Hình tượng dòng sông quê hương qua tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Dòng sông trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật. Mỗi người nghệ sĩ đều mang trong mình một con sông yêu thương một dòng sông kỉ niệm. Song với mỗi cây bút khác nhau, mỗi dòng sông lại được khám phá với những vẻ đẹp hấp dẫn, thú vị và mới lạ. Hình ảnh sông Đà trong Người lái đò Sông Đù của Nguyễn Tuân và hình ảnh sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường là những ví dụ như thế.

Đã có không ít các nhà thơ, nhà văn phải tốn bút mực với vẻ thơ mộng, duyên dáng của sông Hương và sự hung bạo mà trữ tình của sông Đà. Lựa chọn hai đề tài này là bản lĩnh của hai tác giả. Song người ta vẫn tìm thấy nét độc đáo, nét đẹp riêng trong trang viết của hai người nghệ sĩ tài hoa này.

Hình tượng dòng sông quê hương qua bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Hai dòng sông đều là hình tượng trung tâm trong hai bút kí là đặc trưng cho hồn quê địa phương. Nếu sông Đà là biểu hiện của tâm hồn con người Tây Bắc thì sông Hương là nét hồn của người dân xứ Huế.

Vẻ đẹp của sông Đà và sông Hương đều được soi chiếu ở nhiều góc độ, điểm nhìn khác nhau. Sông Đà được nhìn từ góc nhìn của điện ảnh, văn hóa, khai thác triệt để yếu tố địa lí, lịch sử.mỗi phương diện dòng sông ấy lại hiện lên với một vẻ đẹp đặc trưng. Khi thì hung dữ hiểm ác khi thì như một nhà quân sự chiến lược tài ba bày binh với những thạch trận chặt chẽ, nham hiểm, xảo quyệt. Nhưng chính điều ấy lại mang đến cho điện ảnh một thước phim tạo cảm giác mạnh, lạ, hồi hộp cho người xem. Có lúc con sông Đà như một người tri kỉ thơ mộng cũng đa tình tài hoa như người nghệ sĩ với vẻ đẹp đậm chất trữ tình, giàu chất thơ và hiền dịu chứng kiến thời gian trôi qua với những dấu ấn khác nhau của các thời đại. Dòng sông Hương có khi là chứng nhân của lịch sử chứng kiến biết bao cuộc chia tay của những người dân xứ Huế để rồi nó trở nên đẹp lẳng lơ, kín đáo, e lệ. Dòng sông ấy đã gắn với những chiến công hào hùng của dân tộc như một người chiến sĩ dũng cảm xông pha trận mạc để rồi cũng nếm trải những mất mát, đau thương. Khi nhìn từ góc độ nghệ thuật, dòng sông ấy lại là nguồn cảm hứng cho thơ ca, nhạc họa, là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc con người xứ Huế tự ngàn xưa.

Từ các góc nhìn, điểm nhìn khác nhau nên cả hai dòng sông đều được hiện lên sống động với những nét tính cách như con người. Sông Đà nham hiểm, xảo quyệt là kẻ thù số một của con người. Nhưng nó cũng đỏng đảnh như một người con gái quen được chiều chuộng để rồi có lúc nó nằm im thơ mộng với màu xanh ngọc bích yên bình, màu trắng hoa ban tinh khiết, trong lành trong mùa xuân. Có lúc nó như một triết gia, một người tri kỉ gần gũi, thân thiết như một cố nhân. Dòng sông Hương có lúc mạnh mẽ như cô gái Di-gan đầy cá tính, có khi lại là một người thiếu nữ đa tình mà duyên dáng. Với cái nhìn nhân hóa hai nhà văn đã đem đến cho người đọc hai dòng sông như những con người có tính cách trái ngược nhau, có sự thất thường khi thì cau có khi thì dễ tính.

Song hơn ai hết, hai tác giả đều hiểu được yêu cầu nghiệt ngã của nghệ thuật là sáng tạo. Với tạo hóa, mỗi dòng sông chỉ được thai nghén và sinh ra một lần nhưng với mỗi nhà văn nó lại được nhìn với những vẻ đẹp khác nhau và hồi sinh trở lại. Chính vì vậy nhà văn Tuốc-ghê-nhép khẳng định: “Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình, không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác”. Hình tượng sông Đà và sông Hương mặc dù có điểm gặp gỡ, tương đồng tuy nhiên mỗi hình tượng lại có những nét riêng biệt, độc đáo.

