Phân tích nghệ thuật thể hiện trong bài thơ Phan Thiết có anh tôi của nhà thơ Hữu Thỉnh
Chiến tranh là một tấn bi kịch lớn nhất mà con người tạo ra cho con người. Chiến tranh - nó dựng nên một không gian sống đầy máu và nước mắt. Ngay niềm vui hiếm hoi, nếu có được, cũng là thứ niềm vui phải lọc qua đau thương. Và bởi vậy, tác phẩm văn chương viết về chiến tranh sâu sắc, chân thực thì không thể không là tác phẩm phản ánh cái giá của tấn bi kịch con người này. Chiều kích vết thương chiến tranh - vết thương nhân tính trong lòng tác giả - trong từng câu chữ sâu rộng tới đâu sẽ đảm bảo cho tác phẩm thành công tới đó.
Phan Thiết có anh tôi là một tác phẩm viết về một trường hợp hi sinh, chết vì bom tọa độ. Nhưng không đơn giản vậy. Cái chết xảy ra do con người đã không tuân thủ nguyên tắc nghiệt ngã của không gian chiến trận, trong khoảnh khắc vì yêu thiên nhiên mà trở nên sơ hở. Do trải qua đoạn thời gian dài sống trong áp lực nặng nề của kỉ luật chiến trường bỗng đốì mặt, bị cám dỗ cảm tính trước vẻ đẹp thiên nhiên, ấy là khi nó đã gặp phải tử huyệt của mình. Điều này được triển khai qua khổ thơ sau:
Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi
Tim anh đập không sao ghìm lại được
Gió nồng nàn hơi nước
Biển như một con tầu sắp sửa kéo còi đi...
Người lính trận thường phải sống ở nơi khuất kín với tinh thần cảnh giác cao. Do vậy khi được đứng trước một không gian thênh thang, đẹp đẽ, cuộn trào sức sống - trước biển - tình cảm đã choáng ngợp trong khát khao được thừa hưởng tự do, cũng như trong lo sợ bởi sẽ mất cơ hội, do quá ít cơ hội có được không gian sông ấy. Câu: Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi... thể hiện tâm lí lo sợ này. Trong chiến tranh, nguyên tắc lí tính luôn loại trừ cảm tính. Song trớ trêu thay, tình yêu bao giờ cũng là một cảm tính ! Và câu thơ này có tính cách định mệnh. Nó dường mang linh cảm về tương lai, về khoảng sống dài rộng tự do.
Hình ảnh cỏ - khoảng đồi - ngôi mộ được kiến thiết có tính mô hình nghệ thuật và có trình tự trong một không gian - thời gian sống.
Cỏ - trong hình ảnh thực vật cụ thể:
Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ...
Tới cỏ - thành một biểu tượng tinh thần:
Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình
Đồi ở đây cũng là con của mẹ...
Phát triển từ hình ảnh cụ thể tới tính biểu cảm cho đời sống tinh thần, có thể nói, nghệ thuật ấy mang khả năng hiện thực hóa tâm linh. Không gian và thời gian, bởi thế, cũng khép mở theo hình ảnh đời sống xương máu và đời sống tinh thần. Mở bài thấy một không gian sống vừa cụ thể về địa điểm, vừa hư vô bởi thiếu một dị hình: anh không có cho mình dù chỉ là ngọn cỏ, và không một vuông đất nhỏ... ; để tiến tới một xác định về không gian tinh thần: Đất và trời Phan Thiết có anh tôi... Và đây là một không gian tượng trưng. Tới cuối bài, khoảng không gian tượng trưng này khép lại cho một dòng thời gian, sự sống cụ thể và mãi mãi chảy ra: Đèn thành phố soi người đi câu cá / Anh không ngủ người đi câu không ngủ / Biển đêm đêm trò chuyện với hai người / ... Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi... Sự chuyển đổi từ cái tượng trưng đến cái cụ thể của không gian và thời gian ở đây là phù hợp với quy luật tâm lí.
Đặt ra và giải quyết vấn đề "sinh - tử" của tình yêu cảm tính mang tính bản thể tự nhiên trước nguyên tắc lí tính nghiệt ngã của một không gian sống phi tự nhiên - không gian chiến tranh và qua đó tạo một khả năng nghệ thuật: Hiện thực hóa tâm linh, đưa cái phổ quát thế sự vào thế giới khu biệt, riêng tư cho niềm xót thương máu thịt tạo vận nhịp sống cho không gian - thời gian của riêng nó và có sức chi phối bao trùm lại tất cả.
Thành công trong dựng mô hình không gian - thời gian nghệ thuật là một thành công đặc sắc của Phan Thiết có anh tôi. Đây là một thi phẩm hay vào bậc nhất của Hữu Thỉnh cũng như của cả dòng thơ viết về chiến tranh thời chống Mĩ.