Cảm nhận nét đặc sắc của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)

Trong số những cây bút nặng tình nặng nghĩa với mảnh đất Nam Bộ ta không thể không kể đến nhà văn Nguyễn Thi. Ông là nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam thời chống Mĩ. Cùng viết về quê hương con người Nam Bộ, nếu Đất (Anh Đức) viết về cuộc đấu tranh chống “ấp chiến lược” thì Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) miên man theo dòng hồi tưởng của Việt khi bị thương ở chiến trường. Truyện ngắn này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc với những đặc sắc riêng.

Cảm nhận nét đặc sắc của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

Những đứa con trong gia đình là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Thi rút từ tập truyện và kí (1978). Tuy sự nghiệp sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều chân thành và đằm thắm. Những đứa con trong gia đình là một trong những truyện ngắn như thế. Ra đời trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, tác phẩm như một lời khẳng định hùng hồn, đanh thép cho chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc. Truyện có nhiều đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật, cho nên nó hấp dẫn và lôi cuốn người đọc không chỉ ở ý nghĩa, nội dung tư tưởng câu chuyện mà còn ở hình thức truyện ngắn Nguyễn Thi.

Trước hết, nghệ thuật là một trong những đặc sắc không thể thiếu của Những đứa con trong gia đình. Nhờ yếu tố này, tác phẩm của Nguyễn Thi khác với các tác phẩm cùng thời, cùng viết về cuộc chiến tranh, cùng viết về người dân Nam Bộ như Đất của Anh Đức, Rừng xà nu (Nguyền Trung Thành).

Đầu tiên Nguyễn Thi đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Tình huống truyện là vấn đề cốt lõi của truyện ngắn, có vai trò quan trọng trong tác phẩm tự sự mà qua đó người đọc có thể hiểu thêm về tính cách, số phận nhân vật, hé mở chủ đề tư tưởng tác phẩm. Trong Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi đã xây dựng câu chuyện của người giải phóng quân tên Việt và anh bị rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt: Trong một trận đánh Việt bị thương nặng phải nằm lại chiến trường, nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại, đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy xác anh. Tình huống truyện độc đáo dẫn đến cách trần thuật riêng của tác phẩm: Câu chuyên phát triển theo dòng hồi ức, hồi tưởng của nhân vật Việt. Đó là tình huống tâm trạng phù hợp với nét cá tính của Nguyễn Thi.

Bên cạnh đó, đặc sắc nghệ thuật của Những đứa con trong gia đình còn ở nghệ thuật trần thuật mới mẻ hấp dẫn. Theo lí thuyết trần thuật trong văn học, thường có 3 loại trần thuật: trần thuật theo ngôi thứ ba người kể chuyện tự giấu mình, trần thuật theo ngôi thứ nhất nhân vật tự kể chuyện và trần thuật theo ngôi thứ ba người trần thuật tự giấu mình nhưng điểm nhìn và lời kể lại theo giọng điệu của nhân vật. Nếu trong văn học trung đại, vấn đề nghệ thuật trần thuật không mấy khi được chú trọng thì trong văn học hiện đại đây là yếu tố góp phần làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm tự sự. Nhận thức được điều đó. Nguyễn Thi đã rất thành công trong việc sử dụng nghệ thuật trần thuật. Viết về một đề tài quen thuộc song câu chuyện ấy vẫn trở nên mới mẻ, hấp dẫn vì được kể bằng tấm lòng, ngôn ngữ và giọng điệu riêng của nhân vật. Điều độc đáo là ở chỗ Nguyễn Thi đã lựa chọn điểm nhìn trần thuật qua dòng hồi tưởng của nhân vật Việt làm tăng hiệu quả thẩm mĩ cho tác phẩm. Theo dòng hồi tưởng ấy mọi chi tiết hiện lên đậm đà màu sắc trữ tình tự nhiên, sống động. Điều này tạo điều kiện cho nhà văn thâm nhập vào thế giới nội tâm nhân vật để dẫn dắt câu chuyện, làm diễn biến câu chuyện linh hoạt, không bị phụ thuộc vào thời gian, không gian thông thường. Cách kể chuyện này khiến người đọc nhớ tới Chí Phèo của Nam Cao, tác phẩm cũng được nhà văn không kể theo trình tự thời gian, không gian, song điểm độc đáo của Nguyễn Thi là ở chỗ: Nhà văn đã đặt nhân vật của mình vào tình huống bi thương, miên man, suy nghĩ về mọi việc khiến cho câu chuyện tự nhiên. Xét về quy luật lô gích thì thật phi lí nhưng nếu xét về quy luật tâm lí thì thật hợp lí. Nguyễn Thi đã dẫn dắt câu chuyện qua nhiều lần hồi tưởng của nhân vật Việt, lần nào cũng tinh tế. Dòng hồi tưởng ấy đứt rồi lại nối, mở rộng dần đối tượng miêu tả, mỗi lúc lại đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật. Có những lúc tỉnh dậy Việt thấy xung quanh mình “giọt mưa lất phất”, cảm thấy hơi gió lạnh, tiếng ếch nhái, hay khi Việt nghe thấy âm thanh chiến trường rồi hồi tưởng lại kỉ niệm đi bắt ếch của hai chị em. Kỉ niệm hiện ra tiêu biểu nhất có lẽ vẫn là gia đình thân yêu với từng nhân vật xuất hiện tự nhiên: chị Chiến, chú Năm, má Việt... Dòng hồi tưởng như đứt đoạn nhưng nó lại được nối kết bằng sợi dây gia đình qua nhiều thế hệ, từ đó thể hiện ý nghĩa thiêng liêng của tác phẩm, cắt nghĩa vì sao những thế hệ trẻ như Chiến và Việt lại cầm súng chiến đấu.

