Văn nghị luận: Ông Giuốc-Đanh mặc lễ phục (Trích "Trưởng giả học làm sang")

I. Giới thiệu một vài nét về mô-li-e

Mô-li-e là "Vua hề", kịch tác gia vĩ đại của nước Pháp trong thế kỉ XVII. Ông sinh ngày 13.1.1622 tại Pa-ri, trong một gia đình khá giả làm nghề dệt thảm và kinh doanh thảm. Năm lên 10, mẹ ông qua đời. Năm 19 tuổi, ông đậu bằng cử nhân luật. Nhưng ông không hành nghề trạng sư, cũng không nối chí cha kinh doanh thảm làm giàu. Vốn say mê kịch từ thuở nhỏ, nên năm 20 tuổi, với số tiền 630 đồng li-vrơ, tiền thừa kế của mẹ để lại, ông dấn thân vào kịch trường với bao ước mộng.

Đoàn kịch của Mô-li-e sáng lập chỉ trụ lại ở Pa-ri được một thời gian ngắn, rồi phải lưu diễn khắp các tỉnh lẻ để tồn tại. Khó khăn nhiều, nợ nần chồng chất, có lần ông vì thiếu nợ mà bị bắt giam. Chính trong những năm tháng khó khăn ấy, Mô-li-e đã soạn những màn hài kịch ngắn, ông vừa làm đạo diễn, vừa làm diễn viên, thủ những vai hề. Tài năng ngày một nở rộ. Năm 1658, Mô-li-e bước sang tuổi 36, từ thành phố Li-ông, vua hề tương lai đưa đoàn kịch trở lại thủ đô Pa-ri. Nếu trước đây ông giã biệt Pa-ri với con ngựa gầy và lèo tèo bốn, năm diễn viên xơ xác, thì lần này ông trở lại thủ đô với một đoàn xe ngựa và những diễn viên trẻ tài ba. Những vở hài kịch mới do Mô-li-e sáng tác và dàn dựng, nối tiếp nhau xuất hiện, được đông đảo khán giả nồng nhiệt mến mộ. Nhiều ông hoàng bà chúa, và cả vua Lu-i 14 cũng đã dành cho đoàn kịch Mô-li-e ít nhiều ưu ái. Nhưng ông cũng gặp biết bao kẻ thù địch, nhất là mỗi lần đoàn kịch của ông trình diễn những vở mới. Thầy tu, kẻ giàu có, quyền thế, kẻ đố kị... đã gây cho Vua hề biết bao lận đận, lao đao! Chỉ trong vòng 15 năm, lao động sáng tạo miệt mài và bằng tài năng, Mô-li-e đã sáng tác được trên 30 vở hài kịch kiệt tác. Tiêu biểu nhất là các vở: Anh chàng nông nổi, Cơn ghen, Các bà đài các rởm, Những kẻ bắng nhắng, Trường học làm vợ, Tác-tuy-phơ, Đỏng Gioăng, Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng, v.v...

Bằng tiếng cười, bằng các vai hề, Mô-li-e đã chế giễu một cách sâu cay những kẻ đạo đức giả, bọn đội lốt thầy tu, những tên rởm đời, bọn ngu dốt đua đòi, những chuyện nhố nhăng đồi bại... đầy rẫy trong xã hội Pháp thời bấy giờ. Tiếng cười trong hài kịch Mô-li-e mang ý nghĩa xã hội sâu sắc: hướng tới văn minh, tiến bộ, giàu tính nhân văn, được kết đọng qua các vai hề.

"Sống vì nghề, chết cũng vì nghề". Đêm 17.2.1673, Mô-li-e đóng vai Ác-găng trong vở hài kịch "Người bệnh tưởng", khi màn vừa khép lại, Mô-li-e gục xuống trên sân khấu. Vua hề qua đời trong niềm xúc động, nhớ tiếc của hàng nghìn khán giả.

