Tìm hiểu về cuộc đời và các sáng tác của Nguyễn Du

1. Cuộc đời

- Ông quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời thơ ấu ở Thăng Long. Ông thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt: cha là Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm làm tới tể tướng dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có 8 vợ, 21 người con). Anh khác mẹ (con bà chính) của ông là Toản Quận Công Nguyễn Khản làm tới Tham Tụng, Thái Bảo trong triều.

Nguyễn Du - quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

- Năm 1771, ông cùng gia đình Tể tướng Nguyễn Nghiễm chuyển về ở làng Tiên Điền.

- Năm 1775, lúc 10 tuổi Nguyễn Du mồ côi cha.

- Năm 1778, lúc mười ba tuổi mồ côi mẹ, ông phải ra Thăng Long ở với anh cả là Nguyễn Khản. Được vài năm, Nguyễn Du trở về làng Tiên Điền ở với người chú là Tiến sĩ Nguyễn Hành.

- Năm 1783, Nguyễn Du thi hương tại trường thi Nghệ An và đậu Tam trường. Vì lẽ gì không rõ, ông không tiếp tục thi lên nữa, mà đi nhận một chức quan võ ở Thái Nguyễn, kế chân người cha nuôi của ông vừa mới từ trần.

- Năm 1789, Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc, đại thắng quân nhà Thanh. Nguyễn Du, vì tư tưởng trung quân phong kiến, không chịu ra làm quan cho nhà Tây Sơn.

- Từ năm 1789 đến năm 1795, ông sống ở Thái Bình- quê vợ.

- Năm 1796: Nguyễn Du dự định vào Gia Định cộng tác với Chúa Nguyễn, âm mưu bị bại lộ, bị nhà Tây Sơn bắt giam ba tháng.

Có thể Nguyễn Du đã thai nghén Truyện Kiều vào thời gian này; năm đó Nguyễn Du đúng 30 tuổi ("Trải qua một cuộc bể dâu" - một bể dâu bằng khoảng 30 năm ).  Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Lộc ("Từ điển Văn học" tập II - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1984) trang 455 viết: "Đoạn trường tân thanh (đoạn trường: đứt ruột; tân thanh: tiếng mới). là một truyện thơ Nôm viết bằng thể lục bát, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-20). Có thuyết nói Nguyễn Du viết trước khi đi sứ, có thể vào thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-09). Thuyết sau này được nhiều người chấp nhận".  Chi tiết xem thêm bài Truyện Kiều 

- Từ 1797 đến năm 1804: Nguyễn Du ẩn dật tại Tiên Điền.

Khi Nguyễn Phúc Ánh lật đổ nhà Tây Sơn Nguyễn Quang Toản, rồi mời Nguyễn Du ra làm quan; ông từ mãi mà không được nên miễn cưỡng tuân mệnh. Năm 1805, ông bắt đầu vào Huế làm quan với nhà Nguyễn và được thăng Đông Các điện học sĩ, tước Du Đức Hầu. Năm 1813, thăng Cần Chánh điện học sĩ, được cử làm Chánh Sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815, ông được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri.

Đường công danh của Nguyễn Du với nhà Nguyễn chẳng có mấy trở ngại. Ông thăng chức nhanh và giữ chức trọng, song chẳng mấy khi vui, thường u uất bất đắc chí.

Theo Đại Nam Liệt Truyện: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì..."

- Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, cử ông đi sứ lần nữa, nhưng lần này chưa kịp đi thì ông đột ngột qua đời.

Đại Nam Liệt Truyện viết: "Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì."

2. Tác phẩm tiêu biểu

Ngoài Truyện Kiều nổi tiếng ra, Nguyễn Du còn để lại:

- Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh 

- Văn Tế Sống Hai Cô Gái Trường Lưu 

- Thác Lời Trai Phường Nón (bằng chữ Nôm) 

- Ba tập thơ chữ Hán điển hình

- Thanh Hiên Thi Tập 

- Nam Trung Tạp Ngâm 

- Bắc Hành Tạp Lục 

- Các bài thơ khác : - Cảm Hứng Trong Tù - Đầu Sông Chơi Dạo - Đứng Trên Cầu Hoàng Mai Buổi Chiều - Đêm Đậu Thuyền Cửa Sông Tam Giang - Đêm Rằm Tháng Giêng Ở Quỳnh Côi - Lưu Biệt Anh Nguyễn - Mộ Đỗ Thiếu Lăng Ở Lôi Dương - Miếu Thờ Mã Phục Ba Ở Giáp Thành - Ngày Thu Gởi Hứng - Nói Hàn Tín Luyện Quân - Người Hát Rong Phủ Vĩnh Bình - Ngồi Một Mình Trong Thủy Các - Ngựa Bỏ Bên Thành - Ngày Xuân Chợt Hứng - Long Thành Cẩm Giả Ca - Tranh Biệt Cùng Giả Nghị - Qua Sông Hoài Nhớ Thừa Tướng Văn - Xúc Cảm Đình Ven Sông - Viếng Người Con Hát Thành La

