Phân tích đoạn trích Đất Nước (Trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm từ đầu đến “Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ như Lê Anh Xuân, Bằng Việt, Nguyễn Mĩ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mĩ Dạ, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh. Nguyễn Khoa Điềm nổi tiếng với hai tác phẩm là trường ca “Mặt đường khát vọng” và bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.”

Đất Nước muôn đời

Nguyễn Khoa Điềm cũng như một số nhà thơ hàng đầu của thế hệ, ông đã cảm nhận sâu sắc thời điểm lịch sử trang nghiêm, nên đã để tâm huyết vào chủ đề lớn của thơ ca là ĐẤT NƯỚC. Và tất nhiên để phù hợp với nội dung phong phú, rộng lớn đó phải có một hình thức, có nội dung lớn là TRƯỜNG CA. Cho nên nhiều trường ca đã ra đời trong giai đoạn văn học này mà nổi tiếng hơn cả là ba trường ca “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh và “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm.

Đất nước là một đoạn trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” (chương năm), là chương trọng tâm của tác phẩm. Tác giả tập trung trong chương thơ này những cảm nhận và suy nghĩ sâu sắc về Đất nước: “ĐẤT NƯỚC” này là “ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN”.

Nhận thức mới mẻ ấy cũng chính là sự lựa chọn, ý thức về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước và dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà.

Nguyễn Khoa Điềm kết hợp giữa trữ tình và chính luận, lối kết hợp này trong thơ giống Chế Lan Viên (thường các nhà thơ sáng tác những bài thơ dài và trường ca đều kết hợp giữa trữ tình và tự sự). Trữ tình chính luận phát huy được mặt trí tuệ, thể hiện sự uyên bác với những kiến thức sách vở triết lí, nêu biết khéo léo kết hợp với xúc cảm, với trí thức nhỡn kiến thì sẽ tạo ra sự hấp dẫn lạ lùng cho thơ.

Ta có thể hình dung chất chính luận trong khúc trường ca này như một sợi dây. Đất nước trường tồn trong chiều dài thời gian, trong chiều rộng không gian, trong phong tục tập quán, trong tâm hồn và tính cách của người Việt. Bằng sợi dây dẻo dai ấy, những hạt cườm trữ tình óng ánh lung linh được xây lại thành chuỗi cườm “Đất Nước muôn đời”.

Ta hãy xem nghệ thuật “xâu cườm” dẻo dai lẫn khéo léo của thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm.

Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt dầu với miếng trầu bây giờ bà ăn.

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Thiêng liêng với “miếng trầu bây giờ bà ăn”

Điệp từ “Đất Nước” vọng lên khúc nhạc thiêng liêng, thiêng liêng về thời gian thăm thẳm “Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi”, thiêng liêng với cổ tích, thiêng liêng với “miếng trầu bây giờ bà ăn”, thiêng liêng với sự trưởng thành về ý thức bảo vệ Tổ quốc: “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”.

Nhờ “sợi chỉ” chính luận mà những “hạt cườm” của đời sống vật chất (miếng trầu, trồng tre, tóc, cái kèo, cái cột, hạt gạo...) và đời sống tinh thần (truyện cổ tích, cha mẹ thương nhau...) được xâu lại tạo ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Tác giả chuyển từ những câu kế sang những câu đẳng thức, từ những chi tiết xa xôi đến những chi tiết gần gũi đậm đặc trữ tình. Ca dao thấm trong từng lời.

- Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

- Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Nếu thời gian hiện lên trong “chuỗi cườm” trữ tình - chính luận thật là thiêng liêng thì không gian hiện lên thơ mộng, hùng vĩ.

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra dồng bào ta trong bọc trứng

Đề mở rộng khái niệm về “Đất nước”, tăng cường bề dày, bề sâu của khái niệm này, tác giả điệp lại kiểu câu đẳng thức “Đất là”, “Nước là”... nhưng các hình ảnh của xúc cảm, của ý tưởng đều mới, giống như những biến tấu trong âm nhạc vừa nhấn mạnh chủ đề vừa mở rộng chủ đề gây ấn tượng mới lạ.

Tóm lại, đoạn trích vừa phân tích là một đoạn trích đặc sắc.

Leave a Reply