Moliere

II. Tóm tắt vở hài kịch trích "Trưởng giả học làm sang"

Vở hài kịch "Trưởng giả học làm sang" gồm có 5 hồi, được Mô-li-e sáng tác vào năm 1670, ba năm trước khi ông qua đời. Trước đây đã có người dịch, đặt tên là "Gã tư sản quý tộc".

Cốt truyện vở kịch như sau:

Lão Giuốc-đanh cục mịch, xấu xí, dốt nát, ngờ nghệch... Nhờ buôn dạ mà trở nên giàu có. Lão muốn trở thành nhà quý tộc. Lão mời thầy triết về nhà để học tiếng La-tinh, học lô-gic, học luân lí, học vật lí, học chính tả, học phát âm, học viết thư tình để gửi cho một bà đại quý tộc mà ông ta "phải lòng". Sau khi muốn trở thành nhà bác học, lão Giuốc-đanh lại muốn có bộ đồ lỗ phục đẹp nhất triều đình. Phó may và bốn thợ phụ kéo đến để mặc thử lễ phục cho lão. Giuốc-đanh đã được chúng tâng bốc từ "ông lớn", "cụ lớn" lên đến "đức ông". Nhiều kẻ đã lợi dụng sự hợm hĩnh, ngờ nghệch của tên trưởng giả, săn đón, nịnh hót lão để moi tiền.

Nàng Luy-xin là con gái xinh đẹp của Giuốc-đanh. Lão không tán thành tình yêu của con gái với Clê-ông, chỉ vì anh ta không phải là quý tộc. Cô-vi-en, đầy tớ khôn ngoan đã lập mưu, đã hiến kế cho Clê-ông. Clê-ông bèn cải trang thành Hoàng tử Thổ Nhĩ Kì đến hỏi Luy-xin làm vợ, và đã được lão Giuốc-đanh ưng thuận!...

Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục

III. Phân tích "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" trong hài kịch "Trưởng giả học làm sang" của Mô-li-e

Hài kịch "Trưởng giả học làm sang'' là một trong những kiệt tác của Mô-li-e, kịch tác gia vĩ đại của nước Pháp trong thế kỉ XVII. Vở hài kịch này gồm 5 hồi, mỗi hồi là những trận cười nổ ra tưởng như vô tận.

Sau lớp 4 của hồi 2 (Ông Giuốc-đanh muốn trở thành nhà bác học) là lớp 5 (Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục). Muốn trở thành quý tộc thì phải giỏi, phải hiểu biết về triết, về ngôn ngữ học, phải biết viết thư tình,... Vẫn chưa đủ. Còn phải sang trọng, phải có lễ phục. Vì thế ông Giuốc-đanh đã ném vàng bạc ra, mua loại vải hoa cực tốt, thuê thợ may bộ lễ phục "đẹp nhất triều đình", phải sắm đủ tất, giày thứ hảo hạng!

1. Cảnh thứ nhất có 32 lời thoại giữa ông Giuốc-đanh và gã phó may. Vì háo hức muốn được mặc lễ phục, nên khi phó may xuất hiện, ông Giuốc-đanh vừa vui mừng reo lên, vừa trách móc: "A! Bác đã tới đấy à? Tôi sắp phát khùng lẽn vì bác đây".

