Suy nghĩ của anh (chị) về tác hại của bệnh “vô cảm”

DÀN BÀI CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

- Dân tộc ta có truyền thống tốt đẹp: cần cù, siêng năng, đoàn kết, tương thân tương ái, dũng cảm,.... Một trong những truyền thống góp phần tạo nên sức mạnh của dân tộc ta là “thương người như thể thương thân”.

- Nhưng trong thực tế của xã hội ta từ xưa tới nay cũng không ít người luôn tỏ ra thờ ơ, dửng dưng trước mọi vấn đề của xã hội. Cha ông ta đã từng phê phán những người thiếu sự quan tâm đến những người xung quanh bằng những câu: “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” hoặc “Đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Có thể coi những người đó là người mắc “bệnh vô cảm”. Vậy “bệnh vô cảm” là gì? Làm thế nào để chữa trị được “bệnh vô cảm”. Đó là vấn đề quan trọng mà xã hội chúng ta hiện nay quan tâm.

Suy nghĩ của anh (chị) về tác hại của bệnh “vô cảm”

II. THÂN BÀI

1. Giải thích khái niệm

- Vô cảm: Dửng dưng, thờ ơ trước nỗi đau của người khác, bàng quan trước những việc đang xảy ra xung quanh, chỉ nghĩ đến bản thân, sống ích kỉ. Đây là một thứ bệnh cần chữa trị kịp thời.

2. Những biểu hiện của bệnh “vô cảm”

Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện, có nhiều điều đề quyến rũ, khơi dậy lòng tham của con người. Từ đó, kéo theo lối sống ích kỉ, nhỏ nhen, thờ ơ, lãnh đạm với mọi việc đang diễn ra xung quanh. Nghĩa là “bệnh vô cảm” đang có điều kiện xuất hiện và “phát triển”. “Bệnh vô cảm” được biểu hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Với những người thuộc vị trí khác nhau lại có những biểu hiện khác nhau.

a. Đối với những người có trọng trách trước cộng đồng

- Không quan tâm đến công việc của người dân. Ví dụ: Khi người dân đề nghị giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của họ thì những người có thẩm quyền lại đùn đẩy nơi này sang nơi khác. Thậm chí có những trường hợp nhận đơn từ rồi đề đó không giải quyết.

- Một số người có quyền lực lại dựa vào quyền lực để ức hiếp nhân dân, chỉ lo vun vén cho quyền lợi của bản thân mình.

- Một số người năng lực yếu hoặc kém đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình, dẫn đến bao người dân bị oan trái.

b. Đối với mỗi cá nhân

- Không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn trong khi mình có đủ điều kiện để giúp đỡ. Ví dụ: Nhà hàng xóm có con cái hay người thân sa vào tệ nạn xã hội, người xung quanh cũng bàng quan như không hay biết, thậm chí còn xa lánh, thiếu sự động viên, giúp họ vượt qua tệ nạn đó. Đi đường, khi thấy một người không may bị tai nạn giao thông, những người mắc “bệnh vô cảm’’ chỉ đến xem để thoả mãn sự hiếu kì mà không nghĩ đến việc giúp đỡ vì sợ mình phải gánh trách nhiệm, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân.

- Có thái độ rẻ rúng, coi khinh những mảnh đời bất hạnh...

c. Tác hại của “bệnh vô cảm”

Tác hại của “bệnh vô cảm”

“Bệnh vô cảm” có những tác hại ghê gớm. Với từng vị trí, nghề nghiệp khác nhau trong xã hội, người mắc “bệnh vô cảm” sẽ gây ra hậu quả khác nhau:

- Những người mắc “bệnh vô cảm” mà đứng trong bộ máy lãnh đạo nhà nước thì sẽ không thấu hiểu được tâm tư, nguyên vọng của người dân, không đưa ra được những chính sách, những kế hoạch giúp cho cuộc sống của người dân ngày một no đủ. Từ đó sẽ làm mất niềm tin của người dân.

- Những người ở các ngành nghề khác nhau nếu mắc “bệnh vô cảm” sẽ gây tác hại ngay trong công việc của mình. Một bác sĩ giỏi nhưng nếu mắc “bệnh vô cảm” sẽ thiếu đi tình thương, thiếu sự quan tâm đúng mức đến bệnh nhân. Thậm chí do vô cảm, do thiếu trách nhiệm của người thầy thuốc, bệnh nhân có thể chết oan uổng. Người giáo viên nếu mắc “bệnh vô cảm” sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Bởi vì, những thế hệ học sinh do họ “đào tạo” cũng sẽ dễ nhiễm “bệnh vô cảm” của người thầy.

- Người mắc “bệnh vô cảm” không được mọi người tin yêu, kính trọng.

Tóm lại, “bệnh vô cảm” không chi làm suy thoái đạo đức của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình, của một tập thể mà nó còn làm cho xã hội không phát triển, có khi làm cho xã hội tụt hậu.

3. Làm thế nào để chữa bệnh “vô cảm”?

- Mỗi cá nhân phải là một thành viên có trách nhiệm đối với những vấn đề chung của cộng đồng.

- Phải biết phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông “Lá lành dùm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

- Cần quan tâm, chia sẻ với những người bất hạnh theo khả năng của mình. Sự quan tâm ấy có thể là thái độ, là lời sẻ chia, động viên, là vật chất theo khả năng của bản thân.

III. KẾT BÀI

- “Vô cảm” là căn bệnh nguy hiểm, chúng ta cần tìm phương thuốc “đặc trị” để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

- Cần phê phán những người mắc “bệnh vô cảm”.

- Bản thân cần sống hòa đồng, biết đồng cảm, sẻ chia với những người bất hạnh. Ví dụ: ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, những người là nạn nhân của chất độc màu da cam, những trẻ mồ côi, người già,... không nơi nương tựa.

Leave a Reply