Văn nghị luận: Trong lòng mẹ

I. Giới thiệu một vài nét về Nguyên Hồng và tác phẩm "Những ngày thơ ấu"

1. Tác giả

Nguyễn Nguyên Hồng, bút danh là Nguyên Hồng, sinh năm 1918 và mất năm 1982. Ông sinh ở thành phố Nam Định, nhưng Hải Phòng - cửa biển đã khơi dậy
và gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông. Chưa học hết Tiểu học nhưng nhờ tự học, sống từng trải và giàu tình nhân ái mà Nguyên Hồng đã trở thành một cây bút đặc sắc, độc đáo của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Tác phẩm gồm có: Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Cửa biển (4 tập) và tập thơ Trời xanh cùng nhiều truyện ngắn khác.

Nhớ Nguyên Hồng, người ta hay nhắc đến bài thơ "Cửu Long Giang ta ơi!" và 2 tác phẩm đầu tay của ông: "Bỉ vỏ", "Những ngày thơ ấu". Những rung động mãnh liệt, chân thành, những trang đời đầy mồ hôi và nước mắt vừa giàu giá trị hiện thực, vừa chứa chan tinh thần nhân đạo của trang văn Nguyên Hồng từng làm xúc động lòng người gần xa.

Trong lòng mẹ Nguyên Hồng

2. Tóm tắt tác phẩm

"Những ngày thơ ấu" là cuốn hồi kí của Nguyên Hồng. Tác phẩm chưa đầy một trăm trang, khoảng trên 2 vạn chữ, chia thành 9 chương: 1, Tiếng kèn; 2, Chúa thương xót chúng tôi; 3, Trụy lạc; 4, Trong lòng mẹ; 5, Đêm Nô-en; 6, Trong đêm đông; 7, Đồng xu cái; 8, Sa ngã; 9, Một bước ngắn.

Trang hồi kí đã ghi lại cảnh sa sút, tan nát của một gia đình thị dân ở thành phố Nam Định trong khoảng những năm hai mươi, ba mươi của thế kỉ 20. Những nỗi đau buồn của một thiếu phụ trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, một người chồng, người cha nghiện ngập, những tủi cực, cô đơn và con đường lêu lổng của một em bé mồ côi, rồi sa ngã dần. Câu chuyện cảm động được tóm tắt như sau:

"Bà nội của bé Hồng đi đạo, sinh nở 18 lần, nhưng chỉ nuôi sống được 3 người con: một trai, hai gái. Bố của bé Hồng là con thứ hai. Bố của Hồng làm cai ngục; khi bé Hồng sinh ra, có biết bao nhiêu người nhà của phạm nhân mang đến nhiều vàng bạc, lụa là, gạo thơm, gà béo, trứng mới, cá biển tươi để mừng. Vú bõ thì hả hê vì có số tốt được hầu hạ một cửa "quyền quý". Sau này, mỗi lần bà nội nhắc lại chuyện ấy "có nhiều sự cảm động lắm". Mẹ Hồng là một phụ nữ xinh đẹp, chỉ bằng một nửa tuổi của bố em. Năm Hồng lên bảy, lên tám đã hiểu biết rỗ rệt và thấm thía "sự trái ngược cay đắng" trong tình duyên của bố mẹ. Em vẫn nghe người ta bàn tán về chuyện em Quế là con của cai H. Cứ chiều chiều, khi tiếng kèn "rộn rã, tưng bừng" của toán lính khố xanh đi qua nhà, đôi mắt mẹ Hồng lại "sáng lên", gò má "ửng hồng", dắt đứa con trai bé nhỏ ra sân đón đợi "một người tầm thước, gương mặt trắng hồng, mắt sáng, sống mũi hơi cao, hai hàm răng trắng phau"... Mấy năm sau, người cai kèn đổi đi nhà ngục khác, người thiếu phụ ấy "càng bâng khuâng trong đôi mắt thẫn thờ"... Và cũng từ đấy, bố mẹ Hồng "không bao giờ nhìn thẳng vào mặt nhau"; trong con mắt, giọng nói "bao giờ cũng đượm vẻ trầm lặng, chua chát, hờn tủi".

