Phân tích bài thơ Tây Tiến từ đầu đến “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” của Quang Dũng

Tây Tiến, tên gọi ấy của bài thơ đã gợi lên âm hưởng quân hành vào cái thời đặc biệt phát triển những khúc hát Nam Tiến, Tiến quân ra... Phải chăng nhà thơ đã xoá bớt chữ Nhớ trong nhan đề bản in lần thứ nhất để khiến cảm giác về hành khúc mạnh mẽ hơn?

Nhưng Tây Tiến viết bằng thể thất ngôn, trong truyền thống, từng tạo ra những bài thơ buồn bã nhất, từ Thăng Long thành hoài cổ tới Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Tống biệt hành (Thâm Tâm)...

Bởi thế, có lẽ nên gọi Tây Tiến, là một khúc độc hành. Đoàn quân đã đi xa, một mình nhà thơ ngược lại con đường - trong kí ức:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Khi kí ức mãnh liệt, nó có khả năng hiện tại hóa quá khứ. Từ câu thơ thứ ba, những hình ảnh sống động như xuất hiện trong hiện tại: chính điều này đã khiến bài thơ phảng phất dáng dấp của một khúc quân hành hơn là một hồi tưởng.

Giống như Tiến quân ca và mọi khúc quân hành, trong Tây Tiến, chúng ta thấy nổi lên hình tượng con đường. Song đây không phải là một con đường khái quát, con đường biểu tượng như trong Xếp bút nghiên (Lưu Hữu Phước) hoặc Tiến quân ca (Văn Cao). Con đường Tây Tiến được kết bằng những địa danh Việt và Lào đọc lên trầm bổng như ca hát, xa lạ và hoang dại. Có lẽ hiếm bài thơ được điểm xuyết bằng nhiều tên mường, tên chây, tên bản đến như thế. Phải chăng thanh trầm bổng của chúng ta đã mô phỏng bằng nhịp điệu những trạng thái trái ngược giữa độ dốc, độ cao và độ sâu.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Bài thơ chỉ có một cái tên thành thị, hoa lệ: đó là Hà Nội. Nhưng đó không phải là một cái mốc có thật trên đường Tây Tiến, mà là “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Hà Nội ở đây trở thành một cái mốc của độ cao bởi giấc mơ chính là một đỉnh điểm.

Không phải ngẫu nhiên mà Quang Dũng thích thú với những âm thanh trầm bổng của địa danh đến như thế. Đó là cảm hứng của cả một thời cách mạng phát hiện ra đất nước. “Những tên làng, tên núi, tên sông! Những cái tên đọc lên nghe muốn khóc”, một nhà thơ cùng thời với Quang Dũng cũng đã viết như vậy.

Tây Tiến dẫn con người lên độ cao, vào chốn thâm u của biên giới

Tây Tiến dẫn con người lên độ cao, vào chốn thâm u của biên giới. Bởi vậy, bức tranh vẽ lên con đường hành quân từ câu thơ thứ hai đến câu thứ tám không hề có màu sắc mà giống như một bức tranh thủy mặc, chỉ có những biến thái của sương khói.

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Sương lấp, đêm hơi, thăm thẳm, mưa xa khơi... Nhưng, những người lính Tây Tiến đâu có nhằm hướng lên trời! Nếu câu thơ thứ bảy như bẻ gãy làm đôi, thể hiện trạng thái mất thăng bằng (Ngàn thước lên cao / ngàn thước xuống) thì câu thơ thứ tám là một câu có một không hai của bài thơ do nó kết cấu hoàn toàn bởi thanh bằng.

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Nhà ai... Một ngôi nhà không xác định, nhạt nhoà trong mưa, vậy mà tứ thơ đã chuyển biến. Sau sự mất thăng bằng, đứt đoạn của câu trước, câu thơ này lâng lâng, êm đềm như một chỗ dừng chân. Tất cả đều chùn lại và trên cái nền của câu thơ ấy, Quang Dũng đã tạc nên cái tư thế buông thả tự nhiên của người chiến sĩ ở một phút nào đó trong cuộc hành quân mỏi mệt.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chính những câu thơ như hai câu thơ trên đã khiến Tây Tiến trở thành một khúc độc hành. Nếu là khúc quân hành, ta chỉ thấy người chiến sĩ ở tư thế tiến lên. Song ai dám bảo rằng Quang Dũng đã không tạc nên một hình tượng đẹp đẽ, oai hùng? Hãy xem cái nền trên đó in hình người chiến sĩ trong sự buông thả mệt mỏi của anh.

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Sự chuyển biến của tứ thơ còn được thể hiện qua chuyến biến của hình ảnh. Vẫn là những biến thái của sương khói trong sáu câu thơ đầu, nhưng đã báo hiệu một trạng thái ngược lại Tây Tiến, giờ đây là... cơm lên khói - Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Tóm lại, đoạn thơ trên là một đoạn thơ tuyệt bút.

Leave a Reply