Anh (chị) phân tích bải thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

Thu Hà Nội, hồn thu Thăng Long từng để thương để nhớ vơi đầy trong lòng bao người đã bao lâu nay. Một dáng liễu Cổ Ngư, một tiếng chuông Trấn Vũ, một "mặt gương Tây Hồ", một màu vàng "hồn thu thảo", một ánh trăng thu Cổ thành... tất cả đã "hóa tâm hồn" mỗi chúng ta:

"Trăng ơi đừng bỏ Kinh thành

Hồn cố đô vẫn thanh bình như xưa".

("Trăng Kinh thành")

Thu Hà Nội đẹp, một vẻ đẹp mơ màng, thơ mộng man mác bâng khuâng. Thu li biệt Hà Nội trong thơ Nguyễn Đình Thi nửa thế kỉ trước cứ vương vấn mãi hồn ta:

"Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"...

Hồn cố đô vẫn thanh bình như xưa

1. Đoạn thơ gợi lên một nét thu Hà Nội trong tâm hồn "người ra đi" - một khách chinh phu của thời đại mới. Cấu trúc đoạn thơ là từ cảm xúc thu hiện tại mà "nhớ" những ngày thu đã xa, một mùa thu li biệt Kinh thành ngàn năm. Hai câu thơ mở đầu bài thơ "Đất nước", Nguyễn Đình Thi xúc động nói lên cái hồn thu đất nước muôn đời:

"Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới"

Những buổi sáng mùa thu, thu năm xưa cũng như thu hiện tại, không khí trong lành, bầu trời trong xanh, không một gợn mây, thoáng đãng, mênh mông, bao la "xanh ngắt mấy từng cao" (Nguyễn Khuyến). Gió thu nhè nhẹ thổi mát hồn người và lòng người, ai cũng cảm thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng, lâng lâng. Chỉ 2 chữ "mát trong" mà nhà thơ đã nhận diện vẻ đẹp của sắc thu, khí thu và hồn thu muôn đời của đất nước. Câu thơ thứ nhất là một so sánh rất gợi: "Sáng mát trong như sáng năm xưa". Đất nước trải qua những năm dài chiến tranh, bao mùa thu đã trôi qua, nhưng đất nước vào thu vẫn "mát trong", vẫn đẹp như thế ! Đất nước bền vững muôn đời nên thu vẫn đẹp muôn đời.

Câu thơ thứ hai nói lên hương thu của đất nước: "hương cốm mới". Gió thu thổi qua những cánh đồng, mang theo hương "lúa nếp thơm nồng", "hương cốm mới" phả vào lòng người, ủ ấp hồn người cái hương vị quyến rũ, đậm đà của quê hương xứ sở. Câu thơ cho thấy chất tài hoa, chất Hà Nội trong hồn thơ Nguyễn Đình Thi. Có lẽ lần đầu tiên "hương cốm mới" hiện diện trong thơ ? Trong văn xuôi, Thạch Lam và Vũ Bằng đã viết rất thơ về cốm Vòng Hà Nội. Cốm là "thức quà riêng của đất nước", là "thức quà thanh nhã và tinh khiết". Trong cốm có "cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc"...

("Hà Nội 36 phố phường", 1943, Thạch Lam)

Với Vũ Bằng, trong những năm dài đất nước bị chia cắt, cùng với nỗi buồn của kẻ xa xứ là nỗi buồn nhớ Bắc Việt, nhớ Hà Nội - quê mẹ mến yêu. Suốt đêm ngày năm tháng, nỗi thương nhớ như trải dài, như dồn tụ lại thành "Thương nhớ mười hai". Mùa thu chớm đến, ông ao ước "Không biết đến bao giờ mới lại được nghe thấy hơi may về với hoa vàng" ? Ông khắc khoải tự hỏi: "Mà ở đâu đây có cái hương thơm gì mà dìu dịu thế ?". Ông nhớ khôn nguôi "hương lúa ba giăng". Ông nhớ day dứt cái vị "thơm ngọt ngào mùi chuối trứng cuốc ngon lừ !". Quân thù nào có thể chia cắt được đất nước, có thể làm vơi cạn, khô kiệt được nỗi nhớ ấy ? Qua đó, ta cảm nhận được "hương cốm mới" trên trang văn của Thạch Lam, của Vũ Bằng, trong thơ Nguyễn Đình Thi là nét đẹp của mùa thu đất nước, là hồn thu Thăng Long - Hà Nội mến yêu.

2. Ba câu thơ tiếp theo nhắc lại nỗi nhớ "những ngày thu đã xa", buổi đầu thu "trong lòng Hà Nội". Cảm xúc dồn nén, hoài niệm rung lên như dây tơ của cây nguyệt cầm với bao man mác:

"Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may".