Gia đình sa sút rồi suy sụp hẳn. Bố xin thôi nghề cai ngục, lôi bàn đèn thuốc phiện về nhà, sống âm thầm trong buồng tối. Nhiều tài sản quý giá đều bán sạch. Mẹ buôn bán thua lỗ. Năm 1927, ngôi nhà gạch 2 tầng ở phố Hàng Cau, thành phố Nam Định phải bán đi để trả nợ. Bố trụy lạc, con lêu lổng, lang thang đánh đáo để có tiền ăn quà, giao du với những trẻ bụi đời cùng khổ.

Rằm tháng tám trung thu năm sau, khi bà con hàng phố "hoan hỉ trước bàn cỗ trông trăng" thì bé Hồng và em Quế trong bộ quần sô sổ gấu, đi theo sau chiếc quan tài, cất tiếng khóc não nuột: "Cậu ơi, hư hư cậu ơi là cậu ơi!".

Bố chết chưa đoạn tang, mẹ lần hồi ngược xuôi, lúc lên Hà Nội, lúc vào Vinh, lúc xuống Hải Phòng, để vay mượn làm vốn buôn bán. Rồi mẹ chửa đẻ với người khác, tha phương cầu thực vào tận Thanh Hóa. Hồng và em Quế phải ăn chực nằm chờ ở nhà bà cô giàu có, bị bêu riếu khinh miệt, thậm chí có lần bé Hồng đã bị cô C. "vác củi tạ phang... lết chân đi không được nữa". Nhiều đêm, nhiều tháng, Hồng chỉ còn biết sống với những giấc mơ "mong manh, kì thú" của tuổi thơ.

Đêm Nô-en, với bộ quần áo chúc bâu mỏng và chiếc áo chùng thâm đã toạc vai, trong làn gió lạnh, bé Hồng cũng đến nhà thờ, em cố lách đám đông để có thể nhìn thấy bàn thờ Chúa, nhưng đã bị người ta đẩy xuống hoặc cốc lỗ đầu. Em phải ra khỏi nhà thờ, lủi thủi một mình giữa đêm khuya lạnh lẽo. Rồi những đêm đông mưa phùn, gió vi vu lạnh buốt, nằm trên cái phản trong xó nhà tăm tối của cô C. nơi Bến Gỗ, đắp cái chăn đơn mỏng ngoài trùm chiếc chiếu, bé Hồng co rúm lại, ngực đau nhói lên, trằn trọc thao thức từ gà gáy cho đến sáng. Nước mắt cứ ứa ra...

Bé Hồng sống trong cô đơn, không người chăm sốc, tâm trí lơ đãng trong giờ học. Một đồng xu cái trong túi, suốt ngày tang thang khắp các cổng chợ, vườn hoa, bến tàu,... để đánh đáo, chẳng bao lâu được bạn học và lũ trẻ bụi đời đặt cho cái biệt hiệu "Bật câu cơm", một danh hiệu mỉa mai mà Hồng không hề hổ thẹn. Càng ngày càng sa ngã. Nhiều đêm bỏ nhà đi lang thang. Một mùa hè tủi cực đã đến: bị thầy giáo đánh đập, bắt quỳ vào góc bảng hết buổi học này qua buổi học khác. Oan uổng và đau khổ. Phải bỏ học trước nhục hình cay đắng. Mùa hè năm ấy, bé Hồng 13 tuổi, phải bỏ học "khi cái bàn tay của thầy giáo đã dúi tôi vào góc tường hình phạt và không bao giờ nhấc cho tôi lên nữa. Tôi vùng đứng dậy, mê man chạy như biến ra đường" khi tiếng trống lần thứ hai bổng nổi dậy...

Trong lòng mẹ

3. Xuất xứ, ý chủ đạo

Nguyên Hồng viết "Những ngày thơ ấu" vào năm 1938, khi ông vừa tròn 20 tuổi. Đây là tác phẩm thứ hai của ông. Tập hồi kí gồm có 9 chương: 1. Tiếng kèn; 2. Chúa thương xót chúng tôi; 3. Trụy lạc; 4. Trong lòng mẹ; 5. Đêm Nô-en; 6. Trong đêm đông; 7. Đồng xu cái; 8. Sa ngã; 9. Một bước ngắn.

