Văn nghị luận: Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

I. Giới thiệu một vài nét về Phan Bội Châu và bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác"

1. Tác giả, tác phẩm

- Phan Bội Châu (1867-1940) biệt hiệu là Sào Nam, người làng Đan Nhiệm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử dân tộc trong mấy chục năm đầu của thế kỉ 20.

Học giỏi, giàu lòng yêu nước và có chí lớn. Năm 1900, đỗ thủ khoa (Khoa thi Hương trường Nghệ). Ông trở thành lãnh tụ của các phong trào yêu nước chống Pháp như Duy Tân, Đông Du, Việt Nam quang phục hội. Năm 1905, Phan Bội Châu dấy lên phong trào Đông Du, làm bùng lên ngọn lửa yêu nước vô cùng sâu rộng và mãnh liệt khắp mọi miền đất nước. Ông đã bí mật sang Nhật, đến Trung Quốc, Thái Lan... để gây dựng phong trào cách mạng. Năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải, đưa về nước kết án tử hình. Trước tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, chúng đưa Cụ về Huế giam lỏng. Phan Bội Châu trở thành Ông già Bến Ngự. Năm 1940, Cụ qua đời trong niềm thương tiếc vô hạn của nhân dân ta.

Trong bài "Văn tế Phan Sào Nam", nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có viết: "Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một, giữa tầng không mù cuốn mây tan; tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, dầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ".

Trong truyện kí "Những trò lố hay là Va-ren là Phan Bội Châu", Nguyễn Ái Quốc đã ca ngợi cụ Phan là "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập"...

- Phan Bội Châu còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Thơ văn của Cụ là cả một bầu nhiệt huyết, sục sôi tình yêu nước, thương dân, căm thù bè lũ cướp nước và bán nước. Thơ văn Phan Bội Châu là thơ văn tuyên truyền cổ động cách mạng, gồm có hàng trăm bài thơ, bài văn, tiêu biểu là các tác phẩm: Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử, Ngục trung thư, Trùng quang tâm sử, Phan Bội Châu niên biểu, Sào Nam thi tập,...

Phan Bội Châu

Bước sang thế kỉ XXI, mỗi con người Việt Nam chúng ta vẫn còn nghe tiếng vọng của Phan Bội Châu trong tâm hồn mình, để nêu cao ý chí tự cường:

"Nay ta hát một thiên ái quốc,

Yêu gì hơn yêu nước nhà ta.

(...) Hồn ơi! Về với giang san,

Muôn người muôn tiếng hát ran câu này:

"Hợp muôn sức ra tay quang phục,

Quyết có phen rửa nhục báo thù..."

Mấy câu ái quốc reo hò,

Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng".

1910

(Ái quốc - Phan Bội Châu)

2. Thể thơ

Bài "Cám tác vào nhà ngục Quảng Đông" của Phan Bội Châu được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật: luật bằng, vần bằng. Có 5 vần thơ, cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8: lưu - tù - châu - thù - đâu.

3. Xuất xứ

Mùa đông năm Quý Sửu (1913), Phan Bội Châu và một số đồng chí của cụ đang sống ở Dương Thành thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đô đốc Quảng Đông lúc bấy giờ là Long Tế Quang cấu kết với Toàn quyền Đông Dương đã bắt Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng, một yếu nhân của Việt Nam Quang Phục Hội nhằm giao nộp cho thực dân Pháp. Chúng xiềng tay và trói chặt đẩy hai nhà cách mạng Việt Nam vào nhà ngục tử tù.

Ngay trong đêm đầu tiên, Phan Bội Châu đã ứng khẩu một bài thơ chữ Hán để "an ủi Mai quân" và "tự an ủi mình" bằng một bài thơ chữ Nôm; sau này các nhà nghiên cứu lịch sử và văn học đặt nhan đề cho bài thơ là "Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông". Bài thơ in trong tác phẩm "Ngục trung thư" (1914) của Phan Bội Châu.

Trong "Ngục trung thư", cụ có nói:

"Làm xong hai bài thơ, tôi ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn bức vách, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục".

4. Chủ đề

"Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông" thể hiện khí phách anh hùng, tinh thần tự chủ của người chiến sĩ cách mạng trải qua bao sóng gió, mang hoài bão "kinh bang tế thế", sáng ngời niềm tin tưởng vào sự nghiệp cứu nước, coi thường mọi thử thách hiểm nguy.

II. Phân tích bài thơ "Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông" của Phan Bội Châu

Phan Bội Châu (1867-1940) là chiến sĩ cách mạng vĩ đại của dân tộc ta trong ba thập niên đầu thế kỉ 20. Năm 1913, Cụ đang hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, một ngày cuối năm, tổng đốc Quảng Đông đã bắt giam Cụ vào khám tử hình, âm mưu trao trả nhà cách mạng Việt Nam cho thực dân Pháp.