"Những ngày thu đã xa" là những ngày thu giã biệt Hà Nội, ra đi vì nghĩa lớn, vì đất nước và dân tộc thân yêu. Cuộc giã biệt ấy đã để lại trong lòng nhà thơ bao nỗi nhớ. "Nhớ" cái "chớm lạnh" buổi đầu thu, cái lạnh se sắt của gió thu hiu hiu. Hai chữ "chớm lạnh" buổi đầu thu, cái lạnh se sắt của gió thu hiu hiu. Hai chữ "chớm lạnh" rất tinh tế trong gợi tả và biểu cảm, vừa diễn tả cái lành lạnh những buổi sáng sớm đầu thu, vừa thể hiện chất xúc giác trong cảm nhận. Trong hơi may lành lạnh còn có âm thanh "xao xác" của lá thu bay trong gió, nhẹ cuốn trên hè phố, trong lòng đường của "những phố dài" Hà Nội. Từ láy "xao xác" là tiếng thu, của lá vàng rơi, của những nhánh cây khẽ rùng mình trong hơi may "chớm lạnh" mà thi sĩ Xuân Diệu đã từng xúc động:

"Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh"

("Đây mùa thu tới")

Thu xưa trong thơ, mùa thu Hà Nội thấm bao nỗi buồn man mác, bâng khuâng. Thoáng buồn trong "xao xác hơi may" của lá thu bay, của "mái buồn nghe sấu rụng" (Chính Hữu). Chỉ bằng một vài nét vẽ, một vài chi tiết nghệ thuật về những ngày thu Hà Nội "những ngày thu đã xa", trong đó có cái "chớm lạnh" của hơi may cảm được, có cái "xao xác" của lá thu bay nghe được, Nguyễn Đình Thi đã để lại trong lòng mỗi chúng ta cái hồn thu Kinh thành văn hiến ngàn năm. Phải là người tài hoa, mang tình yêu sâu nặng đối với Hà Nội mới viết được những vần thơ hàm súc, đẹp mà buồn như thế. Đoạn thơ ấy đã được khơi nguồn cảm hứng từ bài thơ "Sáng mát trong như sáng năm xưa"(1948), hoài niệm trào dâng, đồng hiện trong một không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật đầy ấn tượng:

"Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em

Gió thổi mùa thu vào Hà Nội

Phố dài xao xác hơi may

Nắng soi ngõ vắng

Thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy".

Trăng ơi đừng bỏ Kinh thành

3. Hai câu cuối đoạn thơ thể hiện tâm trạng người ra đi từ ngày thu ấy. Giọng thơ lẳng lặng buồn:

"Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy".

"Người ra đi" theo tiếng gọi của Non Sông, "lên chiến khu"? "Người ra đi mang theo bao kỷ niệm sâu sắc về mùa thu Hà Nội.". "Hương cốm mới", cái "chớm lạnh" trong "hơi may" buổi đầu thu, cái "xao xác" của lá me, lá sấu bay trong "những phố dài" Hà Nội đã trở thành hành trang, đã trở thành kỉ niệm sâu sắc, thân thiết. "Người ra đi" ôm "chí nhớn" của một "li khách" với quyết tâm "đầu không ngoảnh lại"! Câu thơ "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" là một câu thơ thật hay. Có màu vàng nhạt của nắng thu, có sắc vàng tươi của lá thu đã "rơi đầy", đã trải dài trải rộng trên thềm phố. Câu thơ chứa đầy tâm trạng. Tác giả đã lấy ngoại cảnh, lấy nắng thu, lá thu để gợi tả tình lưu luyến. Ra đi với quyết tâm "đầu không ngoảnh lại" nhưng vẫn cảm nhận được "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" với bao tình lưu luyến, nhớ thương. Vì thế, trải qua bao năm tháng, bao mùa thu trôi qua, đến "mùa thu nay...", "tôi đứng vui nghe giữa núi đồi" mà vẫn bâng khuâng "nhớ những ngày thu đã xa". Nhớ thu xa cũng là nhớ Hà Nội, nhớ ngày giã biệt ra đi... Mọi cuộc lên đường đều đáng nhớ. Quên sao được Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội mến yêu ! Quên sao được Hồ Tây, Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, Ô Chợ Dừa... "đi học về qua luôn hát vui ca". Người chiến sĩ từ mọi chiến trường mà nhớ về Hà Nội với tất cả niềm yêu thương tự hào:

- "Từ thuở mang gươm đi giữ nước

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long"

(Huỳnh Văn Nghệ)

- "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".

(Quang Dũng)

- "Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa

Cả Đô thành nghi ngút cháy sau lưng..."

(Chính Hữu)

Đoạn thơ trên đây là phần đầu bài "Đất nước", một bài thơ đặc sắc nhất của Nguyễn Đình Thi. Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của tác giả. Cảm xúc dồn nén, hình ảnh và ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Các chi tiết nghệ thuật rất gợi khi nói về thu Hà Nội. Mùa thu "ra di", mùa thu giã biệt... Nét thu Hà Nội đẹp mà buồn, man mác trong hoài niệm cũng là hồn thu muôn đời của đất nước. Một cái "chớm lạnh" đầu thu. Một cái "xao xác" của lá thu rơi, một mùi "hương cốm mới" được làn gió thu mang theo và tỏa rộng trong không gian, thấm sâu vào hồn người. Một màu vàng tươi, vàng nhạt của nắng, của là thu rơi đầy thềm... làm ta vương vấn mãi.

Thơ đích thực làm phong phú, thanh cao tâm hồn. Đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi đem đến cho ta một tình yêu đẹp: yêu Hà Nội mến yêu!

Leave a Reply