- "Trong lòng mẹ" là chương 4 của hồi kí "Những ngày thơ ấu".

- Nỗi đau bị sỉ nhục, nỗi buồn cô đơn và lòng thương nhớ mẹ, kính yêu mẹ của một đứa bé mồ côi bố sau hơn một thời gian dài xa cách mẹ rồi được gặp lại mẹ.

II. Cảm nhận của em về hình ảnh đứa con mồ côi trong đoạn trích "Trong lòng mẹ"

Năm 1937, trong bài thơ "Mồ côi", Tố Hữu có viết:

"Con chim non rũ cánh

Đi tìm tổ bơ vơ

Quanh nẻo rừng hiu quạnh

Lướt mướt dưới dòng mưa... "

Một năm sau, trên tuần báo Ngày nay, hồi kí ''Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng ra mắt bạn đọc. Nhân vật bé Hồng trong cuốn hồi kí cũng là một "con chim non rã cánh... ". Bố nghiện ngập, gia đình sa sút trở nên bần cùng. Bố chết chưa đoạn tang, người mẹ trẻ lại chửa đẻ với người ta, ''nợ nần cùng túng quá", phải bỏ nhà, bỏ quê vào Thanh Hóa kiếm ăn lần hồi. Bé Hồng mồ côi, bơ vơ sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng bên nội. Đến trường thì bị thầy giáo phạt quỳ một cách vô lí oan uổng; đêm Nô-en thì bị người ta hắt hủi đuổi ra khỏi Nhà thờ, em lủi thủi đi dưới làn mưa gió lạnh lẽo...

Đọc ''Trong lòng mẹ", ta bắt gặp một bé Hồng rất đáng thương, đáng yêu; trong đau khổ, trái tim thương yêu của em vẫn dành cho người mẹ một cách đằm thắm trọn vẹn.

Mồ côi bố, cái mũ trắng của bé Hồng còn ''quấn hăng đen"; mẹ tha phương cầu thực mãi chưa về. Sống trong cảnh ãn cơm chực gia dinh bên nội, chú còn bị người cô nanh ác, hiểm độc nói xấu mẹ mình. Mẫn cảm và thông minh, bé Hồng đã phát hiện ra ''những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch" của bà cô tàn nhãn. Mặc dù đã non một năm, mẹ không gửi cho một lá thư, không nhắn lời hỏi thăm, không gửi cho con một đồng quà nào. nhung trái tim của em đối với người mẹ đau khổ vẫn trọn vẹn. Bà cô cố ý gieo vào lòng ngây thơ của em "những hoài nghi" để em "khinh miệt và ruồng rẫy mẹ"... Bé Hồng là một đứa con hiếu thảo, cảm thông với cảnh ngộ "góa chồng, nợ nần cùng túng quá phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực" của mẹ mình. Em quyết không để "những rắp tâm tanh bẩn" của bà cô xâm phạm đến "tình thương yêu và lòng kính mến mẹ".

Bao nhiêu nước mắt của bé Hồng đã chảy xuống trước những lời cay độc của bà cô: "Mợ mày phát tài lắm...", "vào mà... thăm em bé chứ", mợ mày "ngồi cho con bú ở bên rổ bóng đèn..., ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi...", gặp người quen thì "quay di, lấy nón che"... Mỗi lời nói và giọng cười của bà cô đã làm cho bé Hồng vô cùng tủi nhục, đau đớn. Lúc thì em "cúi dầu xuống đất", lòng "thắt lại", khóe mắt "cay cay". Lúc thì nước mắt "ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ". Có lúc, cổ họng em "nghẹn ứ khóc không ra tiếng". Bé Hồng rất thương mẹ, em đã cảm thông với mẹ chưa đoạn tang chồng mà đã chửa đẻ với người khác. Em không trách mẹ mà "căm tức" sao mẹ vì "sợ hãi những thành kiến tàn ác" mà xa lìa đứa con thơ. Lòng thương mẹ của bé Hồng là vô cùng mãnh liệt. Càng thương mẹ bao nhiêu, em càng căm ghét, càng ghê tởm những cổ tục bấy nhiêu: "Giá những cổ tục đã đầy đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đẩu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi".

