Phân tích tính dân tộc qua đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu: " Ta về mình có nhớ ta... Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"

DÀN Ý

a. Hai câu mở đầu đoạn:

“Ta về mình có nhớ ta.

Ta về ta nhớ những hoa cùng người”.

- Cả bài thơ được viết theo lối đối đáp giao duyên của ca dao, dân ca. Hai câu thơ này có chức năng là những lời đưa đẩy để nối liền các đề tài ở những câu tiếp theo. Mở đầu là một lời ướm hỏi: “Ta về mình có nhớ ta”. Giọng hỏi tình tứ, với cách xưng hô mặn mà, quen thuộc: “ta – mình”. Câu thơ bày tỏ sự bịn rịn, lưu luyến của người ra đi đồng thời bộc lộ sự hồn hậu của con người thơ Tố Hữu.

Nỗi nhớ dành cho những gì đẹp nhất của Việt Bắc “hoa và người;

- Nhà thơ khẳng định: “Ta về ta nhớ những hoa cùng người”. Đó là nỗi nhớ dành cho những gì đẹp nhất của Việt Bắc “hoa và người”.

-> Hai câu thơ mở đầu đã giới thiệu chủ đề của đoạn thơ: hoa (thiên nhiên) và người (nhân dân) Việt Bắc.

b. Tám câu thơ tiếp theo: Bộ tranh tứ hình về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

- Tranh tứ hình là một loại hình nghệ thuật hội họa phổ biến thời trung đại, nó là một bộ tranh gồm 4 bức, miêu tả 4 mặt của một đối tượng nào đó. Tố Hữu đã vẽ một bộ tứ hình bằng ngôn từ để ghi lại những ấn tượng sâu sắc của mình về quê hương Cách mạng Việt Bắc.

- Trong 8 câu thơ, tương ứng với cảnh thiên nhiên là hình ảnh con người, mỗi hình ảnh ấy lại toát lên những phẩm chất đáng quí của người Việt Bắc.

* Bức tranh thứ nhất (mùa đông):

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.

- Việt Bắc hiện lên trong hai câu này có tính khái quát: một miền quê thật yên bình, êm ả. Thiên nhiên xôn xao, tràn ngập màu sắc: Màu xanh mênh mông, trầm tĩnh của rừng già, màu “đỏ tươi” của hoa chuối trải dài khắp núi rừng khiến cảnh vật trở nên sống động, rạng rỡ.

- Trên nền cảnh mênh mông, xanh ngắt của đại ngàn, hình ảnh con người xuất hiện với một tư thế vững chãi, tự tin của người làm chủ núi rừng: “Đèo cao ắng ánh dao gài thắt lưng”.

* Bức tranh thứ hai (mùa xuân):

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.

- Thiên nhiên được bao phủ bởi màu trắng tinh khiết và mỏng manh của hoa mơ rừng. Hai chữ “trắng rừng” làm cho núi rừng như sáng bừng và trở nên dịu dàng, đằm thắm, quyến rũ lạ lùng.

Bộ tranh tứ hình về thiên nhiên và con người Việt Bắc

- Con người Việt Bắc hiện ra trong một công việc thầm lặng: “đan nón chuốt từng sợi giang”.

+ Những từ ngữ: “đan, chuốt” gợi ra dáng điệu cần mẫn, cẩn trọng, tài hoa của người lao động.

+ Người đan nón không chỉ đang làm công việc đan nón đơn thuần mà như đang gửi vào từng sợi giang, từng chiếc nón biết bao nỗi niềm, bao mơ ước thầm kín.

* Bức tranh thứ ba - bức tranh đặc sắc nhất (mùa hạ):

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô con gái hái măng một mình”.

- Bức tranh Việt Bắc vào hè có âm thanh rộn rã của tiếng nhạc ve. Ve kêu gọi hè đến, hè đến làm cho rừng phách ngả sang màu vàng rực rỡ, nôn nao. Chữ “đổ” cực kì tinh tế. Nó vừa nhấn mạnh đến việc biến đổi màu sắc mau lẹ của rừng phách, vừa diễn tả được những trận mưa hoa phách mỗi khi có đợt gió ào thổi.

- Hình ảnh lao động đầy kiên nhẫn của một cô gái Việt Bắc “Nhớ cô em gái hái măng một mình”, hình ảnh người phụ nữ Việt Bắc chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm có phần âm thầm, lam lũ, nhọc nhằn.

* Bức tranh thứ tư (mùa thu):

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

- Ánh trăng rọi qua vòm lá tạo thành một khung cảnh huyền ảo. Không khí se lạnh của trời thu theo ánh trăng như bao phủ vạn vật, cỏ cây, ngấm vào nỗi nhớ của những con người đã gắn bó sâu nặng với Việt Bắc.

- Câu kết đoạn khẳng định phẩm chất ân tình, thủy chung của người Việt Bắc. Chữ “ai” là cách nói bóng gió, mơ hồ của dân gian khiến câu thơ trở nên tình tứ, thiết tha. Cũng chính vì vậy mà nỗi nhớ của người ra đi dành cho người ở lại cũng trở nên quyến luyến, quay quắt, cồn cào, …

=> Giai điệu quyến rũ đặc biệt của giọng thơ, nỗi niềm thủy chung ân tình rất đỗi đằm thắm của đoạn thơ trên nói riêng và của “Việt Bắc” nói chung, trở thành chất men say có sức ngấm sâu vào trái tim độc giả nhiều thế hệ. Đó là sức sống của “Việt Bắc” và hồn thơ Tố Hữu.

Leave a Reply