Suy nghĩ và cảm xúc của anh (chị) về hình tượng nhân vật bà cụ Tứ trong phần trích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân? (Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục, 2013, tr.24 - 32)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Yêu cầu chung

Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học phân tích về một hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi thuộc thể loại truyện ngắn; bố cục rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

Làm rõ đặc điểm của hình tượng nhân vật bà cụ Tứ: nghèo khổ nhưng giàu tình thương yêu đùm bọc những người cùng cảnh ngộ.

Nắm vững kiến thức cơ bản về hình tượng gắn với yêu cầu nội dung của đề, huy động hợp lí kiến thức có liên quan (tác giả, tác phẩm,...).

2. Yêu cầu cụ thể

Có thể trình bày, diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng BÀI LÀM cần đảm bảo các ý chính sau:

a. Giới thiệu chung

Cảm nhận về hình tượng bà cụ Tứ

Trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam sau 1945, Kim Lân được biết tới như một cây bút “viết ít mà ngày càng được khâm phục nhiều”. Sáng tác của Kim Lân không bề thế nhưng lại có tác phẩm được xếp vào hàng kiệt tác.

“Vợ nhặt” chính là một trong những tác phẩm như thế. Truyện ngắn này không chỉ hấp dẫn người đọc bởi giá trị nhân đạo cảm động mà còn nhờ đến sự thành công đặc sắc trong nghệ thuật khắc họa nhân vật.

Bà cụ Tứ là một trong những hình tượng nhân vật chiếm được nhiều yêu mến của người đọc. Đó là người mẹ nông dân nghèo khổ nhưng trái tim nhân hậu giàu tình yêu thương, bao dung.

b. Cảm nhận về hình tượng bà cụ Tứ

Xuất hiện trong không gian câu chuyên với dáng đi “lọng khọng [...] vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng” cùng tiếng ho “húng hắng” sau khi Tràng - người con trai bà cụ bất ngờ “nhặt” được vợ và đưa vợ về nhà ra mắt mẹ chồng, dễ gợi cảm thương về một người mẹ nông dân già nua, gầy gò, nghèo khó.

Diễn biến tâm trạng:

+ Ban đầu, bà cụ rất ngạc nhiên, bối rối. Nhà văn đã miêu tả rất tinh tế nét tâm trạng này của nhân vật bằng chi tiết: bà lão dường như không tin vào tai mình khi nghe người phụ nữ lạ mặt chào mình bằng “U”, cũng không tin vào mắt mình lúc nhìn thấy sự hiện diện của người phụ nữ ấy trong ngôi nhà “tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải”, “Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường”.

+ Sau khi nghe con trai giới thiệu, xác định quan hệ với người phụ nữ lạ “nhà tôi nó chào u”, “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau,...”, biết rõ đó là con dâu, bà lão sống trong tâm trạng đầy mặc cảm tủi thân trách phận “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Lời văn là lời kể của tác giả nhưng mang giọng độc thoại nội tâm của nhân vật. Dường như người viết đang hóa thân vào cảnh ngộ nhân vật để lắng nghe, thấu hiểu nỗi lòng “ai oán” của người mẹ nghèo khi rơi vào tình thế éo le. Bổn phận làm cha làm mẹ mà “chẳng lo lắng được cho con” để đến nỗi con trai phải lấy “vợ nhặt” một cách tội nghiệp.

+ Điều khiến người đọc bất ngờ và cảm phục là cách ứng xử đầy tình người của bà cụ Tứ với người con dâu mới:

* Rõ ràng, người “vợ nhặt” khi quyết định liều lĩnh làm vợ một người đàn ông xa lạ là đã tự đặt mình vào một tình thế bất lợi, dễ bị coi là mất giá vì theo không. Khi lâm vào tình thế ấy, người vợ nhặt có thể đã lường trước được những nguy cơ mà mình sẽ phải đối mặt. Song vì bản năng sinh tồn, người phụ nữ ấy đã bất chấp tất cả.