Vốn là kẻ lắm tiền, thích học đòi làm sang, nhưng ngờ nghệch nên ông Giuốc-đanh đã lần lượt bị gã phó may mơn trớn, lừa bịp. Mọi thứ mà trưởng giả gửi mua, thuê may, nhận về đều là hàng rởm. Bít tất lụa quá chật, mới xỏ chân vào đã đứt mất hai mắt rồi! Đôi giày không đúng số, đúng cỡ làm "đau chân ghê gớm". Rất buồn cười là khi nghe phó may biến báo bít tất "rồi nó sẽ giãn ra", thì ông Giuốc-đanh ngớ ngẩn phụ họa: "Phải, nến tôi cứ làm đứt mãi các mắt thì sẽ rộng thật". Nghe phó may giải thích: đôi giày không làm ngài đau mà chỉ vì "ngài cứ tưởng tượng ra thế" thì vị trưởng giả vừa phân bua vừa hể hả: "Tôi tưởng tượng ra thế vì tôi thấy thế. Bác này lí luận hay nhỉ!". Chân to mà giày nhỏ thì đi vào sẽ đau chân; đau chân là cảm giác. Không phân biệt được cảm giác với tưởng tượng là do ngu dốt, ngờ nghệch. Gã phó may dùng hai chữ "tưởng tượng" là ngụy biện, lừa bịp thế mà con người mới thụ giáo thầy triết để làm nhà bác học vẫn nghe rất xuôi tai!

Lễ phục quý tộc, đúng mốt thời thượng ở Pháp trong thế kỉ XVI, XVII là may bằng vải hoặc len, dạ màu đen, may xuôi hoa, nhưng bộ lễ phục của ông Giuốc-đanh tuy "đẹp nhất triều đình", "may vừa mắt nhất", "trang nghiêm mà không phải màu đen, thật là tuyệt tác!". Oái oăm thay, bộ lễ phục lại may "hoa ngược mất rồi!". Nghe gã phó may biến báo là "những người quý phái đều mặc như thế này cả", thì ông Giuốc-đanh rối rít hỏi lại với tất cả sự ngờ nghệch đến hồn nhiên: "Những người quý phái mặc áo ngược hoa ư? Ô! Thế thì bộ áo này may được đấy!

Rồi ông Giuốc-đanh hỏi phó may về chiếc áo "có vừa vặn không", bộ tóc giả và lông đính mũ "có được chững chạc không?". Khi phát hiện ra gã phó may đã cắt xén vải may lễ phục để may áo mặc, ông Giuốc-đanh cất lời trách móc, nhưng đã bị gã biến báo đánh trống lảng bằng cách mời ông ta mặc thử bộ lễ phục! Lão phó may tinh quái đã "lấy dây xỏ mũi" ông Giuốc-đanh mà dắt đi!

Lão trưởng giả không chỉ dốt nát, ngờ nghệch bị gã phó may lừa bịp mà còn lộ rõ chân tướng một kẻ lố bịch như một con rối, một thằng hề. Phó may đã đem theo 4 thợ phụ để "hầu" ông Giuốc-đanh mặc lễ phục "đúng thể thức", mặc theo "nhịp điệu", "theo cách thức mặc cho các nhà quý phá ". Cái quần cộc đã được hai chú thợ "cởi tuột" ra! Hai thợ phụ khác đã "lột áo ngắn rồi họ mặc bộ lễ phục mới vào cho ông". Buồn cười nhất là cử chỉ, hành động của ông Giuốc-đanh: "phô áo mới", "đi đi lại lại giữa đám thợ". Càng hợm hĩnh bao nhiêu càng buồn cười bấy nhiêu: "Cởi áo, mặc áo, chân bước, miệng nói, tất cả đêu theo nhịp của dàn nhạc".

