Văn nghị luận xã hội: Nói lên suy nghĩ của em về cách sống, cách ứng xử có ý tứ

Một người sống đẹp, sống văn minh lịch sự luôn luôn có cách sống, cách ứng xử tế nhị, có ý tứ.

Vậy ý tứ là gì? Ý tử là sự cẩn thận, cẩn trọng trong cử chỉ, lời nói, tránh những sơ suất xảy ra làm cho người khác hiểu lầm. Trong quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, bất cứ ai cũng phải biết giữ gìn ý tứ, ăn nói có ý tứ, không thể buông tuồng, bất cần, bất cẩn.

Rèn luyện văn hóa ứng xử

Tại sao phải sống có ý tứ? Người có nhân cách, có tư cách, biết tự trọng, biết tôn trọng người khác mới biết giữ gìn ý tứ trong ứng xử, trong cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói. Phải biết xấu hổ trước những sơ suất, trước những hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ của mình như vô lễ, thiếu nhã nhặn, suồng sã, lấn át để tranh lợi, để cướp lời. Sống văn minh, lịch sự, nêu cao đạo lí, thuần phong mĩ tục nên phải có ý tứ. Ăn nhai nói nghĩ; biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe; gọi: dạ, bảo: vâng,... - là có ý tứ. Xây dựng nền văn hoá mới, con người mới cần biết sống có ý tứ. Ở trong gia đình, trên thì có ông bà, cha mẹ, dưới thì có anh em chị em, các con các cháu phải sống có ý tứ để giữ gìn nếp nhà, phát huy gia phong tốt đẹp. Ở nơi công cộng như trường học, hội trường, thư viện, công viên, siêu thị, bến đò, bến xe,... ai cũng phải, ai cũng nên ứng xử có ý tứ, nêu cao văn minh, lịch sự.

Sống có ý tứ phải như thế nào? Phải chín chắn, lễ phép, không vội vàng, chen lấn, hấp tấp. Lúc nói năng phải biết trên kính, dưới nhường, không ăn nói cộc lốc mà phải biết "thưa, gửi". Phong cách nho nhã, thư thái được nhiều người quý trọng, ngợi khen.

Không nói cười ầm ĩ nơi công cộng, không nói tục chửi bậy, biết giữ gìn vệ sinh, trật tự, không phóng uế, không xả rác bừa bãi,... là có ý tứ.

Con nhà gia giáo, đi học, đi học về, có khách đến nhà (dù quen hay lạ) phải biết chào, hỏi, phải lễ phép, ân cần, lịch sự. Nói năng với thầy cô giáo phải lễ phép, với bạn học phải thân mật, chan hoà, với người lạ phải cẩn trọng, phải có ý tứ. Những tiếng như : "xin cảm ơn, xin lỗi..." cất lên phải đúng lúc, với cách nói nhẹ nhàng, là biểu thị cách sống có ý tứ.

Ứng xử

Trên xe buýt có bản nội quy ghi rõ một số điều nhắc nhở hành khách: không nói to, không hút thuốc lá, giữ vệ sinh, nhường chỗ cho người già, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ có thai,v.v... Hành khách có ý tứ đều thực hiện đúng bản nội quy ấy.

Sống có ý tứ đâu phải chuyện nhỏ nhặt, dễ làm, cần chi phải quan tâm. Nghĩ như thế là nông nổi, sai lầm. Tuổi trẻ chúng ta cần phải biết tu dưỡng tư cách nhân cách, biết sống đẹp, nên phải sống có ý tứ, phải biết coi trọng ý tứ, biết thể hiện ứng xử văn minh, lịch sự, nêu cao tinh thần tự trọng và biết tôn trọng.

Leave a Reply