Giới thiệu về chương Đất Nước (Trích trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

1. Đất Nước là chương nổi tiếng nhất trong trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Chương thơ ấy, cũng như toàn bộ bản trường ca ấy, là lời tâm tình mà nhà thơ muốn gửi, trước hết và chủ yếu, tới đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức trẻ sống ở đô thị miền Nam trước năm 1975 - các vùng thời ấy vẫn được gọi là vùng địch chiếm. Đó là những người có học vấn, sẵn tri thức, giàu suy nghĩ, yêu nước thật lòng, nên tràn đầy khát khao được trở về nguồn cội. Qua Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm muốn tìm đến cái điểm gặp gỡ, ở một chỗ nào sâu thẳm, giữa những người như thế với cách mạng, để vận động họ, lôi cuốn họ về phía mình trong cuộc đấu tranh chung để giải phóng và giữ gìn Tổ quốc. Như thế, việc viết Đất nước chính là cách giúp Nguyễn Khoa Điềm thực hiện nhiệm vụ cách mạng, bằng sức mạnh riêng của thơ và bằng tài năng sáng tạo của nhà thơ.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

2. Đối tượng mà Nguyễn Khoa Điềm hướng tới trong Đất nước chắc hẳn đã thôi thúc ông tìm đến một lối nói không chỉ thật tình cảm, làm rung động con tim, mà còn phải rất trí tuệ, tác động mạnh mẽ vào khối óc. Có thể đó là lí do khiến tác giả muốn tác phẩm phải mang diện mạo không chỉ thuần tuý trữ tình, mà còn có dáng vẻ rõ ràng của những lời chính luận. Các câu, các ý của chương thơ, do vậy, sẽ được liên kết với nhau xung quanh một tư tưởng, một luận đề chung. Và cái tư tưởng chung, làm cốt lõi cho toàn bộ chương thơ ấy chỉ có thể là tư tưởng: Đất Nước của Nhân Dân, nghĩa là của lớp người đông đảo, sống giản dị, lặng thầm, "không ai nhớ mặt đặt tên", như em, như anh, như những người bình thường ở quanh ta - họ đang hằng ngày lặng lẽ hiến dâng mình cho cuộc đời cho công cuộc làm lụng và chiến đấu.

2.1. Tuy nhiên, chớ nên vội cho rằng, về mặt tư tưởng, chương thơ này chỉ là sự đối lập với những quan niệm như: Nam quốc sơn hà, Nam đế cư, đã có từ ngót nghìn năm trước.

Có vẻ như, khi nói Đất Nước của Nhân Dân, Nguyễn Khoa Điềm không định dùng chữ của chỉ theo ý nghĩa về quyền sở hữu, theo kiểu sông núi nước Nam là của vua Nam... Hiểu theo hướng ấy, thì phải tới khi "chúng ta", mọi người dân, đã làm chủ trời xanh đây, rừng núi này và những cánh đồng, những ngả đường, những dòng sông..., điều mong ước nước là nước dân mới thành sự thật. Hiển nhiên, đấy không thể là chân lí của mọi thời.

Tác giả chương thơ muôn triển khai luận đề của mình theo cách khác hơn. Theo cách đó, đất nước là của dân, trước hết bởi đất nước tồn tại, phủ bóng mình lên khắp cuộc đời của mỗi người dân bình dị, từ lá trầu, hạt gạo, chén muối, đĩa gừng, đến câu chuyện ngày xưa mẹ kể... Để rồi, mỗi chúng ta sẽ tự nhận ra: Trong anh và em - Đều có một phần Đất Nước. Nhưng đất nước là của dân còn bởi, đất nước không chỉ làm nên cuộc sống của nhân dân, mà tới lượt mình, đất nước lại được làm nên từ cuộc đời của muôn ngàn người dần bình thường nhất: Không có núi Vọng phu nếu không có người vợ nhớ chồng; không có đôi trai gái yêu nhau, không thể có hòn Trống Mái. Cứ thế, thi sĩ sẽ đưa ý thơ vẫy cánh bay đến tầm cao khái quát: Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy - Những cuộc đời đã hoá núi sông ta. Theo tinh thần ấy, Đất Nước của Nhân Dân phải trở thành một quy luật của muôn đời.

2.2. Đấy là cơ sở để Nguyễn Khoa Điềm có thể, và cần, đặt chủ đề của chương thơ trên cái nền ngút ngát của cả không gian mênh mông lẫn thời gian đằng đẵng, để làm nên hai bình diện cơ bản của tác phẩm: bình diện thời gian - lịch sử và bình diện không gian - địa lí. Không khó khăn gì để thấy, nhà thơ đã chứng minh tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân trên mọi chương sử thời gian (quá khứ, hiện tại và cả tương lai, từ thuở Lạc Long Quân - Âu Cơ, thuở các vua Hùng dựng nước đến mãi mãi những ngày sau), cũng như trong mọi vùng không gian (miền Bắc, miền Trung, miền Nam, đất liền và hải đảo, núi với sông, trung du và duyên hải, miền ngược với miền xuôi), nhằm cho thây chân lí Đất Nước của Nhân Dân, hiểu theo cách của nhà thơ, thực sự là phổ quát, vĩnh hằng.

Đất nước

2.3. Mặt khác, tư tưởng về sự thông nhất giữa đất nước với nhân dân đòi hỏi nhà thơ phải đặt cái chung, cái thiêng liêng là Tổ quốc trong môi quan hệ gắn bó hài hoà với cái riêng tư, bình dị, nhỏ bé là đời sóng thường ngày của những người dân, tựa như cách I. Ê-ren-bua đã làm trong một đoạn trích tuyệt vời, cái áng văn xuôi vẫn được đặt tên là Lòng yêu nước. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã không chịu giẫm mãi trên lôi đi quen mà I. Ê-ren-bua để lại. Ông đã không cho phép mình quên rằng, đốì tượng ông phải thuyết phục là người học thức. Mà để chinh phục người có văn hoá thì không gì bằng văn hoá. Vì thế mà những miếng trầu, bụi tre, chiếc khăn đánh rơi, bàn tay cầm vàng... phải được nâng lên tầm văn hoá, được tẩm hương văn hoá. Văn hoá - phong tục, vì thế, phải trở thành bình diện thứ ba của chương thơ. Và chỗ hội lưu giữa nhân dân và văn hoá khó có thể ở đâu ngoài văn hoá dân gian. Tác giả coi Đất Nước của Nhân Dân đồng nghĩa với Đất Nước của ca dao, thần thoại hẳn là vì lẽ ấy.

3. Hình thức nghệ thuật của Đất Nước rõ ràng đã tương hợp với nội dung thơ. Tác giả đã dành thật nhiều khoảng trông cho hành trình của trí tuệ. Để câu thơ gần với lời nói trầm lắng của suy nghĩ, chứ không gần với điệu ca réo rắt của cảm xúc, ông đã chọn lối thơ không vần, âm điệu tiến gần hơn tới văn xuôi. Nhà thơ còn sáng tạo hàng loạt những hình thức ngôn ngữ có vẻ như nghịch lí để khi cái vỏ ấy được đập vỡ, để lộ hạt nhân chân lí bên trong, người đọc sẽ cảm thấy niềm sung sướng khi giải được bài toán khó khăn mà thú vị cho nhận thức.

Leave a Reply