Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

I. GIỚI THIỆU

1. Tác giả

- Nhà văn Kim Lân (1920 - 2007) quê ở Bắc Ninh, chỉ được học hết tiểu học rồi đi làm thợ. Nhưng Kim Lân đã đến với văn chương - nghệ thuật bằng sự thiên bẩm, bằng con đường cách mạng. Nhà văn Nguyên Hồng nói về ông:

Kim Lân một lòng đi về với đất, với người, với những thuần hậu nguyên thuỷ của con người Việt Nam".

- Kim Lân chủ yếu viết về nông thôn và những người nông dân. Ông thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với cảnh ngộ của họ, hiểu những khát vọng, niềm tin của họ vào cuộc sống. Tác phẩm của Kim Lân trên một phương diện nào đó có thể xem là "Cẩm nang làm người với đất nước".

Kim Lân

2. Về nạn đói năm 1945

Đây là một tai họa khủng khiếp nhất của dân tộc ta trong mấy thế kỉ. Do phát xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay cùng với chính sách cấm vận hai miền Bắc Nam nên chỉ trong hơn hai tháng, hai triệu người từ Quảng Trị trở ra chết đói thê thảm. Có nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều xóm làng đã bị xoá sổ trong nạn đói.

Nạn đói về sau này cũng được khá nhiều tác giả viết đến như một nỗi kinh hoàng: Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng...

3. Tác phẩm

Truyện ngắn Vợ nhặt vốn là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được Kim Lân viết sau Cách mạng, nhưng do hoàn cảnh kháng chiến, phải đi nhiều nên bị mất bản thảo. Sau này (1956) ông viết lại câu chuyện ấy với dung lượng truyện ngắn. Tác phẩm được in trong tập truyện Con chó xấu xí xuất bản năm 1962.

4. Tóm tắt cốt truyện

Anh cu Tràng ở xóm ngụ cư nghèo kiết xác bỗng dưng "nhặt" được cô vợ chỉ bằng một câu hò vớ vẩn và bốn bát bánh đúc. Tất cả vì nạn đói khủng khiếp đang tràn về khắp nơi như một cơn gió độc làm héo rũ tất cả. Dân xóm ngụ cư tò mò ngạc nhiên, bản thân Tràng thì vui át buồn, cô vợ không tên không họ thì bẽ bàng xấu hổ, bà cụ Tứ (mẹ của Tràng) thì vừa buồn vừa lo, vừa mừng vừa thương con...

Nhưng sáng mai dậy, căn nhà của Tràng đã đổi khác: sạch sẽ tinh tươm hơn. Tràng ngủ dậy muộn hơn mọi ngày, vươn vai trong nắng sớm. Ba người ngồi vào mâm cháo ăn với cây chuôi thái mỏng chấm muôi. Bà cụ Tứ lại còn mời con dâu ăn tráng miệng thứ "chè khoán" (cháo cám đắng ngắt). Cô con dâu kể với mẹ chồng về hình ảnh nông dân Thái Nguyên, Bắc Giang đánh trống phất cờ đi cướp kho thóc của Nhật. Ngoài đình, trống thu thuế vẫn dồn dập nhưng trong óc Tràng chỉ nghĩ đến đám người đói và lá cờ bay phấp phới.

II. PHÂN TÍCH

1. Tình huống truyện

- Tình huống truyện không có gì gay cấn nhưng nó chứa sự lạ lùng. Anh Tràng mang theo một người đàn bà về làm vợ giữa cái buổi đói khát đến chết người. Xóm ngụ cư ngạc nhiên, bà cụ Tứ lo lắng, còn "chông vợ hài" thì có vẻ phởn phơ.

- Tất cả chỉ tại cái đói. Cái đói như một cơn gió độc thổi đến đâu là "người chết như ngả rạ" ra ở đó. Xóm ngụ cư mọi ngày đông vui là thế, nay ỉu xìu xơ xác, mỗi người như bóng ma vật vờ. Từng đoàn người từ các vùng Nam Định, Thái Bình vựa lúa bỗng lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên đi kiếm việc làm. Những cái thây nằm còng queo vệ đường, không khí vẩn lên mùi ẩm thối.

