Văn tự sự - “Mộ mã” trong vườn bà

Trong vườn bà có một ngôi mộ xây, bà gọi là "mộ mã”. Anh Thìn và chị Lý con bác Thắng cho tôi biết đó là "mộ ngựa ”. Ngôi mộ ấy được xây cất từ năm 1995. Xung quanh ngôi mộ, bà trồng nhiều hoa: hoa tứ thời tím biếc, hoa mào gà đỏ tía, hoa cúc vàng tươi. Còn có một cây dành dành. Đầu tháng nào, bà cũng thắp hương và đặt lên mộ một bát cháo hoa và một đĩa muối trắng.

Đã có lần bà kể cho tôi và các em Phú, Nghĩa, Hương, Ngọc năm đứa cháu nội, ngoại của bà đang học Tiểu học và Trung học cơ sở nghe về chuyện "mộ mã".

con ngựa chở gỗ

... Nãm 1952, ông nội tôi 18 tuổi, đi lính Cụ Hồ. Ông đã đi chiến dịch Trung du, chiến dịch Hoà Bình, chiến dịch Tây Bắc và dự trận Điện Biên. Trên bàn thờ còn ảnh của ông, ông mặc áo trấn thủ, và di vật của ông: Huân chương chiến sĩ vẻ vang và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Năm 1958, ông tôi xuất ngũ, trở về quê làm ruộng. Bà nội tôi xây dựng gia đình với ông nội tôi từ năm 1955.

Về phục viên, ông nội tôi được một người bạn giúp đỡ làm nghề xe ngựa chở hàng, chở khách từ thị trấn đi về chợ Dâu, chợ Bùi trong các ngày chợ phiên.

Phía sau làng tôi là cầu Tào bắc qua sông Hoài. Có núi Sọc, núi Trâu, có đồi Yên Ngựa. Thời chống Mỹ có nhiều trận địa pháo cao xạ và tên lửa của bộ đội ta chốt ở đấy. Mỗi tuần ba chuyến, ông tôi chở rau, chở bột mì, chở gạo cho bộ đội. Có lúc chở bệnh binh và thương binh vào bệnh viện dã chiến trong đồi thông cách xa bãi pháo gần năm cây số. Ông tôi và con ngựa tía trở thành “người nhà ” của đơn vị pháo binh. Có đêm, ông tôi và con ngựa chở gỗ, đá phục vụ xây dựng công sự chiến đấu trong khói lửa bom đạn mịt mù.

Năm 1972, ông tôi bị thương, bom giặc tiện đứt chân trái. Ông phải nằm bệnh viện Quân y hơn một tháng. Con ngựa ngẩn ngơ buồn. Có nhiều hôm nó bỏ ăn. Dạo ấy, chiến sự diễn ra ác liệt lắm. Có ngày, máy bay Mỹ đến ném bom cầu Tào, bến phà nãm đến sáu lần. Bộ đội ta đã bắn cháy năm máy bay, bắn rơi hai máy bay và bắt sống hai tên giặc lái. Xóm thôn rừng rực lửa đạn. Bà đã thay ông cùng con ngựa vẫn đều đặn chở rau, chở lương thực, chở thương binh, liệt sĩ. Bộ đội ta đã có 16 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, 21 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong những cuộc đấu pháo dữ dội, ác hệt với máy bay giặc Mỹ.

Mộ mã” trong vườn bà

Có một đêm khuya, con ngựa cứ hí lên, hí lên mãi. Gần sáng, xe cứu thương quân đội đưa ông từ bệnh viện về. Ông vịn vai bà, rồi đi đến chỗ con ngựa. Ông ôm lấy cổ con ngựa, vuốt ve nó. Con ngựa vẫy đuôi rối rít. Nó ngửi người ông, ngửi tay chân ông. Nó cúi cả đầu vào chân trái của ông mãi. Nó hí lên như chia sẻ nỗi đau với ông, bà...

Sau năm 1975, có người khuyên ông bà tôi nên bán con ngựa tía đi, vì nó đã già, nhưng ông bà nhất định không bán. Ông nói: "Nó là con ngựa tình nghĩa. Tôi được công nhận là thương binh. Nó đã tham gia phục vụ chiến đấu có kém gì vợ chồng tôi...”. Ông bà chăm sóc, vỗ về nó. Ông đã được lắp chân giả. Con ngựa tía vẫn cùng ông chở hàng, chở khách đi chợ phiên hết ngày này qua tháng khác.

Năm 1994, ông tôi mất sau một trận ốm kéo dài gần 2 tháng. Ngày ông qua đời và sau đó nhiều ngày, con ngựa cứ hí lên; tiếng hí kéo dài như tiếng khóc. Chỉ một tháng sau, con ngựa bỏ ăn, bỏ uống, nằm chết ở góc sân.

Bà tôi rụng rời chân tay, bà khóc thương con ngựa như khóc thương một người ruột thịt. Bác Thắng, cô Xuyến, bố mẹ tôi và cả đàn cháu nhỏ cứ bần thần, thương tiếc con ngựa tình nghĩa. Con cháu của ông bà đã mai táng con ngựa tía trong vườn. Năm 1995, “mộ mã” đã được xây cất trang trọng. Ngày 15 tháng 10 ta là ngày giỗ ông nội, thì ngày 10 tháng 11 ta, bà và bác Thắng lại làm giỗ “ông mã". Bà vẫn nhắc các cháu: '"Tiền xây dựng lại ngôi nhà ngói năm gian này là do công sức của ông mã đấy! Bà cháu ta đừng bao giờ quên... ”.

Hè nào, tôi cũng về thăm bà và ở chơi một tháng. Tôi vẫn theo bà ra thắp hương lên “mộ mã”. Có nhiều đêm mưa, tôi chợt tỉnh giấc và mơ hồ nghe tiếng ngựa hí từ góc vườn vọng vào...

Leave a Reply