Vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở và vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của con sông Đà qua tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

- Vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở

+ Những quãng sông dựng vách thành phía thượng nguồn “chẹt lòng sông như một cái yết hầu khiến dòng nước phải xoáy vào “ruột đất” mà chảy - hẹp và sâu tới mức ánh mặt trời không chiếu xuống được, trừ lúc đúng ngọ. Người ngồi đò qua đấy đang giữa trưa mùa hè cũng thấy lạnh! Khi lòng sông đột ngột mở ra, dòng nước lại tạo thành những mặt ghềnh: “Hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm...”.

Vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở và vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của con sông Đà

+ Những xoáy nước rải rác trên mặt sông Đà nguy hiểm, chênh vênh như “con đường mượn cạp ra ngoài bờ vực”. Sức mạnh ghê gớm của dòng nước xoáy được nhà văn lột tả bằng hàng loạt hình ảnh so sánh và các thủ pháp của điện ảnh. Đây là hình ảnh của một con thuyền không may bị xoáy nước hút tụt xuống lòng sông: “thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới lại thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Còn đây là tưởng tượng về một người quay phim táo tợn: ngồi trên thuyền thúng tuột xuống đáy hút nước, lia ngược ống kính thu lấy hình một cái giếng khổng lồ, thành giếng xây toàn bằng “nước sông xanh ve một áng thuỷ tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem”...

+ Hùng vĩ và dữ dội nhất trên dòng chảy sông Đà vẫn là những thác đá. Từ xa, nó đã đe doạ người lái đò bằng những âm thanh cuồng nộ như tiếng cả ngàn con trâu mộng đang gầm thét giữa rừng tre nứa nổ lửa, “rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Đến gần, thấy trước mắt bày ra “cả một chân trời đá” - mà mặt đá nào trông cũng nhăn nhúm, méo mó, hung tợn... Bãi đá ngầm được nhà văn miêu tả như một thạch trận dàn bày công phu, khéo léo với ba trùng vây kiên cố. Mỗi trùng vây đều được thần sông thần đá “thiết kế’ theo một sơ đồ riêng, giao phó cho nhiệm vụ riêng. Hàng tiền vệ chỉ có hai tảng đá canh cửa “trông như là sơ hở” đề lừa dụ con thuyền vào sâu thạch trận... Tuyến giữa đón đánh trực diện, trong khi tuyến đầu vòng lại phối hợp để “đánh khuýp vu hồi”. Trùng vây cuối cùng kiên cố nhất gồm “những boong- ke chìm và pháo đài đá nổi” sẽ tiêu diệt con thuyền cùng tất cả thuyền trưởng và thuỷ thủ nếu nó lọt khỏi hai vòng vây trước... Sông Đà hiện lên như một loài thuỷ quái khổng lồ “độc dữ và nham hiểm”...

- Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng:

Vóc dáng mềm mại của dòng sông Đà

+ Vóc dáng mềm mại của dòng sông Đà được nhà văn vẽ nên bằng ngôn ngữ văn xuôi giàu cả chất thơ, chất nhạc và chất hoạ: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”... Từ đỉnh trời Tây Bắc, áng tóc mun huyền thoại “dài ngàn ngàn, vạn vạn sải” ấy nối liền những khoảng không gian mênh mông của đất nước...

+ Nguyễn Tuân phát hiện sắc màu riêng của mặt nước sông Dà. Nhà văn khẳng định rằng, nước Đà giang chưa bao giờ den “như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lêu”. Trái lại nước sông Đà vào mùa xuân trong trẻo xanh một “dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gấm, sông Lô”. Mùa hạ, dòng chảy chở nặng phù sa lại “lừ lừ chín đỏ...” xuôi về bồi đắp cho một dải đồng bằng... Nhiều quãng nước sông Đà êm đềm, thơ mộng - ngập trong “nắng Đường thi” và rợp cánh chuồn chuồn, bươm bướm - đẹp tới mức khiến người ta muốn nổi hứng “đề thơ vào sông nước”...

+ Những triền sông im vắng, nguyên sơ như thời tiền sử, như “nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Khung cảnh nơi đây dường chưa từng đổi thay từ thuở khai thiên lập địa tới giờ. Thuyền trôi qua những quãng sông này như thể lạc vào một thế giới thần tiên “Mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm... Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi”... Sông Đà thơ mộng, tình tứ gợi lên trong lòng người cảm giác đằm đằm, âm ấm như được gặp lại cố nhân sau bao ngày xa cách...

Qua ngòi bút Nguyễn Tuân, dòng sông Đà hiện lên như một sinh thể sống, có tính cách, có tâm hồn - vừa hung bạo, dữ tợn vừa hiền hoà, đằm thắm. Hai nét “tính cách” tương phản ấy đan xen, hài hoà tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho hình tượng sông Đà.

Leave a Reply