Tại nhà ngục, ngay đêm đầu tiên, Cụ viết bài thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật để an ủi, động viên mình. Nhan đề bài thơ là "Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông":

"Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Đã khách không nhà trong bốn biển.

Lại người có tội giữa năm châu.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!"

Bài thơ thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ trong cảnh tù đày nguy hiểm.

1. Câu thơ thứ nhất có 2 vế tiểu đối, điệp ngữ "vẫn" làm cho giọng thơ rắn rỏi, mạnh mẽ, khẳng định một tâm thế "hào kiệt" và "phong lưu":

"Vẫn là hào kiệt // vẫn phong lưu".

Hào kiệt là người có tài cao, chí lớn khác thường. Phong lưu có nghĩa là dáng vẻ lịch sử, trang nhã; trong văn cảnh còn biểu lộ một phong thái ung dung tự tại và thanh cao. Câu thơ thứ hai, tác giả xem nhà ngục quân thù như một "bến đậu" sau những tháng ngày "chạy mỏi chân", hoạt động sôi nổi, trải qua muôn vàn gian truân thử thách:

"Chạy mỏi chân thì hãy ở tù".

Sau gần 10 năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước (1905-1913), Phan Bội Châu lúc hoạt động ở Nhật, lúc sang Thái Lan, lúc ở Trung Quốc. Bốn tiếng "thì hãy ở tù" nói lên một thái độ chủ động, bình tĩnh trước tai ương thử thách. Hai câu đều biểu thị một cốt cách kẻ sĩ anh hùng.

Nhà tù Quảng Đông

2. Hai câu trong phần thực nói lên cảnh ngộ của một chiến sĩ cách mạng trong cảnh nước mất nhà tan, phải sống lưu vong nơi xa lạ (khách không nhà), lại bị tù tội. Đó là bi kịch lịch sử mà Phan Bội Châu và hàng nghìn chiến sĩ cách mạng tiền bối đã trải qua. Hai câu 3, 4 đối nhau làm nổi bật tinh thần hi sinh xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc, một chí lớn tung hoành trên một không gian địa lí mênh mông: "năm châu", "bốn bể":

"Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu".

Hai mươi bảy năm sau (1940), trước lúc qua đời, ý thơ trên đã được nhắc lại như một nỗi niềm đau đớn:

"Những ước anh em đầy bốn bể,

Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian".

(Từ giã bạn bè lần cuối cùng)

3. Hai câu 5, 6 trong phần luận thể hiện niềm tự hào về tài kinh bang tế thế (bồ kinh tế) giúp nước giúp dân, làm nên sự nghiệp lớn. Mối thù đối với lũ thực dân cướp nước và bọn phong kiến tay sai (cuộc oán thù) không bao giờ nguôi, quyết "cười tan", rửa sạch:

"Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù".

Các từ ngữ hình ảnh: "bủa tay ôm chặt", "mở miệng cười tan" nói lên một tư thế hào hùng, một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi, sẵn sàng xả thân vì một lí tưởng cách mạng cao cả: giúp đời, cứu nước.

Nghệ thuật đối làm cho giọng thơ thêm đĩnh đạc hào hùng. Hình ảnh kì vĩ, các động từ gợi tả, (ôm chặt, cười tan) đã dựng nên bức chân dung tinh thần của một trang anh hùng hào kiệt trong cảnh tù đày nguy hiểm vẫn lạc quan, bất khuất.

4. Hai câu trong phần kết khẳng định một niềm tin mạnh mẽ, biểu lộ một khí phách hiên ngang. Tin mình vẫn tồn tại "vẫn còn", sự nghiệp cứu nước, cứu dân là chính nghĩa đang mở rộng ở phía trước. Chữ "còn" điệp lại hai lần, giọng thơ thêm hùng hồn, niềm tin tưởng lạc quan thêm chói sáng:

"Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu".

Đang bị gông cùm trong nhà ngục tử tù, là nguy hiểm. Nay mai phải bước ra pháp trường, là nguy hiểm... "Bao nhiêu nguy hiểm" máu chảy đầu rơi, thịt nát xương tan, nhưng đối với Phan Bội Châu thì "sợ gì dâu". Tnrớc vòng nguy hiểm vẫn hiên ngang thách thức, vẫn bất khuất, kiên cường: "Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu". Phan Bội Châu đã thể hiện một tâm thế "uy vũ bất năng khuất" của nhà cách mạng chân chính.

"Cảm tác vào nhà ngục Quang Đông" đã thể hiện những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ vĩ đại: giàu lòng yêu nước, hiên ngang, bất khuất, lạc quan trong tù đầy nguy hiểm. Bài thơ có ngôn từ trang trọng, giọng điệu mạnh mẽ hùng hồn làm hiện lên bức chân dung tinh thần tự họa của "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng" như Nguyễn Ái Quốc đã ca ngợi.

"Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông" là viên ngọc quý trong thơ văn Phan Bội Châu, một khúc tráng ca anh hùng của nền thơ văn yêu nước và cách mạng Việt Nam.

Leave a Reply