Nhà văn N. Ôx-tơ-rôp-xki đã viết trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy”: Cái quý nhất của con người ta là sống... Hãy phân tích ý kiến trên để xác định rõ lẽ sống “cao đẹp nhất trên đời” đối với thanh niên trong thời đại hiện nay

Nhà văn N. Ôx-tơ-rôp-xki đã viết trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy”: Cái quý nhất của con người ta là sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình và để khi nhắm mắt xuôi tay có thế nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.

Hãy phân tích ý kiến trên để xác định rõ lẽ sống “cao đẹp nhất trên đời” đối với thanh niên trong thời đại hiện nay.

DÀN BÀI

I. MỞ BÀI

Ý nghĩa lời văn của N. Ôx-tơ-rôp-xki dựa trên một luận điểm: Cái quý nhất của con người ta là đời sống.

Từ đó tác giả rút ra một hệ luận: vậy sống như thế nào là biết quý và sống như thế nào là không biết quý đời sống? Câu nói nổi tiếng của N. Ôx-tơ-rôp-xki đã giải quyết một vấn đề lớn nhất của đời sống: vấn đề mục đích cuộc sống và giá trị con người.

II. THÂN BÀI

1. Tại sao cái quý nhất của con người ta là đời sống?

Cái quý nhất của con người ta là đời sống

a. Có sống mới có thể trực tiếp tham gia vào cuộc đời: lao động, chiến đấu, công tác, học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật, mưu cầu hạnh phúc....

b. Xã hội loài người đã sáng tạo ra muôn vàn kì công vô giá, trong đó bản thân con người là kì công của những kì công. Đời sống vì thế càng thêm quý báu, không ai dễ dàng từ bỏ nó được.

c. Con người còn gắn bó với cuộc đời bởi muôn vàn tình thương yêu đối với gia đình, quê hương, đất nước, đồng bào, đồng chí. Cái quý của đời sống là ở những quan hệ thương yêu mà trái tim con người không dễ dàng gì cắt bỏ đi được.

d. Đời sống là cái quý nhất còn bởi một lẽ đơn giản mà quan trọng khác nữa là “đời người chỉ sống có một lần”. Nếu con người có thể sống nhiều lần, đời sống chắc chắn sẽ không quý báu đến như thế.

2. Vậy sống như thế nào là biết quý và như thế nào là không biết quý đời sống

Vấn đề phát sinh chính là ở chỗ có nhiều quan niệm khác nhau, tùy theo những lập trường khác nhau về cách yêu quý đời sống. Một nhân vật phản diện trong Thép đã tôi thế đấy là thằng đào ngũ ở công trường Bai-ac-ca, hắn đã căn cứ vào luận điểm Cái quý nhất là đời sống để rút ra một kết luận ích kỉ nhất, thấp hèn nhất đó sao: “Vì thế tôi phải giữ lấy cái thân tôi". Cho nên chỉ có thể giải quyết đúng đắn vấn đề trên lập trường của giai cấp vô sản và dân tộc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là người biết hiến dâng cả đời mình, sức mình cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời là sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.

a. Tại sao sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời là sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người Đấu tranh giải phóng loài người tức là đấu tranh thực hiện lí tưởng cộng sản vì những lẽ sau đây:

Nó giải phóng loài người khỏi mọi áp bức giai cấp, mọi áp bức dân tộc, thiết lập những quan hệ xã hội cao đẹp nhất trên đời; người với người là bạn, loài người vĩnh viễn sống trong hòa bình, hữu nghị và tình thương.

Nó trả lại cho mọi người giá trị chân chính của con người, trí tuệ, tài năng, đạo đức, nhân phẩm, quyền làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân.

Sống tự do

Nó đem đến cho mọi người một cuộc sống hạnh phúc nhất trên đời, một cuộc sống đầy đủ về vật chất, thanh cao về tinh thần, phong phú về văn hóa.

Nó mở đầu cho kỉ nguyên phát triển rực rỡ nhất của lịch sử văn minh nhân loại, đưa con người tới những đỉnh cao nhất của khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật.

b. Tại sao người biết thực sự quý đời sống của mình là người biết hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người?

Người biết yêu quý đời sống là người biết làm cho cuộc sống tự do thực sự và vững bền. Nhưng tự do của cá nhân chỉ có được khi xã hội được giải phóng. Vì thế đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng loài người chính là đấu tranh cho sự giải phóng của chính bản thân mình.

Người biết yêu quý đời sống là người biết làm cho nó trở thành cao đẹp bằng cách giải phóng mình khỏi vũng bùn nhơ bẩn của chủ nghĩa cá nhân, đem lại cho cuộc sống của mình một lí tưởng, một ý nghĩa, một phẩm giá cao quý, có công hiến cao quý nhất. Đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng loài người là làm cho cuộc sống xã hội có lí tưởng, ý nghĩa, phẩm giá, tiến bộ.

III. KẾT BÀI

Người biết yêu quý đời sống là người biết làm cho nó trở thành thực sự dài lâu bằng cách đem cái hữu hạn của một người hòa vào cái vô hạn của đời sống dân tộc, nhân dân, nhân loại. Một giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới mãi mãi không khô cạn. Một con người sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân nếu có phải hi sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân. “Người ta chỉ chết thực sự khi chết trong tâm trí của người khác” (Lỗ Tấn).

Leave a Reply