Quan sát hình ảnh dưới đây (người thanh niên, những chiếc thang và bức tường), anh (chị) đưa ra nhận xét (hoặc quan điểm, ý kiến) của mình

GỢI Ý

- Bức tường: hình ảnh gợi ra những thách thức trong cuộc song mà mỗi con người phải vượt qua để thực hiện ước mơ, mục đích của mình trong cuộc sống.

- Chiếc thang: những công cụ, phương tiện cần có để chúng ta vượt qua những khó khăn.

- Trong hình là một người thanh niên (không phải một cụ già).

Người thanh niên, những chiếc thang và bức tường

Lưu ý: có nhiều cách tiếp cận vấn đề nên cũng có nhiều cách nhận định, ý kiến. Sau đây giới thiệu các em 2 cách tiếp cận ở bài làm 1 và 2.

BÀI LÀM 1

Con đường đi đến thành công của mỗi con người thật không dễ dàng như trong mộng mơ, tưởng tượng. Bởi lẽ, đời người là có thật, cuộc đời là có thật nên phải có hành động cụ thể. Thật thế, từ thuở bé ta đã từng vật lộn với từng vần của con chữ, những dấu cộng, dấu trừ, nhân, chia và lớn lên là nhũng công thức toán, khái niệm, định lí,... trong từng bài học giáo khoa. Để từ đó ta bước vào đời và tự hiểu hoang tưởng chẳng bao giờ mang đến kết quả gì. Những thử thách trong từng giai đoạn cuộc sống như từng bức tường ta phải vượt qua. Vậy thì ta cần gì để chinh phục nó là cả một bài toán lớn trong cuộc sống mà ta cần phải giải nó. Sẽ có người chọn cách vào thẳng cuộc sống bằng con đường “cha truyền con nối”, không quan trọng vấn đề bằng cấp. Họ sẽ làm ruộng, chăn nuôi, đánh cá, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ,... bằng kinh nghiệm thực tiễn từ gia đình truyền lại. Có người chọn học con đường đại học và chiếm lĩnh nhiều bằng cấp để vượt “tường đời”. Vậy đâu là đúng khi có những người không có bằng cấp nhưng vẫn thành công từ vật chất đến hạnh phúc hôn nhân, lại có bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ vẫn thất nghiệp và loay hoay tìm lối thoát? Bởi vì người ta nhầm lẫn giữa bằng cấp và tri thức học vấn. Có bằng cấp chưa chắc có tri thức. Bởi chỉ có tri thức mới cụ thể hóa thành sản phẩm. Cho nên người nông dân không có bằng cấp nhưng có thể nuôi tôm, nuôi dê, trồng trọt,... hằng năm thu hoạch tiền tỉ, lại có người bằng cấp nhiều như đống thang chất như núi nhưng sống thiếu thốn, chật vật và hoang mang. Cho nên, “chiếc thang công cụ” trong đời chính là tri thức thật sự chứ đâu phải bằng cấp. Thế rồi ta chợt nhận ra con đường vào đời đâu chỉ có đại học là duy nhất.

Con đường đi đến thành công của mỗi con người

BÀI LÀM 2

Đất trời đẹp nhất là mùa xuân và đời người đẹp nhất là tuổi trẻ. Cho nên ai lãng phí tuổi trẻ sẽ phải hối hận về sau. Con đường vào đời ai cũng phải trải qua những bức tường thử thách và công cụ, kĩ năng được xem như những chiếc thang vậy. Sao không phải là một chiếc thang mà là cả những cái thang, là vì trong đời không có duy nhất một thử thách. Cái thử thách của thời học trò không giống với thời đi làm, càng không giống khi yêu đương, khi nuôi con,... Cho nên mỗi sự việc ta cần một chiếc thang để vượt “tường đời”. Với tuổi trẻ bao giờ cũng nhiều mơ mộng để sảng khoái thực hiện những mục đích, nhưng đừng bao giờ hoang tường. Bởi lẽ cuộc đời là có thật, cho nên chỉ có hành động cụ thể mới hi vọng mang đến kết quả cụ thể. Cha ông ta từng nói” Muốn ăn thì lăn vô bếp. Muốn chết thì lết ra gò” là vậy. Ngày nay không thiếu những bạn trẻ loay hoay dựng lên chiếc thang đẹp đẽ bằng tấm bằng đại học nhưng kĩ năng nhiều khi kém cỏi và thất bại khi va đập với đời thực. Từ sai lầm này, họ tìm cách học tiếp để tăng bằng cấp mà quên rằng kĩ năng, tri thức thật sự mới chính là chiếc thang đúng nghĩa. Có người học vị cao, bằng cấp cao mà kĩ năng ứng xử kém như anh chàng ở Sở Nội vụ Hà Nội hành xử như “côn đồ” khi thẳng tay đánh vị tiến sĩ già qua vụ va chạm giao thông nhẹ với vợ anh ta. Lại có những người bằng cấp không cao, quanh năm bên thửa ruộng, mảnh vườn quê lại ứng xử thật ấm áp mà ca dao từng ngợi ca: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Bức tranh hạnh phúc đời người nhiều khi không cần tráng lệ, rực rỡ mà nó thật giản dị, chân thật. Bởi nó là cuộc sống đích thực. Vì vậy, với tuổi trẻ ta cần tránh những hoang tưởng, hào nhoáng bên ngoài mà “lặng lẽ suy tư” vào những thiết thực đang diễn ra quanh ta. Hãy lắng nghe tiếng gọi thiết tha mà mộc mạc của cuộc sống, để bắc chiếc thang đúng hướng vào đời.

Leave a Reply