Phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà qua ba lần vượt trùng vi thạch trận trong tác phẩm Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

- Đó là người lao động từng trải, dày dạn kinh nghiệm trong nghề sông nước. Ông đò Lai Châu ấy đã xuôi ngược trên dòng chảy Đà giang trên dưới một trăm lần. Người ta bảo cái nghề vất vả, đòi hỏi phải luôn tay luôn chân luôn mắt luôn gân và luôn tim dễ làm tổn thọ nhưng ông lái đò này đã hùng hồn lặng lẽ cải chính cái điều ấy bằng cái đầu bạc gần bảy mươi tuổi. Thân hình ông cao to và gọn quánh như chất sừng chất mun đôi cánh tay trẻ tráng tới mức bịt cái đầu bạc đang hói đi, không ai không lầm tưởng mình đang đứng trước một chàng trai đang ngồi ngoài bến chính bờ sông...

Phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà qua ba lần vượt trùng vi thạch trận

- Nguyễn Tuân chú tâm miêu tả cái hung bạo, dữ dội của Đà giang để tạo nên một “địch thủ” tương xứng có khả năng tôn vinh vẻ đẹp của người lái đò mạnh mẽ, quả cảm và tài hoa. Ông am hiểu tường tận về dòng sông Đà như người ta thuộc lòng một bản trường ca - nhớ cả những “dấu chấm câu và ngắt xuống dòng”. Cuộc “giao tranh” với dòng sông nơi bãi đá ngầm đã bộc lộ tư chất tài hoa, tài tử của ông đò. Đây là cuộc chiến không cân sức: một bên là thần sông, thần đá với lực lượng hùng hậu của sóng thác và đá, một bên là người lái đò với con thuyền vỏn vẹn sáu tay chèo. Quan sát trận thuỷ chiến này mới thấy người lái đò sông Đà nổi bật lên với tư cách của một nghệ sĩ tài ba trong nghệ thuật chèo thuyền vượt thác:

+ Ở trùng vây thứ nhất: thần sông, thần đá dàn ra năm cửa đá thì có đến bốn cửa tử, cửa sinh duy nhất nằm sát bờ trái. Chúng huy động hết sức mạnh của sóng thác để đánh vỗ mặt hòng tiêu diệt con thuyền. Luồng sóng hung tợn “liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng, vào hông thuyền”. Thậm chí, sóng thác còn nhằm vào người cầm lái mà “đánh đòn tỉa, đòn âm”...

Bị vây bủa, uy hiếp giữa trận nước vang trời thanh la não bạt, người lái đò vẫn bình tĩnh giữ chắc mái chèo giúp con thuyền “khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa đang phóng thẳng vào mình”. Ngay cả lúc trúng đòn hiểm, “mặt méo bệch” vì đau đớn, ông vẫn tỉnh táo chỉ huy các bạn chèo đưa con thuyền lướt vào đúng luồng sinh...

+ Ở trùng vây thứ hai: thần sông thay đổi sơ đồ phục kích và đổi cả chiến thuật. Nó dàn thêm nhiều cửa tử hơn và đẩy cửa sinh sang bờ đối diện để lừa con thuyền vào luồng chết. Nhưng ông đò đã “thuộc lòng binh pháp” của thần sông, thần đá nên lập tức nhận ra cạm bẫy của bọn thuỷ quân nơi ải nước này. Ông không né tránh mà đưa con thuyền cưỡi lên sóng thác, phóng nhanh vào cửa sinh, rồi lái miết một đường chéo về phía cửa đá. Tác giả ví sự quyết đoán của người lái đò quả cảm như người săn thú cưỡi trên lưng hổ. Nắm chắc bờm sóng để chế ngự dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Trên đường đi, người lái đò sông Đà tả xung, hữu đột phá tan mọi vòng vây như một chiến tướng lão luyện, quả cảm: ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến... Cuối cùng, ông đò đã đưa được con thuyền vượt qua cả một “tập đoàn cửa tử” khiến cho những bộ mặt đá hung hăng, dữ tợn phải “xanh lè vì thất vọng”...

Sự quyết đoán của người lái đò quả cảm như người săn thú cưỡi trên lưng hổ

+ Ở trùng vây thứ ba: thạch trận ít cửa hơn nhưng hai bên đều là luồng chết, cửa sinh lại nằm giữa lòng sông và có bọn đá hậu vệ canh giữ. Nhưng cạm bẫy hiểm ác này không qua được con mắt tinh tường của ông đò. Dưới bàn tay chèo lái điêu luyện của ông, con thuyền, lướt thẳng vào luồng sinh - nhanh và nhẹ nhàng như bay trong không gian vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được... Với tay lái ra hoa, ông đò đã trở thành một nghệ sĩ tài ba trong nghệ thuật chèo thuyền vượt thác.

+ Miêu tả ba lần “phá vây” này, Nguyễn Tuân đã tạo nên những “trường đoạn” hào hùng với nhân vật trung tâm là một người lái đò “chiến đấu gian lao... trên chiến trường sông Đà”. Nhà văn còn tưởng tượng về một bộ phim phóng sự về những người lao động trên sông nước và bày tỏ ước muốn được dùng ống kính ghi lại hình ảnh người lái đò hiên ngang trên sóng thác sông Đà. Nguyễn Tuân gọi đó là biểu tượng của người lao động tự do làm chủ được quy luật của thiên nhiên bằng bản lĩnh, tài năng, trí tuệ phi thường.

- Sau cuộc “thuỷ chiến” ác liệt, những người lái đò sông Đà đưa thuyền cập vào một bến cát bình yên, đốt lửa nướng cơm lam và trò chuyện cùng nhau về những đàn cá dầm xanh... Đối với họ, cuộc chinh phục thiên nhiên dữ dội và chiến thắng hào hùng trên sông nước... đã là chuyện thường nhật.

Leave a Reply