3. Nhận xét

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du cho thấy phần sâu kín trong tâm trạng ông. Nó như một thứ nhật ký, giải bày mọi nỗi niềm, mọi ý nghĩ trong cảnh sống thường nhật của chính ông. Cả ba cuốn Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long); 

Tìm hiểu về cuộc đời và các sáng tác của Nguyễn Du

Nam trung tạp ngâm (1805-1812, khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi cai bạ Quảng Bình); và Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa) đều có một giọng u trầm thấm thía, đầy cảm xúc nội tâm.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du như một tiếng thở dài luận bàn nhân tâm thế sự và xót thương thân phận. Một hình ảnh trở đi trở lại là mái tóc bạc, Nguyễn Du có mái tóc bạc sớm, mái tóc như biểu tượng của lo nghĩ, của những nghiền ngẫm buồn thương và bế tắc

Tráng sỹ bạch đầu bi hướng thiên

Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên

(Tráng sỹ ngẩng mái đầu tóc bạc bi thương than với trời xanh 

Chí lớn một đời và miếng ăn hàng ngày cả hai đều mờ mịt)

Khi quân Tây Sơn ra Bắc năm 1786, Nguyễn Du trung thành với nhà Lê không cộng tác, tìm đường lánh ẩn, chịu sống nghèo khổ. Những thiếu thốn vật chất đôi lúc lộ ra trong thơ:

Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng

(Mười đứa con sắc mặt xanh như lá)

Hoặc:

Trong bếp suốt ngày không có khói lửa 

(Trước đèn phải mượn chén rượu cho gương mặt được hồng hào)

Do vậy, ông thấy:

Nhất sinh từ phú như vô ích

Mãn giá cầm thư đồ tự ngu

(Một đời chữ nghĩa thành vô ích 

Sách đàn đầy giá chỉ làm ta ngu dốt)

Lời nhận xét thật chua chát, bế tắc. Mái tóc bạc như một chứng tích tiều tụy cho cái nghịch lý ấy: Phơ phơ tóc bạc sống gửi ở nhà người, rồi: Già đến, tóc bạc đáng thương cho ngươi. Mái tóc cũng bạc đã thành bạn tri âm cho Nguyễn Du than thở: Tóc sương là bạn đi cùng.

Nói là già nhưng lúc viết Thanh Hiên thi tập Nguyễn Du chỉ ở tuổi 20 đến 37.

Trù trướng lưu quang thôi bạch phát 

Một sự chọn hướng trái chiều với bước đi của lịch sử làm Nguyễn Du ngùi ngẫm giằng xé cả một đời, ngay cả thời gian ra làm quan với Gia Long:

Ơn vua chưa trả đỉnh đinh 

Mưa xuân nhuần thấm nhưng mình lạnh xương 

Tạ ơn của vua nhưng lại thấy buốt lạnh trong xương cốt vì Nguyễn Du ôm một nỗi niềm éo le. Giáo lý Khổng Mạnh dạy: Tôi trung không thờ hai vua. Nhưng với Nguyễn Du, vua phải thờ thì hèn kém, thậm chí rước voi về giày mồ (Lê Chiêu Thống), còn vua phải chống thì lại anh hùng, bảo vệ độc lập dân tộc (Quang Trung). Biết mà không vượt qua được, ông mong được hậu thế cảm thông:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như

(Ba trăm năm nữa nào biết được 

Thiên hạ ai người khóc Tố Như)

Có một nỗi niềm đến phút cuối Nguyễn Du vẫn phải nén lại và mang đi. Buồn thương, cô đơn đã thành thuộc tính của đời ông như màu xanh là thuộc tính của cỏ:

Nhân tự bi thê, thảo tự thanh

(Người tự buồn thương, cỏ tự xanh)

Nguyễn Du hay nói tới thân phận tha hương, lưu lạc, nỗi nhớ quê nhà... trong các bài thơ. Ông thấy tài năng văn chương như con chim phượng nhốt trong lồng nát và công danh thì cùng đường như con rắn đã chui trong hang.

Bình sinh văn thái tàn lung phượng 

Phù thế công danh tẩu hác xà 

Ở các bài vịnh nhân vật và luận về các sự kiện lịch sử Trung Hoa trong Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã xuất phát từ quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người để cân đo lại trọng lượng các vĩ nhân và các chiến công ầm ỹ một thời.

Leave a Reply