Vẻ đẹp của tiếng Việt trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng)

GỢI Ý LÀM BÀI

1. Đặc điểm của tiếng Việt:

- Đơn tiết tính, giàu thanh điệu, có sức gợi tả, biểu cảm bằng cả ý nghĩa và âm thanh, vốn từ phong phú, nhiều cách nói da dạng... nên có khả năng biểu đạt rất linh hoạt và đẹp đẽ.

- Có khả năng tiếp thu và Việt hoá các yếu tố ngôn ngữ nước ngoài để tự làm giàu có, phong phú thêm kho tàng từ vựng mà không mất đi bản sắc tiếng nói cha ông.

Vẻ đẹp của tiếng Việt trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng)

2. Tiếng Việt trong thơ:

- Là tiếng Việt được sử dụng với tất cả khả năng và phẩm chất nghệ thuật của nó để trở thành chất liệu xây dựng hình tượng, phương tiện biểu đạt tư tưởng, tình cảm của nhà thơ.

- Được chọn lọc và gọt giũa để hội tụ mọi phẩm chất chung của ngôn ngữ văn chương và phẩm chất riêng của ngôn ngữ thi ca: hàm súc, biểu cảm, hệ thống, mang phong cách cá nhân, giàu tính hình tượng, giàu nhạc tính...

3. Vẻ đẹp của tiếng Việt trong bài thơ Tây Tiến:

Khi phân tích chú ý hai mặt: lựa chọn và sử dụng từ ngữ.

- Hàm súc, giàu khả năng gợi tả, biểu cảm, có khả năng kích thích liên tưởng, tưởng tượng: lớp từ lung linh giữa khả giải và bất khả giải (đêm hơi, mưa xa khơi, man điệu..) tạo chất mê hoặc và ám ảnh cho lời thơ; lớp từ ngữ có tính tạo hình, biểu cảm cao (sương lấp, hoa về, mưa xa khơi, thác gầm thét, cọp trêu người, cơm lên khói, mùa em thơm nếp xôi, hội đuốc hoa, chiều sương, hồn lau nẻo bến bờ, dáng người trên độc mộc, trôi dòng nước lũ, đoàn binh không mọc tóc, mắt trừng, dáng kiều thơm...) có khả năng gợi tả hình ảnh, biểu hiện cảm xúc rất mạnh mẽ, rất độc đáo.

- Giàu nhạc tính: biểu hiện qua cách phối thanh, hiệp vần và ngắt nhịp trong thơ. Do yêu cầu của câu thơ cần gân guốc, khoẻ khoắn nên Quang Dũng đã tạo ra nhiều câu thơ, đoạn thơ có mật độ thanh trắc lớn. Do đối tượng miêu tả là không gian Tây Bắc vừa hoang sơ, thơ mộng lại vừa dữ dội, đầy hiểm nguy nên sau một loạt những câu thơ có mật độ thanh trắc lớn, nhà thơ lại bố trí một câu thơ có mật độ thanh bằng cao để tạo một hơi thơ êm nhẹ, mênh mang, vần chủ đạo trong bài thơ là vần “ơi”, “oa”, “ơ”, “ưa”... tạo độ mở đầy phóng khoáng cho hơi thơ. Nhịp thơ trong bài là nhịp của câu thơ 7 chữ thông thường, song khi phối hợp với thanh và vần đã tạo một hơi thơ vừa chắc khoẻ, gân guốc lại vừa tự do, phóng khoáng.

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

- Phong phú, đa dạng: Sử dụng, đa dạng các cách diễn đạt (kết hợp và chuyển nghĩa từ), các nhóm từ loại (từ địa danh, từ Hán Việt, từ láy), sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ (nhân hoá, tương phản, điệp từ điệp ngữ...), các kiểu câu (câu cảm thán: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói”, “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”, câu vắt dòng: “...dáng người trên độc mộc / trôi dòng nước lũ...").

- tính hệ thống, có sự hô - ứng trong dùng từ.

- Mang dấu ấn riêng: những từ mang đậm chất lính, những từ mang màu sắc hào hoa, lịch lãm và lãng mạn của lớp thanh niên trí thức.

* Hiệu quả:

- Lời thơ không chỉ đẹp, có sức lôi cuốn mạnh mẽ mà còn xây dựng được hình tượng, biểu hiện được cảm xúc, trở thành một thông điệp tinh thần của hồn thơ Quang Dũng, một hiện thân vẻ đẹp và sức hấp dẫn của tiếng Việt.

Leave a Reply