Nạn đói làm cho người đàn bà mất cả nhân cách, trở nên cong cớn, chua chát, không còn biết xấu hổ để kiếm miếng ăn cho sống người.

- Xưa nay, dựng vợ gả chồng là chuyện đại sự của gia đình, dòng họ. Thế mà trong cơn gió độc của nạn đói, người đàn bà vì miếng ăn sống người đã trở thành "vợ nhặt" của một anh chàng dở hơi. Cái tình huống ấy chứa sự đau thương, chứa cả nỗi đau của đạo làm người, nhưng mặt khác nó chứa cả khát vọng làm người, khát vọng sống. Giữa bão tố của biển đời, những thân người kết lại với nhau thành bè mảng để cùng nhau chống chèo và tồn tại.

Đó chính là hạt giống của cuộc sống đang được gieo ngay cửa tử của cuộc đời. Chung quy lại, tình huống ấy mang cả một triết lí sống sâu sắc.

Truyện ngắn Vợ nhặt

2. Nhân vật

Toàn truyện có 3 nhân vật chính như ba chiều của không gian cuộc sống.

a. Nhân vật Tràng: Tràng là một anh chàng dở hơi, nghèo, không có cơ hội lấy được vợ. Đột nhiên lại có người theo không về làm vợ anh ta. Và đó là tình huống éo le của câu chuyện. Vì đói mà người đàn bà theo về làm vợ anh chàng đẩy xe bò nghèo sau một bữa bánh đúc ở chợ.

Giá trị nhân văn của tác phẩm không chỉ thể hiện ở sự xót xa cho thân phận con người, tố cáo tội ác của các thế lực đã gây ra nạn đói thảm khốc cho cả một dân tộc.

Tác giả xây dựng một nhân vật anh Tràng vừa đáng yêu, đáng thương vừa đáng trân trọng.

- Đáng yêu ở cái vẻ hồn nhiên, thơm thảo (cho người đàn bà ăn, thân thiết với lũ trẻ con...).

- Đáng thương: Nghèo, lấy vợ trong một cảnh ngộ thật éo le (đói đến nỗi chẳng biết có nuôi nổi mình không mà lại còn đèo bòng - thể hiện qua nỗi "chờn chợn" của anh, nỗi xót xa của dân làng và sự tủi thân của người mẹ...).

- Đáng trân trọng ở khát vọng hạnh phúc, ở lòng thương người...

Qua nhân vật này tác giả thể hiện niềm trân trọng và cảm thông với khát vọng và ước mơ hạnh phúc của con người.

b. Người đàn bà làm vợ nhặt không tên không họ, không quê, không tài sản... tác giả gọi là "thị", anh cu Tràng gọi là "đằng ấy". Chỉ một vài hôm đói khát mà thị trông vẻ tiều tuy: "Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt". Thị cong cớn, chao chát, không đợi mời chào "sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bô'n bát bánh đúc"... Thị không còn xấu hổ. Thị vớ lấy câu nói đùa dở hơi của Tràng mà chạy theo về làm vợ.

Điều đáng nói là trên đường về nhà Tràng, tính cách của thị thay đổi nhanh chóng. Từ chao chát, cong cớn thị trở nên ý tứ; từ không biết xấu hổ, thị đã biết ngượng ngùng, bẽn lẽn. Thị chỉ dám ngồi vào mép giường của Tràng và chào hỏi bà cụ Tứ một cách lễ phép, khiêm nhường.