Những kỉ niệm về gia đình

Ngoài ra, nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một trong những đặc sắc nghệ thuật của Những đứa con trong gia đình. Các nhân vật xuất hiện gián tiếp qua suy nghĩ của nhân vật Việt là một đại gia đình nhiều thế hệ. Nếu tác phẩm Đất (Anh Đức), các nhân vật hiện lên chủ yếu qua đối thoại thì ở Những đứa con trong gia đình các nhân vật được xây dựng qua nét tâm lí và độc thoại nội tâm. Đặc biệt, nhà văn đã miêu tả rất tài tình, tự nhiên nội tâm của nhân vật Việt, đặc biệt là qua dòng hồi tưởng của anh. Dó cũng là sở trường của Nguyễn Thi, đồng thời là đặc sắc nghệ thuật truyện ngắn của ông. Bởi vậy câu chuyện không chỉ toàn diện, khái quát hiện thực mà còn có chiều sâu tâm lí độc đáo.

Không chỉ vậy truyện ngắn Những đứa con trong gia đình còn có ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ và Nguyễn Thi đã xây dựng được nhiều chi tiết nghệ thuật độc đáo, cùng với tình huống truyện nghệ thuật trần thuật, nghệ thuật xây dựng nhân vật. Những yếu tố đó đã góp phần không nhỏ làm nên đặc sắc nghệ thuật cho tác phẩm, đồng thời thể hiện cá tính sáng tạo độc đáo của nhà văn.

Cùng với những đặc sắc nghệ thuật, truyện ngắn Những đứa con trong gia đình còn có những đặc sắc về nội dung.

Trước hết những đặc sắc ấy thể hiện qua đề tài, chủ đề của tác phẩm. Nguyễn Thi viết về đề tài không mới: Đề tài chiến tranh nhưng đề tài ấy lại được khai thác ở khía cạnh khác. Hiện thực cách mạng Việt Nam thời chống Mĩ được nhà văn khai thác trong một phạm vi hẹp thông qua lăng kính gia đình, Nguyễn Thi đã phản ánh hiện thực rộng lớn theo chiều sâu. Thế giới nhân vật không đông đảo nhưng lại được đặt trong mối quan hệ gia đình, ruột thịt, bởi vậy có sức mạnh và ý thức cộng đồng lớn lao. Tác phẩm viết về chủ đề cuộc kháng chiến rộng lớn và con người Nam Bộ song không như các tác phẩm cùng thời, những con người trong sáng tác của Nguyễn Thi lại là sự tiếp nối của truyền thống gia đình và dân tộc. Sự gắn bó giữa tình cảm gia đình là tình cảm đất nước. Bởi vậy, dù trong một câu nói tưởng như rất riêng tư của Chiến: “Thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu” lại ẩn chứa trong đó trách nhiệm, nhiệm vụ lớn lao với đất nước, với quê hương. Hai tình cảm thiêng liêng hòa quyện vào một. Điều độc đáo ở Những đứa con trong gia đình là viết văn nhưng không giáo huấn, hô hào, cổ động, viết về gia đình nhưng không bi lụy, đau thương, viết về hi sinh mất mát mà vẫn kiên cường, dũng cảm. Đó là những đặc sắc của truyện ngắn này.

