Bàn về một đức tính tốt đẹp mà em đã và đang rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi: Trách nhiệm và ý thức trách nhiệm

Muốn làm chủ bản thân, chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trách nhiệm.

Có biết làm người, biết sống đẹp mới có ý thức trách nhiệm. Trách nhiệm là phần việc được giao cho hoặc coi như việc được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. Ý thức trách nhiệm thể hiện tinh thần tự giác, sự quan tâm, lo lắng đến công việc được giao, đến kết quả của công việc sẽ làm hoặc đang làm. Trái với ý thức trách nhiệm là thói vô trách nhiệm, là thái độ phó thác, được chăng hay chớ.

Trách nhiệm

Tuổi học trò phải có ý thức trách nhiệm, coi việc học là học cho bản thân để tự giác, để siêng năng học hành tiến tới, cùng bạn hữu vươn lên, trở thành con ngoan, trò giỏi, học sinh xuất sắc, làm vui lòng bố mẹ và thầy cô giáo.

Học trò tốt, học trò gương mẫu mới có ý thức trách nhiệm cao. Ở nhà phải tự giác, phải biết lấy làm vui thích làm tốt một số công việc như quét nhà, lau bàn ghế, sắp xếp màn, chăn, gối, phụ một số việc bếp núc, dọn cơm, rửa bát,... giúp bố mẹ, giúp ông bà. Đến lớp, hôm nào đến phiên trực nhật phải đi sớm để cùng các bạn tổ, trong nhóm học tập quét lớp, kê lại bàn ghế, giặt giẻ và lau bảng, biết làm tròn, làm tốt những công việc mà thầy cô giáo đã phân công. Không thể né tránh, đùn đẩy, không thể làm một cách miễn cưỡng. Nếu thiếu trách nhiệm, vô trách nhiệm sẽ bị thầy, cô giáo phê bình, sẽ bị bạn học cười chê!

Ông bà, bố mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cháu: hiếu thảo, hiếu học, siêng năng, lễ phép, thật thà... Thầy, cô giáo phải yêu thương học trò, có trách nhiệm cao dạy tốt, sống gương mẫu.

Công dân nào cũng vậy, là người thợ, người dân cày, là bác sĩ, kĩ sư, là người lính, là cán bộ, viên chức,... cho đến ông Tổng bí thư, ông Chủ tịch nước, vị Thủ tướng, ngài Bộ trưởng,... ai cũng phải nêu cao ý thức trách nhiệm nêu cao tinh thần vì nước vì dân.

Nguyễn Trãi (1380-1442) vị anh hùng dân tộc thuở "bình ngô", nhà thơ lớn của Đại Việt trong thế kỉ XV, đã từng tâm niệm:

"Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông"

(Ức Trai thi tập)

Bui (tiếng cổ) nghĩa là chỉ có. Ưu ái: ưu quốc, ái dân, nghĩa là lo nước, yêu dân; lòng ưu ái ấy vô cùng mãnh liệt như nước thủy triều trên biển đông cuồn cuộn suốt đêm ngày. Có ý thức trách nhiệm cao vì nước vì dân nên mới có lòng ưu ái ấy.

Hồ Chủ tịch khuyên cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân:

"Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm,

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".

Nhưng đâu phải cán bộ, đảng viên nào cũng thực hiện đúng lời khuyên của Hồ Chủ Tịch. Cũng có vài cán bộ, đảng viên hư hỏng, bọn tham nhũng không làm đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch, không nêu cao ý thức trách nhiệm vì nước vì dân, chúng chỉ vơ vét để vinh thân phì gia.

Trách nhiệm của mỗi chúng ta

Nói đến đạo đức là nêu cao ý thức trách nhiệm.

Sống với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao sẽ được cộng đồng quý trọng, được nhân dân kính trọng.

Học sinh chúng ta cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong học tập và lao động, để trở thành một tấm gương sáng dưới mái trường thân yêu.

Leave a Reply