2. Sau cảnh ông Giuốc-đanh mặc lễ phục là cảnh xin tiền, moi tiền của bọn thợ phụ đi theo phó may. Cảnh này chỉ có 10 lời thoại. Mô-li-e đã giễu cợt, châm biếm thói háo danh, ưa phỉnh nịnh của ông Giuốc-đanh. Bọn thợ phụ xin tiền thưởng sau khi đã mặc lễ phục cho ông ta. Ông Giuốc-đanh giờ đây đâu còn là trưởng giả nữa. Gã đã trở thành công, bìm bịp đã hóa nên phượng hoàng rồi! Bộ lễ phục may ngược hoa đã làm cho ông ta trở nên sang trọng, trở thành quý phái có thể gia nhập tầng lớp quý tộc rồi! Vốn biết tâm lí ông Giuốc-đanh, bọn thợ phụ xúm vào tâng bốc lão trưởng giả ngờ nghệch hám danh lên tận mây xanh để
''lột", để moi tiền! Chỉ 3 tiếng "Bẩm ông lớn" chúng đã làm cho Giuốc-đanh vô cùng hả dạ: "Ông lớn ư? Ấy đấy, ăn mặc theo lối quý phái thì thế đấy!"... Rất hào phóng: "Đây, ta thưởng về tiếng "ông lớn" đây này!". Bọn thợ phụ lại tung hô: "Bẩm cụ lớn, anh em chúng tôi đội ơn cụ lớn lắm lắm". Quá cảm động, quá sung sướng, hay nhờ thầy triết dạy ngôn ngữ, dạy phát âm, dạy viết thư tình mà ông Giuốc-đanh nói rất kiểu cách: "Cụ lớn", ồ, ồ, cụ lớn!... Cái tiếng "cụ lớn" đáng thưởng lắm. "Cụ lớn" không phải là một tiếng tầm thường đâu nhé"... Bọn thợ phụ đã được "cụ lớn" thưởng! Bọn thợ phụ ranh ma lại tôn Giuốc-đanh thành "đức ông!". Hả hê lắm, khoái chí lắm, kẻ háo danh đắc chí nói, cười: Lại "đức ông" nữa! "Hà hà! Hà hà!". Thật buồn cười là khi lão Giuốc-đanh vừa móc túi lấy tiền thưởng cho bọn thợ phụ, vừa nói riêng với mình. Giuốc-đanh như vừa mê vừa tỉnh, vừa khoái chí được tâng bốc là "đức ông" nhưng cũng vừa tự biết: "Của đáng tội, nếu nó tôn ta lên bậc tướng công, thì nó sẽ dược cả túi tiền mất". Cảnh bọn thợ phụ "tôn vinh" lão trưởng giả từ "ông lớn" lên "cụ lớn" rồi trở thành "đức ông", Mô-li-e đã nâng cao dần kịch tính làm nổ ra những trận cười châm biếm thói hợm hĩnh, háo danh, ưa phỉnh nịnh, thích được tâng bốc của bọn quý tộc phong kiến lỗi thời, bọn tư sản đang lên nhưng chứa đầy ung nhọt!

Trưởng giả học làm sang

3. Cảnh ông Giuốc-đanh mặc lễ phục đã diễn ra tại tư dinh ông ta. Bên cạnh lão trưởng giả còn có gã phó may, một kẻ ranh ma bịp bợm; bọn thợ phụ giỏi hót, khéo moi tiền. Qua những nhân vật này, Mô-li-e đã châm biếm, giễu cợt và đả kích sự ngu dốt ngờ nghệch, thói háo danh vô cùng lố bịch của Giuốc-đanh, điển hình cho bọn trưởng giả học đòi quý tộc, học làm sang. Tiếng cười trong hài kịch của Mô-li-e là tiếng cười có giá trị phê phán sâu sắc, mang ý nghĩa xã hội rất tiến bộ.

Lớp 5 của hồi 2 đã khép lại bằng nhũng trận cười mà khán giả thú vị hướng về "Đức ông" xúng xính trong bộ lễ phục may ngược hoa! Chân tướng một trưởng giả học làm sang vừa ngu dốt vừa háo danh, một gã phó may láu lỉnh, bịp bợm, một bọn thợ phụ ranh ma. Một cuộc hội ngộ hiếm có đã thể hiện nghệ thuật châm biếm bậc thầy của Mô-li-e, tạo nên nhũng trận cười thoải mái cho khán giả đang hồi hộp, đang thích thú, đang suy ngẫm về những trò lố bịch của tên trưởng giả học làm sang! Ở đây, sân khấu cũng là cuộc đời!

Leave a Reply