“Nếu đứa trẻ dửng dưng với những gì đang diễn ra trong trái tim của người bạn... đứa trẻ chẳng bao giờ trở thành con người chân chính”. Anh (chị) hãy bày tỏ ý kiến của mình về nhận dịnh trên của nhà sư phạm Xukhômlinxki. (Yêu cầu viết bài văn)

“Nếu đứa trẻ dửng dưng với những gì đang diễn ra trong trái tim của người bạn, người anh em, của bố mẹ mình hoặc của bất cứ một đồng bào nào mà em gặp, nếu đứa trẻ không biết đọc trong mắt người khác điều đang xảy ra trong trái tim người đó thì đứa trẻ chẳng bao giờ trở thành con người chân chính”.

Anh (chị) hãy bày tỏ ý kiến của mình về nhận dịnh trên của nhà sư phạm Xukhômlinxki. (Yêu cầu viết bài văn)

BÀI LÀM

Một con người chân chính không thể là người dửng dưng với người khác, thiếu năng lực hiểu được người khác, về điều này, nhà sư phạm Xukhômlinxki đã nói rất hay: “Nếu đứa trẻ dửng dưng với những gì đang diễn ra trong trái tim của người bạn, người anh em, của bố mẹ mình hoặc của bất cứ một đồng bào nào mà em gặp, nếu đứa trẻ không biết đọc trong mắt người khác điều đang xảy ra trong trái tim người đó thì đứa trẻ chẳng bao giờ trở thành con người chân chính”. Câu nói này đặt ra một vấn đề quan trọng của nhân cách và một nhiệm vụ bức thiết cho giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Sự dửng dưng, vô cảm

Nói tới con người chân chính là nói tới con người với rất nhiều phẩm chất. Người đó phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, đồng bào, đồng loại, gia đình, phải có kiến thức, văn hóa hiện đại, có nghề nghiệp hữu ích cho xã hội, có ý thức kỉ luật và pháp luật, biết lao động sáng tạo để mưu cầu hạnh phúc cho xã hội và cho bản thân. Nhưng dù có kể thêm bao nhiêu tiêu chuẩn, phẩm chất đi nữa, thì phẩm chất biết đồng cảm với người khác phải là một điều sơ dẳng và cơ bản của đạo làm người. Trái với lòng đồng cảm là sự dửng dưng, vô cảm đối với người khác.

Người dửng dưng là người không cảm thấy những gì đang diễn ra đối với người khác. Đó là người có thể cười đùa khi đi qua một đám tang, là người điềm nhiên ngồi xem sách trong xe ô tô công cộng, trong khi bên cạnh một người già cả phải đứng, là người không xúc dộng trước lời nhờ vả của bạn bè khi gặp khó khăn, là người có thể chế nhạo một người tàn tật bất hạnh. Người dửng dưng là người không có khả năng đọc ra ý nghĩ, cảm xúc của người khác trong ánh mắt của họ. Người dửng dưng là người không biết cám ơn khi người khác làm việc tốt cho mình, là người không biết hối hận khi làm điều lầm lỗi. Hình như lúc nào người ấy cũng vui vẻ, vô tư! Anh ta có thể điềm nhiên vặn nhạc nhảy xập xình trong phòng khi người bạn ốm đưa mắt cầu xin một sự im lặng. Anh ta có thể phì phèo điếu thuốc khi nhiều bạn gái xung quanh tỏ ý bất bình. Anh ta có thể kể những chuyện thô lỗ bất chấp người xung quanh nhăn mặt, nhíu mày.