Sáng hôm sau, Tràng ngủ dậy muộn hơn và thấy tất cả đã khác: đông quần áo rách rưới đã được phơi hong, đông mùn rác đã được quét hót, ang nước cạn được đong đầy, cả khu vườn, nhà sạch sẽ trong nắng sớm. Có bàn tay người vợ, gia đình đã trở nên đổi khác.

c. Bà cụ Tứ - một người mẹ đang khát khao con mình có vợ - từng trải đời nhưng do cái nghèo chưa bao giờ buông tha nên bà đành cam phận. Nạn đói chết người nhưng con bà lấy được vợ. Bà lo "chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không", bà tự nhủ có thế họ mới lấy con bà, bà tủi vì lẽ ra lấy vợ cho con phải có ít mâm cơm...

Tâm trạng của bà cụ Tứ rất phức tạp nhưng tất cả đó là tình thương, một tình thương ai oán, buồn tủi ngậm ngùi pha lẫn lo âu của một người mẹ.

- Lúc đầu bà ngạc nhiên đến nỗi bà phải "đứng sững lại" khi thấy sự xuất hiện của một người đàn bà xa lạ trong ngôi nhà mình. Vì thế hàng loạt những câu hỏi luẩn quẩn trong đầu bà: "Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?": Vì ngạc nhiên, phân vân nên bước chân của bà lão cũng "lập cập". Khi đã vào trong nhà, bà cụ Tứ lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe thấy tiếng người đàn bà xa lạ chào mình bằng u.

- Khi hiểu ra bà tủi phận: "Bà lão cúi đầu nín lặng" rồi bà tủi hờn, xót thương: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì...". Đó là nỗi đắng cay của người mẹ nghèo thương con. Rồi bà lo lắng: Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?". Bà dặn dò con trai con dâu trong nỗi tủi hờn, xót con của người mẹ nghèo.

- Bà hi vọng, ước ao: Sáng hôm sau, bà cụ Tứ thật khác với ngày hôm qua, người đọc thấy bà "nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên". Cùng với nàng dâu, bà cụ xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa. Người mẹ từng trải và nhân hậu ấy đã bằng mọi cách nhen nhóm một niềm vui niềm hi vọng cho dâu con của mình. Bà cụ nói toàn chuyên vui, toàn chuyện sung sướng về sau này. Bà dặn Tràng nuôi gà để "chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem". Bà cố gắng tạo niềm vui bằng nồi chè cám... Bà mẹ là người nói nhiều nhất về ngày mai, về tương lai...

Vợ nhặt

3. Nghệ thuật

Truyện ngắn Vợ nhặt thể hiện một chiều sâu của sự phản ánh hiện thực với những phương thức nghệ thuật già dặn.

- Trước tiên, cái hay nhất của truyện là tình huống, tình huống là tài năng của nhà văn ở thể loại truyện ngắn.

Truyện ngắn như một lát cắt phải mang biểu trưng của tư tưởng nên tình huống là yếu tố quyết định làm nên truyện.

Tình huống của truyện ngắn này vừa lạ lùng, đột ngột nhưng lại hàm chứa sự tất yếu quy luật. Tình huống "vợ nhặt" giản dị, tự nhiên nhưng chứa đựng những triết lí sâu xa của cuộc đời.

Sự thể hiện diễn biến tâm lí nhân vật cũng là một đặc sắc của Kim Lân. Các nhân vật trong truyện của Kim Lân nói chung và Vợ nhặt nói riêng đều có những diễn biến đa chiều về tâm lí nhưng lại được biểu hiện một cách mộc mạc, giản dị. Ba nhân vật như ba chân của cái đầu rau nhóm lên "ngọn lửa người" giữa cái thảm thương đen tối của biển đời để xua đi hết thảy những, gì không cần có. Mỗi nhân vật hiện diện đều chứa trong đó những chiều sâu của tình người. Truyện ngắn diễn tả nỗi đau ghê gớm của nhân loại nhưng lại viết ở dạng pha hài. Đó chính là niềm khát vọng mãnh liệt về hạnh phúc gia đình, niềm tin bất diệt vào cuộc sống tương lai của con người.

Leave a Reply