Bên cạnh đó đặc sắc nội dung của tác phẩm còn tập trung ở vẻ đẹp tâm hồn con người Nam Bộ. Nét đẹp ấy đã được rất nhiều các tác giả cùng thời khai thác. Ngoài những phẩm chất yêu nước anh hùng của thời đại, họ còn là những người giàu tình cảm, nghĩa tình mà ta bắt gặp trong Đất (Anh Đức), Vàm cỏ Đông (Hoài Vũ). Ở truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, các nhân vật vừa có nét chung vừa có nét riêng độc đáo. Chú Năm, má Việt, Chiến và Việt đều có lòng căm thù giặc sâu sắc. Điều đó đã thôi thúc ở họ ý chí, hành động dũng cảm để bảo vệ nền độc lập. Xuất phát từ mối thù gia đình sâu sắc với giặc, tất cả những người trong gia đình nông dân Nam Bộ đều có lòng kiên cường, bất khuất, quyết tâm hi sinh kể cả tính mạng mình. Đặc biệt họ là những người giàu tình cảm: tình thương con của má Việt, sự ân cần quan tâm của chú Năm, tình đoàn kết gắn bó của chị em Chiến - Việt là những tình cảm đẹp và thiêng liêng. Đồng thời, ở mỗi nhân vật lại có nét riêng như câu nói của chú Năm “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc rồi ghi vào đó”. Trước hết, nhân vật chú Năm xuất hiện như con người của đất đai, sông nước, nồng nàn hơi thở Nam Bộ. Mỗi lời nói của chú mộc mạc, giản dị nhưng đầy ý nghĩa không phải là triết lí sách vở mà là triết lí đời sống gắn với giọng hò giàu ý nghĩa, giọng hò ấy tuy không hay nhưng nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, tha thiết nhắn nhủ, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội. Nếu Anh Đức thường chú trọng đến ngoại hình nhân vật thì Nguyễn Thi dường như chú trọng nhiều đến con người bên trong. Bên cạnh đó, chú Năm còn là một người nông dân từng trải, chú như một chứng nhân lịch sử, ghi và giữ cuốn sổ gia đình. Chữ viết của chú lòng khòng nhưng lời văn gọn gàng ghi chép tỉ mỉ, chi tiết. Mỗi chữ dường như có máu và nước mất. Chú Năm giống như thư kí trung thành của cuốn sổ biên niên, là người lưu giữ quá khứ cho gia dinh. Chú sống ở hiện tại mà tấm lòng sâu sắc gắn bó với quá khứ, tin tưởng vào tương lai.

Vẻ đẹp tâm hồn con người Nam Bộ còn được thể hiện qua nhân vật má Việt. Bà là người có nghị lực phi thường trong việc nuôi dạy, che chở cho các con và trong cả nghị lực chiến đấu. Má Việt giàu tình yêu thương và tình cảm ấy được thể hiện qua những hành động, cử chỉ. Làm sao quên được hình ảnh người mẹ hiên ngang bồng con đối đáp với kẻ thù “hai bàn tay to bản của má phủ lên đầu đàn con nép dưới chân”. Hình ảnh người mẹ như bức tượng đài và tính cách cách mảnh liệt ấy mang đậm dấu ấn Nguyễn Thi.

Bên cạnh chú Năm, má Việt, Chiến và Việt cũng mang đậm vẻ đẹp tâm hồn, tính cách Nam Bộ. Ở Chiến, chị được thừa hưởng từ người mẹ cả vóc dáng, ngoại hình, tâm hồn. Chị mang trong mình sự kiên nhẫn đến gan lì của một người từng trải, chín chắn, đồng thời Chiến cũng là người chị rất mực yêu thương em. Việt có tính cách đáng yêu, trẻ con, vô tư đến hồn nhiên nhưng rất mực dũng cảm và ý thức sâu sắc về việc cầm súng chiến đấu của mình. Khắc họa hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu rất sớm, có thể họ hồn nhiên trẻ con trong mối quan hệ gia đình nhưng lại cực kì nghiêm túc khi suy nghĩ về kẻ thù và chiến đấu.

Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) và các tác phẩm cùng thời đã góp phần làm nên bức tranh toàn vẹn về hiện thực và con người trong kháng chiến chống Mĩ.

Tác phẩm của Nguyễn Thi với đặc sắc nội dung và nghệ thuật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong người đọc. Truyện ngắn khép lại nhưng ở mỗi người không nguôi suy nghĩ về một giọng văn Nguyễn Thi, một cá tính Nguyễn Thi, một con người Nguyễn Thi đậm chất Nam Bộ.

Leave a Reply