Suy nghĩ của anh (chị) về nghĩa cử cao đẹp Lá lành đùm lá rách trong cuộc sống (viết đoạn văn khoảng 200 từ)

GỢI Ý

I. Mở bài

- Đoàn kết tương thân, tương ái là một tình cảm đặc biệt và nổi bật trong nhân sinh quan của người xưa.

- Trích dẫn.

- Đó là bài học về đạo lí làm người thể hiện rõ nét mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày nay.

Suy nghĩ của anh (chị) về nghĩa cử cao đẹp Lá lành đùm lá rách trong cuộc sống

II. Thân bài

1. Giải thích câu tục ngữ

- Nghĩa đen: Dùng lá để gói hàng, nếu bị rách, người ta lấy tấm lá lành bao bên ngoài.

- Nghĩa bóng: lá lành là con người lúc yên ổn, thuận lợi, giàu có. Còn lá rách là con người lúc sa cơ, thất thế, nghèo khó.

- Câu tục ngữ khuyên con người nên biết giúp đỡ, đùm bọc những người gặp cảnh khốn cùng, khó khăn.

2. Đánh giá

- Nhắc nhở chúng ta đừng thờ ơ, ghẻ lạnh trước khổ đau, thiếu may mắn của người khác; mà trái lại, phải biết hết lòng đùm bọc, nâng đỡ người sa cơ, lỡ vận, giúp họ vượt qua bước khốn cùng, thể hiện sự cao đẹp trong mối quan hệ giữa người với người.

- Giữa cuộc đời, hoàn cảnh con người luôn biến đổi thăng trầm. Vì thế cần phải hiểu biết nhau trong sự tương thân tương ái, tạo tình đoàn kết, tránh chia rẽ, xung đột.

- Lòng nhân ái là đức tính mà mỗi con người đều cần phải có để làm nền móng xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng, bác ái. Quay lưng hay ngoảnh mặt với nỗi đau của người khác là ích kỉ, vô nhân.

- Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, lá lành cần phải đùm lá rách. Đó là việc làm rất cần thiết, là ý thức tự giác của mỗi chúng ta.

3. Mở rộng

- Truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống cao quý về đạo lí làm người của dân tộc ta.

- Chính truyền thống này là cơ sở tạo nên sức mạnh đoàn kết để bao đời nay dân tộc ta chiến thắng thù trong, giặc ngoài, giữ yên ổn, vững bền đất nước.

- Lòng nhân ái này phải xuất phát từ tình cảm chân thành, thấu hiểu, cảm thông giữa người với người chứ không phải là lối ban ơn trịch thượng.

- Người được đùm bọc, đỡ đần phải biết vươn lên chứ không được ỷ lại, sống nhờ lòng nhân ái của người khác để mình trở thành bị động, biếng nhác.

III. Kết bài

- Nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị câu tục ngữ trong đời sống thực tế ngày nay.

- Liên hệ bản thân: cần có lòng nhân ái, ý thức đoàn kết, tương thân, tương trợ.

Phong trào Lá lành đùm lá rách

BÀI LÀM

Câu tục ngữ đã thể hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp đậm đà của nhân dân ta từ xưa đến nay trong xã hội. Đoàn kết, tương thân tương ái vốn là một truyền thống tốt đẹp đáng tự hào của dân tộc ta. Ngoài câu tục ngữ trên, trong kho tàng ca dao, tục ngữ còn rất nhiều câu tương tự như thế: Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người chung một nước phải thương nhau cùng hay Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ... Các câu trên đều khuyên nhủ ta: Hễ là đồng bào thì nên đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trên tinh thần tương thân tương ái, không nên thờ ơ, ngoảnh mặt, quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác; mà trái lại, phải luôn luôn quan tâm, giúp đỡ, đùm bọc, che chở người khó khăn, thất thế. Những người giàu có nên yêu thương, giúp đỡ cho những người nghèo khổ, nhất là những khi họ gặp hoạn nạn, tai ương. Những người có địa vị cao trong xã hội nên tạo điều kiện giúp đỡ quần chúng được sống một đời sống ấm no, hạnh phúc. Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy: Thấy ai đói rách thì thương / Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn. Câu tục ngữ là bài học đạo lí sống cao đẹp của cha ông ta. Trong đời sống còn nhiều khó khăn của xã hội ta hiện nay, hơn lúc nào hết, lòng nhân ái, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, phải được nâng lên thành ý thức tự giác trong mỗi con người chúng ta.

Leave a Reply