Những phẩm chất này mới xem qua thì rất nhỏ, có vẻ như vô hại, lại không phải là phạm pháp. Đùa một tí có sao đâu, ồn một tí chưa làm ai chết, nếu trong xe không phải tôi ngồi, mà một người già cả khác ngồi thì người bên cạnh tôi cũng phải đứng. Vả đứng một tí đã chết đâu! Đúng là sự thiếu lòng đồng cảm, sự dửng dưng tạm thời chưa làm ai chết cả. Nhưng cái thói dửng dưng ấy sẽ dẫn con người ta đến đâu? Nó sẽ dẫn con người tới chỗ bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm khi gây ra tai nạn cho người khác, không có ý niệm về những trách nhiệm gia đình và xã hội của mình và nói chung người ấy chẳng những không có cảm giác đạo đức và thiếu hẳn phẩm chất cảm giác của con người. Từ lâu các nhà triết học đã nói, chim ưng có đôi mắt nhìn xa cả dặm, con chó có mũi rãi thính, nhưng chỉ có con mắt người mói cảm nhận được những rung động của trái tim trong con mất người khác. Thói dửng dưng đã hạ thấp phẩm chất của cảm giác người trong con người! Và như vậy làm sao họ có thể trở thành con người chân chính được?

Đồng cảm

Con người chân chính trong xã hội và nhân loại rất nhiều. Nhiều con người vĩ đại đã lập nên nhiều chiến công vĩ đại, đã sáng tạo biết bao của cải, giá trị, phúc lợi cho con người. Nhưng dù chiến công của họ có vĩ đại bao nhiêu, khác nhau bao nhiêu, họ đều có một điểm chung là tình cảm, đạo đức và cảm giác đạo đức rất phát triển.

Cụ Tuệ Tĩnh là danh y nước ta thời nhà Trần, đã nhận lời đi chữa bệnh cho một nhà quý tộc, nhưng gặp cháu bé bị gãy chân, ông đã hoãn việc chữa cho nhà giàu để chữa chạy cho em bé nghèo trước đã. Cụ Hải Thượng Lãn Ông, danh y nước ta thời nhà Lê, đã không nề hôi hám chữa bệnh cho con nhà thuyền chài hàng tháng. Cụ Hồ Chí Minh, trong Nhật kí trong tù bộc lộ một lòng đồng cảm sâu xa với mọi loại người: từ em bé bị bắt theo mẹ đến tiếng sáo nhớ nhà của người bạn tù, từ người phu làm đường đến quán cháo đạm bạc. Trong thời kì bí mật, phút mặc niệm chiến sĩ cách mạng là khi cụ Hồ Chí Minh rơi nước mắt. Cụ có lòng thương tới cả các loài hoa, cỏ, cây, trái, chim, cá. Những phẩm chất đặc biệt của cụ, ngay từ thời ở Nga những năm 20, nhà thơ Nga Manđenstam chỉ qua một lần gặp mặt đã nhận ra là con người của tương lai, mặc dù hồi ấy, cụ Hồ chưa xuất hiện như một người có tên tuổi vĩ đại.

Những điều nói trên cho thấy, để trở thành một con người chân chính, con người nhất thiết phải có lòng đồng cảm và nhân ái. Và phẩm chất ấy phải được chăm lo giáo dục từ bé để trở thành thói quen trong cảm nhận hằng ngày.

Trẻ em chúng ta từ lúc bé có thể cần học tập những lí tưởng lớn lao, cao đẹp, những nghĩa vụ xã hội bắt buộc, nhưng trước hết phải được giáo dục về lòng đồng cảm, tình nhân ái, khả năng hiểu được trái tim người khác thì mới mong trở thành những con người chân chính, có khả năng thực hiện những lí tưởng cao đẹp ấy. Thiếu lòng đồng cảm, tình nhân ái thì những tư tưởng cao đẹp có thể được nhắc đến như vẹt, nhưng không bao giờ trở thành sức mạnh thực tế, trở thành niềm thôi thúc đi đến hành động.

Tóm lại, nhà sư phạm Xukhômlinxki đã nêu ra một nhận định xác đáng, sâu sắc, rất đáng cho các nhà giáo dục suy nghĩ. Nước ta là một nước có truyền thông nhân ái lâu đời. Muốn duy trì và phát huy truyền thống ấy không thể bỏ qua những biểu hiện rất nhỏ, nhưng có tác hại lớn - đó là sự dửng dưng, vô cảm trước tình cảm người khác.

Leave a Reply