* Vậy mà, người mẹ chồng không những không rẻ rúng mà còn đối xử hết sức bao dung, độ lượng “Bà lão khẽ thở dài, [...] nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được”. Đoạn văn độc thoại nội tâm ghi lại tiếng nói đầy thương xót cất lên tự đáy lòng một người mẹ nghèo mà rộng lượng.

Đặc điểm của hình tượng nhân vật bà cụ Tứ

* Đâu chỉ có vậy, tuy không cất lên thành lời nói nhưng người mẹ chồng ấy tỏ rõ thái độ hàm ơn đối với người con dâu. Đó là suy nghĩ của một người mẹ đang tự đặt mình vào cảnh ngộ éo le trớ trêu của người khác để hiểu, chia sẻ, an ủi những người cũng có số phận bất hạnh như mình, như con mình. Hiếm có người mẹ chồng nào đối xử với con dâu nhân hậu, độ lượng đến như vậy.

* Với ý nghĩa ấy, bà cụ Tứ nhẹ nhàng nói với cô con dâu mới “ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. “Mừng lòng” chứ không phải bằng lòng bởi bà cụ Tứ chấp nhận tư cách con dâu của người đàn bà lạ là hoàn toàn về tình, lấy cái tình mà đối xử với con dâu, vì tình mà thể tất, bỏ qua tất cả. Câu nói ấy không chỉ khiến người phụ nữ “vợ nhặt” trút được gánh nặng tâm lí mà cả người con trai cũng thở phào nhẹ nhõm. Bà cụ còn nhắc nhở con dâu bằng cách nói rất chân thành về gia cảnh, rồi như để thanh minh, bà lão lại nói với con dâu những lời đầy ân tình mà thương xót.

+ Bao trùm là tâm trạng vui mừng hạnh phúc, tin tưởng của người mẹ khi con đã yên bề gia thát:

* Bà cụ Tứ “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường”, “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước [...]”. Ta có cảm tưởng người mẹ lao động già nua ấy như đang được hồi sinh. Tưởng như sự sống nơi người mẹ ấy đang tắt dần vậy mà hôm nay bỗng nhiên bừng lên.

* Điều đặc biệt, bữa tiệc đón cô dâu mới rất thảm hại nhưng bà lão vẫn “vừa ăn vừa kể chuyện [...] nói toàn chuyên vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”. Thì ra khi con thành gia thất, người mẹ nghèo ấy dù không để lại cho con thứ tài sản vật chất gì có giá trị nhưng ta tặng cho con món quà tinh thần đầy ý nghĩa là những lời động viên, khích lệ hướng các con đến tương lai tươi sáng như một chỗ bám víu tạo sức mạnh vượt qua thử thách nghiệt ngã của hiện tại. Đó là ảo tưởng nhưng là ảo tưởng rất tích cực bởi nó chứa đựng niềm tin được vun đắp, nuôi dưỡng bằng sự trải nghiệm cả cuộc đời một người mẹ nông dân nghèo khó “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Đây cũng là niềm tin lành mạnh, trong sáng, hồn nhiên thể hiện nhân sinh quan tích cực của người lao động từ xa xưa.

* Tác phẩm khép lại với hình ảnh một người mẹ lao động già nua, còm cõi đứng ở bên kia cái dốc cuộc đời mà trong lòng chưa bao giờ, chưa bao giờ nguội tắt niềm hi vọng vào sự sống và tương lai.

c. Đánh giá chung

Miêu tả chân thực, tinh tế diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân đã khắc họa thành công hình tượng một người mẹ nông dân có số phận bất hạnh vì nghèo khổ nhưng lại ngời sáng những vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm cao quý: từng trải, sống sâu sắc, giàu lòng nhân ái, luôn lạc quan, đặc biệt luôn sống vì con, cho con.

Qua hình tượng bà cụ Tứ, Kim Lân đã thể hiện được một phương diện quan trọng làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo cảm động của tác phẩm. Đó là niềm tin mãnh liệt của nhà văn vào con người, sự sống khi con người đối mặt với những thử thách nghiệt ngã của hoàn cảnh.

Leave a Reply