Vẻ đẹp của sông Đà được Nguyễn Tuân tập trung khám phá ở cái khác thường, phi thường đập mạnh vào các giác quan, vẻ đẹp ấy là sự kết hợp hài hòa giữa sự hung bạo, dữ dội và thơ mộng, trữ tình. Nhà văn Nguyễn Tuân dồn bút lực đặc tả những vẻ đẹp ấy bằng những ngôn từ mạnh mẽ, ấn tượng, mặt nước thì phải “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy” là mối nguy hiểm luôn rình rập những người lái đò với “những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào, con sông ấy rền rĩ suốt ngày với tiếng thác nước nghe như oán trách, như van xin” như đang rình rập để đòi nợ người lái đò. Cử chỉ, hành động cũng thô bạo, mạnh mẽ. Nó hất hàm hỏi người lái dò, nó bệ vệ oai phong lẫm liệt hùng dũng, kiêu ngạo. Nhưng vẻ thơ mộng trữ tình cũng được gợi lên bởi những tính từ chỉ màu sắc nhẹ mang đậm chất lãng mạn với giọng văn giàu chất thơ. Cả hai vẻ đẹp đều được đặc tả bằng những ngôn ngữ sắc nét nhất tạo cảm giác lạ và ấn tượng mạnh trong lòng người đọc.

Hình tượng dòng sông quê hương qua tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

Khác với sông Đà, dòng sông Hương mang vẻ đẹp tinh tế hơn, khó nắm bắt hơn nhưng lại đời thường và bình dị hơn. Bởi nó được nhìn bởi điểm nhìn khác sông Đà, sông Hương được nhìn ở nhiều chiều thời gian và không gian khác nhau. Với mỗi khúc sông lại mang một nét đẹp riêng từ thượng nguồn ra thành phố Huế rồi đổ ra biển. Khi là một cô gái Di-gan phóng khoáng, man dại đến hoang dại ở chôn rừng già, khi thì dịu dàng, trí tuệ như người mẹ phù sa đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, đã được thanh lọc tâm hồn ở chốn rừng thiêng nước độc để hiền hòa hơn. Rồi có khi lại được trẻ hóa ở một khúc sông nào đó mà duyên dáng nhưng đa tình, lẳng lơ. Nó e lệ, kín đáo đến ỡm ờ. Muốn khám phá nó người ta phải cảm nhận tinh tế, nhạy cảm, chứ không phải nhìn, nghe bằng các giác quan bình thường. Có khi nó mềm mại như tấm lửa khi thì lại mềm hẳn đi như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu ở đó chứa đựng biết bao điều thầm kín hấp dẫn cần được khám phá. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải có sự nhạy cảm, tinh tế mới thấy được hết vẻ đẹp của sông Hương.

Không chỉ vậy, nếu hình tượng sông Hương được miêu tả nhất quán, độc tôn từ đầu đến cuối thiên tùy bút thì hình tượng sông Đà được khắc họa đồng thời với hình ảnh người lái đò sông Đà. Người lái đò tô đậm thêm tính hung bạo, nguy hiểm của con sông, cuộc sống của họ là cuộc chiến đấu oanh liệt, oai hùng để tồn tại với dòng sông. Nhưng dòng sông cũng góp phần tô đậm thêm vẻ đẹp, bản lĩnh, sự say mê, hăng say của người lao động.

Từ đó dòng sông Đà gắn liền với lịch sử, tâm hồn văn hóa Tây Bắc, với vẻ đẹp tâm hồn rắn rỏi kiên cường của người lao động mà Nguyễn Tuân gọi là chất vàng mười của con người Tây Bắc. Còn sông Hương là biểu tượng cho vẻ đẹp tài tử, đa tình, phóng túng, sâu lắng mà duyên dáng của con người xứ Huế. Vẻ đẹp ấy được hòa quyện vào nhau. Phẩm chất của người dân xứ Huế phả vào dòng sông Hương để rồi một lần nữa dòng sông ấy lại bồi đắp thêm phù sa màu mỡ cho nét đẹp tỏa ra từ con người Huế. Từ đó cả hai tác giả đều thể hiện niềm tự hào, lòng yêu thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam.

Có thể nói phong cách nghệ thuật đã quyết định đến sự độc đáo của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Cả hai tác giả đều là những người có tâm hồn tự do phóng khoáng tìm đến thể loại tùy bút như một miền đất thuận lợi, màu mỡ để thỏa sức thể hiện cái tôi cá nhân của mình. Bởi vậy hình tượng dòng sông được miêu tả toàn diện với nhiều phương diện, góc nhìn khác nhau, nhiều vốn kiến thức phong phú đa dạng, thuyết phục.

Song mỗi nhà văn lại có một nét phong cách riêng chi phối đến cách nhìn và khắc họa hình tượng nghệ thuật. Nguyễn Tuân hay tìm dến những cái khác thường, phi thường tạo ấn tượng mạnh mẽ còn Hoàng Phủ Ngọc Tường hay chú trọng sự êm dịu, sâu lắng, đậm yếu tố trữ tình. Những phẩm chất nghệ thuật ấy đã hòa quyện vào hiện thực với trí tưởng tượng phong phú, đầy sáng tạo đã thổi vào hiện thực một gương mặt mới, một nét hồn mới.

Hiện thực cuộc sống luôn là mảnh đất màu mỡ cho mỗi người nghệ sĩ thể hiện tài năng và phong cách của mình. Dòng sông Đà và sông Hương mà hai nhà văn khắc họa còn chảy mãi trong văn học và cuộc đời.

Leave a Reply