Phần đầu chương "Trong lòng mẹ", qua nhân vật bà cô độc địa, xấu xa, hình ảnh bé Hồng càng trở nên đáng yêu đáng trọng. Những dòng nước mắt của em chứa chan bao tình thương mẹ, một người mẹ đau khổ mà đôn hậu.

Đứa bé

Phần cuối chương "Trong lòng mẹ" nói lên niềm sung sướng của bé Hồng được gặp lại mẹ hiền sau một năm dài xa cách. Đến ngày giỗ đầu của bố, em chẳng viết thư cho mẹ thì mẹ cũng về. Thương mẹ nhiều, nhớ mẹ lắm, tin yêu mẹ nên bé Hồng mới có linh cảm khi "chợt thoáng thấy một hóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ" mình, liền chạy theo gọi rối rít: "Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!"... Nỗi khát khao gặp mẹ của bé Hồng khác nào người bộ hành giữa sa mạc khao khát "một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm"... Như một cảnh dào dạt niềm vui. Xe chạy chầm chậm. Mẹ cầm nón vẫy con. Con chạy kịp, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi. Vui sướng cảm động, con trèo lên xe mà "ríu cả chân lại". Mẹ kéo tay con, xoa đầu con; con "nức nở", mẹ cũng "sụt sùi". Đã bao lâu rồi bé Hồng lại được nghe lời yêu thương của mẹ hiền: "Con nín di! Mợ đã về với các con rồi mà". Bao cử chỉ thân thương trìu mến hòa quyện tình mẹ con. Mẹ "xốc nách" con lên xe, rồi lấy vạt áo nâu "thấm nước mắt" cho con. Con ngắm nhìn gương mặt mẹ. Mẹ "không còm cõi xơ xác" như người cô đã nói. Gương mặt mẹ "vẫn tươi sáng", đôi mắt mẹ "trong", "nước da mịn tàm nổi bật màu hồng của hai gò má". Một mùi "thơm tho lạ thường" phả ra từ quần áo, từ hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu của mẹ. Con vô cùng sung sướng được "đầu ngả vào cánh tay mẹ... thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt mình".

Từ miêu tả cụ thể những chi tiết, tình tiết của hai mẹ con gặp lại nhau sau một năm dài xa cách, bé Hồng với tâm hồn trong sáng ngây thơ và giàu lòng hiếu thảo, em đã thổ lộ niềm vui sướng hạnh phúc của đứa con được sống trong lòng mẹ: "Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ... mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng". Sự êm dịu ấy đã được khơi nguồn từ tình mẫu tử bao la. Câu nói ấy của bé Hồng đã đem đến cho ta nhiều chân cảm. Bé Hồng mồ côi, hiếu thảo, rất thương yêu mẹ mới dạt dào chân cảm ấy.

"Trong lòng mẹ" là những trang hồi kí cảm động. Nhân vật bé Hồng trong đau khổ xa cách mẹ, trong cay đắng khi bà cô nói xấu mẹ, trong niềm vui sướng hạnh phúc tột độ được gặp lại mẹ hiền, được mẹ vỗ về an ủi, đều sáng bừng lên một trái tim yêu thương thiết tha, chân thành, những "rung dộng cực điểm của một linh hồn trẻ dại" (Thạch Lam). Giọt nước mắt của bé Hồng là giọt nước mắt của một đứa con hiếu thảo. Trong bi kịch gia đình, bi kịch tuổi thơ, em càng thương mẹ hơn bao giờ hết.

Đoạn văn ghi cảnh bé Hồng gặp lại mẹ là hay nhất, cảm động nhất. Bé Hồng là hình ảnh đáng thương và đáng yêu của bài ca "Trong lòng mẹ".

Leave a Reply