứng cỏi. Bà cũng là người rất mực thương yêu chồng con, cuộc đời bất hạnh nhưng vẫn nén chặt nỗi đau để nuôi con, đánh giặc.

- Chú Năm là người dân lao động chát phác nhưng giàu tình cảm và giàu nghĩa tình. Chú rất tự hào về truyền thống của gia đình và lưu lại truyền thống ấy trong cuốn “gia phả” đánh giặc. Chú Năm hiểu và ủng hộ việc hai chị em Việt xung phong vào bộ đội để trả thù cho ba má, viết thêm những chiến công vào trang sử trong cuốn sổ gia đình. Chiến giống má từ vẻ ngoài đến tính cách. Việt nhiều lần thấy chị Chiến “nói in như má vậy” và cả cái gan góc, chăm chỉ, đảm đang của chị cũng giống má nốt. Giống nhất là chị Chiến biết lo toan mọi việc, chị thu xếp việc nhà thật chu đáo. Tuy có lúc giành với em, tranh công bắt ếch, tranh đi tòng quân nhưng Chiến cũng rất nhường nhịn em. Chị nhường em chiến công trên sông Định Thủy và luôn lo lắng cho em út.

- Còn Việt, Việt là một cậu con trai mới lớn. Do vậy tính trẻ con trong Việt biểu hiện rất rõ. Việt thích tranh phần hơn với chị, hiếu động, thích làm những việc của trẻ con như bất ếch, câu cá, bắn chim. Lúc chị sắp xếp lo toan mọi việc để sáng mai lên đường tòng quân thì Việt chỉ biết ừ cho xong khi chị hỏi đến việc này việc kia, rồi “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay”, khi lại “lăn kềnh ra ván cười khì khì” và... “ngủ quên lúc nào không biết”. Việt thương chị cũng theo cách của một cậu bé: giấu chị, sợ mất chị, mọi việc đồng ý với sự sắp xếp của chị, chỉ trừ việc đi trả thù cho ba má. Tuy nhiên, khi ra chiến trường Việt trở thành một người lớn hẳn và rất anh hùng. Việt luôn giành đi đầu, luôn muốn lập nhiều chiến công. Khi bị thương nặng, phải nằm lại chiến trường, lúc tỉnh Việt vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và tay luôn đặt ở cò súng. Lập được chiến công nhưng Việt luôn nghĩ chưa thấm vào đâu so với chiến công của đồng đội và với chị.

Cả hai chị em Chiến và Việt đều noi theo truyền thống gia đình và đều có tình thương yêu sâu sắc dành cho ba má, cho chú Năm và những thành viên khác của gia đình. Cả hai đều còn chút tính trẻ con, nhưng cũng rất anh hùng.

b. Nghệ thuật

- Lối kết cấu của truyện dựa vào dòng hồi ức của nhân vật, vì thế làm cho truyện giàu cảm xúc, diễn biến linh hoạt, không tuân thủ theo trật tự thời gian.

- Tác giả thành công trong việc xây dựng được nhân vật có cá tính, mỗi nhân vật đều tiêu biểu cho truyền thống, đều gánh vác trọng trách với gia đình, với Tổ Quốc. Ngôn ngữ nhân vật mang đậm màu sắc Nam Bộ, sinh động, ấn tượng.

- Chất sử thi thể hiện qua cuốn sổ ghi những truyền thống của gia đình. Qua cuốn sổ, ta thấy được lịch sử của đất nước, dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Số phận của những đứa con trong gia đình cũng là số phận của nhân dân miền Nam.

4. Chủ đề

Thông qua câu chuyện về những đứa con trong gia đình, tác giả ngợi ca tinh thần yêu nước, truyền thống Cách mạng của một gia đình cũng là của nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ.

Leave a Reply