Thế nào là lòng trung thực? Hãy nêu những biểu hiện và suy nghĩ cúa anh (chị) về lòng trung thực

“Trung thực” có nghĩa là “ngay thẳng, thật thà”, đúng với sự thật, không làm sai lạc”. Người trung thực là người thật thà, có tấm lòng ngay thẳng và quan trọng hơn là không bao giờ nói sai sự thật, hành động không đúng với lương tri, đạo lí ở đời. Đặc biệt người đó không vì lợi ích vật chất hay quyền lực mà bán rẻ lương tâm, phá vỡ các mối quan hệ tốt đẹp được bảo tồn trong cuộc sống. Tóm lại, “trung thực” là thẳng thắn, đúng đắn, không đi lệch ra khỏi những chuẩn mực đạo đức, lẽ phải, lương tri, ... của loài người.

Thế nào là lòng trung thực

Trong cuộc sống, phẩm chất trung thực là một trong những nền tảng để hình thành nên nhân cách đúng đắn cho con người. Một ai đó nếu không được giáo dục, rèn luyện phẩm chất này ngay từ nhỏ thì rất có thế lớn lên sẽ trở thành kẻ nói dối, lừa bịp người khác và rất có thể hành động sai lạc dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Cuộc sống của những kẻ thiếu trung thực sẽ rất dễ rơi vào bi kịch. Những kẻ này có thể thành công đâu đó, ở vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống nhưng rốt cuộc bao giờ cũng phải chấp nhận sự thất bại ê chề khi bị người khác phát hiện ra chân tướng. Kẻ thiếu trung thực có thể lừa được đôi ba người chứ không thể nào lừa được tất thảy mọi người.

Không trung thực con người dễ rơi và lối sống toan tính vị kỉ, đầy vụ lợi mang sắc thái chủ nghĩa thực dụng cá nhân đồi bại. Những người này luôn sống trong nỗi lo sợ bị người khác phát hiện ra chân tướng nên bao giờ cũng sẵn sàng tâm thế đối phó, nghi kị tất thảy mọi người và thường xuyên suy diễn quá mức những điều khác nói ra. Nói tóm lại, những người không trung thực thường phải đối mặt với nguy cơ tự gây nên bi kịch cho chính mình.

Trong cuộc sống, sự trung thực mang lại cho con người ta sự thoải mái, tự tại, an nhiên giữa cuộc đời. Một khi đã sống trung thực, con người sẽ không phải chịu bất kì nỗi lo âu, phiền toái hay những dằn vặt trở trăn nào. Một học sinh trung thực bao giờ cũng nhận được sự tin cậy từ thầy cô, bạn bè. Học sinh đó, khi trưởng thành chắc chắn sẽ thành người có ích cho đất nước. Bất kì công việc nào được giao phó học sinh đó cũng đều nỗ lực hoàn thành theo đúng khả năng, nhận thức của mình.

Tính trung thực như thế không thể thiếu trên đời. Trung thực là nền tảng để con người đặt niềm tin vào nhau. Ngược lại với trung thực là dối trá. Kẻ dối trả sẵn sàng bóp méo mọi chuyện để đạt cho bằng được mục đích của mình. Nếu trung thực là cơ sở để gắn kết mọi người thì dối trá sẽ là tác nhân hữu hiệu nhất, để mọi người xa lánh. Kẻ dối trá thì chẳng biết tin ai bao giờ. Con người luôn cần phải trung thực vì nếu không trung thực, người đó sẽ phải đối mặt với rất nhiều những phiền toái trong cuộc đời. Chẳng hạn, một học sinh nhận được bằng tốt nghiệp một trường chuyên nghiệp nào đó nhờ quay cóp, khi ra dời, được giao cho một công việc cụ thể thì cái “kiến thức” có được bằng quay cóp, chính nó sẽ làm hại anh ta, bởi anh ta sẽ chẳng thể nào biết xoay xở làm sao với những kĩ năng nghề nghiệp mà anh ta chẳng chịu học tử tế khi đang còn trên ghế nhà trường.

Có nhiều người trung thực, xã hội sẽ trung thực hơn

Càng nguy hiểm hơn nếu những kẻ thiếu trung thực này được đề bạt vào các cương vị lãnh đạo. Trước hết anh ta sẽ chẳng có đủ kiến thức cần thiết để lãnh đạo và thứ hai là anh ta chắc chắn sẽ chỉ nghĩ đến việc vơ vét của công để đút cho đầy túi của mình. Bản chất của thiếu trung thực đa phần là do ngu dốt mà ra.

Có nhiều người trung thực, xã hội sẽ trung thực hơn. Ít người trung thực, xã hội sẽ rơi vào con đường giả dối, tham nhũng, trộm cắp. Một con người không thành thật với chính mình thì chắc chắc cũng sẽ không thành thật với người khác. Điều nguy hiểm là một xã hội ưa lừa dối tất sẽ sản sinh ra nhiều thế hệ lừa dối tiếp theo. Xem ra, vai trò của tính trung thực là vô cùng cần thiết để con người xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người trung thực đôi khi có thể bị hiểu nhầm nhưng rồi sẽ được minh oan và được nhìn nhận đúng đắn về bản chất. Phẩm chất trung thực, suy cho cùng là một thuộc tính của đạo đức. Thiếu trung thực đồng nghĩa với việc thiếu đạo đức. Một con người không thể sống nếu mọi người không có chút lòng tin nào vào anh ta. Một xã hội không thể nào tồn tại nếu con người thiếu niềm tin vào nhau, nghi kị nhau.

Leave a Reply