Phân tích nhân tố giao tiếp trong đoạn thơ sau: "Cày đồng đang buổi ban trưa, mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày, ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"

Ca dao vốn là thể thơ của tầng lớp bình dân. Mặc dầu vậy, những hạt ngọc của ca dao, dù mang tính đại chúng: sử dụng các thủ pháp nghệ thuật dân gian, nhưng vẫn đạt tới trình độ thơ hiện đại. Ý tứ thâm sâu mà âm điệu thơ vẫn bay bổng, chất thơ vẫn giàu sức tinh tế. Người viết muốn nói đến bài ca dao:

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”

Cày đồng đang buổi ban trưa

Có ý kiến cho rằng, bài ca dao được dịch từ bài “Bừa lúa” của tác giả Lí Thân đời Đường, Trung Quốc. Người viết không nghĩ thế. Có lẽ do sự tương đồng về văn hóa - cả hai nước đều là nền nông nghiệp lúa nước - nên tứ thơ của hai bài có sự tương đồng. Ở đây, nếu có chăng thì đó chỉ là sự kế thừa, nhưng đã có sự tiếp biến lớn lao. Hai bài, tứ thơ dù tương đồng, nhưng rõ ràng, bài ca dao này mang âm điệu Việt hoàn toàn (bài thơ của Lí Thân viết theo thể ngũ ngôn). Cả ngôn ngữ thơ, chất thơ, cũng như những thủ pháp nghệ thuật của bài ca này hoàn toàn đậm chất Việt. Người viết không nhằm tranh luận, bài ca dao là của Trung Quốc hay của ta. Chỉ muốn nói một điều rằng, từ hàng trăm năm nay, bài ca dao đã trở nên vô cùng gần gũi với đời sống của nhân dân lao động Việt Nam, nó mang “hơi thở” và “tâm tư” của người Việt, thì hẳn nó đã là ca dao của Việt Nam rồi.

Bài ca dao mở đầu bằng hai câu:

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”

Công việc đồng áng vào ngày mùa phải bận rộn lắm, thế nên mới cày giữa trưa. Và cày giữa trưa, trời nắng hẳn phải cực nhọc lắm. Vì vậy “mồ hôi thánh thót” cũng là điều hiển nhiên thôi. Nhưng mà “thánh thót như mưa ruộng cày” thì đích thị là nói phóng đại rồi. Cái tài của phép phóng đại là người nghe biết mà vẫn nghe, vẫn tin, vẫn đồng cảm vì nó có cơ sở thực tế. Bởi giữa trưa, trời nắng nóng, hẳn phải là thời gian nghỉ ngơi, nhưng đây lại phải cày cho kịp việc. Thế thì đem sự cực nhọc ấy mà nói “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” là điều dễ dàng đồng cảm. Chỉ nói như thế may ra mới nói hết được sự vất vả, cực nhọc, lao lực của người nông dân lúc này.

Và ngay cái lúc cày đồng giữa trưa này đây, một giá trị về cuộc sống, giá trị về lao động được vỡ lẽ. Người nông dân thấm thía và nhận ra chân giá trị lớn lao của lao động. Để có được bát cơm, có được cái ăn thì phải lao động cực nhọc như thế này đây. Cái giá trị lớn lao của bài ca là ở đây. Một bài học về giá trị lao động có lẽ không chỉ dành riêng cho dân cày, mà dành cho tất cả mọi ngành nghề lao động. Cần phải biết nâng niu, quí trọng thành quả của lao động. Thế mới biết, vì sao người ta lại giáo dục con em bằng giáo dục lao động.

Điều cần nói thêm ở đây là: để làm nên lập luận vững chắc cho phép so sánh -phóng đại ở câu thứ hai, tác giả dân gian đã sử dụng rất tài tình từ láy “thánh thót”. Từ láy giàu tính gợi hình và đậm chất Việt này được đặt thật đúng chỗ, khiến cho sự cực nhọc, vất vả được phóng đại hóa một cách sinh động. Vì vậy khi so sánh “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” thì phép so sánh - phóng đại trở nên hợp lý về nghĩa, và cấu trúc của câu thơ cũng trở nên uyển chuyển. Bởi thế, câu thơ vừa đậm chất dân gian lại vừa tinh tế, giàu chất thơ hiện đại.

Thấm thía bài học về giá trị lao động người nông dân thốt lên:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

Hai câu kết chính là lời tự khuyên mình, đồng thời cũng chính là lời khuyên dành cho mọi người, cần phải nhớ lấy và cần phải biết quí trọng thành quả của lao động. Rõ ràng, đây là lời khuyên mang sức lay động rất mạnh mẽ. Nó lay động bởi sự có sự kết hợp cả lí và tình. Người nghe không chỉ bị thuyết phục về mặt ý thức mà còn bị thuyết phục cả về tình cảm. Nói nó có lí bởi có hai câu đầu làm cơ sở lí luận, minh chứng cho lời khuyên. Nói nó có tình bởi sự chân thành về tình cảm trong cách diễn đạt, sử dụng ngôn từ và âm điệu. Lí và tình quyện chặt nhau tạo nên sức lay động, sức lang tỏa mạnh mẽ cho bài ca dao. Hai câu kết đồng thời khẳng định chân giá trị của lao động đã nêu ở hai câu đầu.

Sự đặc sắc làm nên giá trị cho bài ca dao còn nằm ở câu kết. Câu kết của bài ca rất độc đáo, gồm hai vế đối nhau: “dẻo thơm một hạt” đối với “đắng cay muôn phần” tạo nên hai vế đối rất chỉnh (chỉnh về ý và cả từ loại). Ở câu kết, chúng ta còn gặp lại lối nói phóng đại. “Dẻo thơm một hạt” mà lại “đắng cay muôn phần”! Như vậy, câu kết vừa đối vừa phóng đại, lối nói phóng đại được lồng vào trong phép đối mà sao câu ca không hề gợn chút gì trúc trắc, ngược lại nó tạo nên sức nặng, sự âm vang trong lòng người.

Phải khẳng định rằng, bài ca dao là một viên ngọc lấp lánh trong kho tàng ca dao - dân ca Việt Nam. Kết cấu vô cùng chặt chẽ, đồng thời lại mang trong mình những giá trị nghệ thuật tiêu biểu của dân gian. Ngôn ngữ cứ tự nhiên, bình dị mà lại tinh tế và giàu sức sáng tạo của thơ hiện đại. Âm điệu mượt mà nhưng lời thơ vẫn giàu chất trí tuệ. Nó cứ tự nhiên mà ngấm vào lòng người. Nó như lời tâm tình của ông dành cho cháu, của cha dành cho con về bài học giá trị lao động.

Một bài ca không cần đọc nhiều mà vẫn thuộc lòng. Một bài ca mang trên mình sự lấp lánh của văn hóa Việt, hẳn nó sẽ mãi đồng hành với dân ta trong suốt quá trình phát triển của lịch sử.

Leave a Reply