Tìm hiểu thêm về bài thơ Hoàng hạc lâu tống mạnh hạo nhiên chi Quảng lăng

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,

Yên ba tam nguyệt há Dương Châu.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận,

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

Lý Bạch (701 - 762)

Thơ tống tiễn, tặng đáp chiếm một lượng đáng kể trong gia sản thơ của thi nhân xưa vì cổ nhân cho rằng thơ là phương tiện giao tiếp thanh nhã, dùng nó để kết nối lòng mình với tri âm tri kỉ thì không có gì hợp hơn, quý hơn. Cũng đừng cho rằng những bài thơ như vậy “hạn chế ý nghĩa xã hội”. Được gặp một người đồng điệu, người ta thấy cuộc đời phong phú hơn, đẹp hơn nhiều bởi vậy lúc được gần nhau thì trao đổi tâm tình, lúc phải xa nhau thì quyến luyến. Với những thi nhân đích thực, xúc cảm chân thành của thời khắc tiễn biệt đã giúp họ để lại cho đời những bài thơ hay. Và trong vô vàng tình huống ở đời có lúc chúng ta nhớ đến những bài thơ đó, không, thậm chí chỉ cần mường tượng nhớ ý tứ hay một vài câu của bài thơ đó thôi, vậy là bài thơ đã có đời sống đích thực, cao quý. Bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng là một bài thơ như vậy.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Thi tiên Lý Bạch giao du rộng rãi, nhiều bạn hữu. Xưa kia người có văn chương cẩn trọng trong xưng hô nên người được nhà thơ gọi là cố nhân hẳn phải cùng nhà thơ có mối tâm giao. Mạnh Hạo Nhiên thuộc số người đó. Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên đều gặp nhiều trắc trở, đều coi thường công danh, thích ngao du sơn thủy. Lý trích tiên (ông tiên bị đày xuống cõi trần họ Lý) gặp người cùng có tài văn chương, tâm tính giống mình nhiều điểm như vậy thì hết sức quý trọng. Mạnh Hạo Nhiên hơn Lý Bạch mười tuổi, theo người xưa là cách nhau cả một thế hệ, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng đến tình bạn của họ vì đối với thi nhân, điều quan trọng là đồng cảm chứ không phải là chỗ đồng tuế, đồng niên.

Ở đời, bạn bè có thể nhiều chứ tri âm tri kỉ được mấy, thậm chí có người cố tâm tìm suốt đời cũng không có. Khi bất đắc dĩ phải xa người mình quý mến, người xưa không tùy tiện chọn chỗ chia tay mà phải chọn chỗ tương xứng với lòng mình quý bạn, để cùng cạn chén rượu tiễn biệt, để cùng khắc vào tâm khảm cuộc chia tay ấy như một cái mốc trong đời người ngắn ngủi, để có đủ tâm, cảnh, sự làm nên những bài thơ hay. Lầu Hoàng Hạc trong bài thơ không đơn thuần chỉ là một địa điểm mà còn là biểu hiện sự quý trọng nhau giữa người đi kẻ ở.

Câu thơ thứ hai liền mạch với câu đầu một cách tự nhiên như đặt bút là thành. Nhìn từ phía “nội dung thông báo”, câu thơ chẳng có gì đặc biệt lắm. Giá trị đặc biệt là ở âm hưởng của nó. Chữ thứ năm vốn là hạ ở đây đóng vai trò động từ (đi xuống, xuôi xuống) được đọc chệch âm. Hiện tượng này trong thơ xưa không hiếm, trong thơ chữ Hán của người hiện đại đôi khi cũng bắt gặp, chẳng hạn bài thơ Tảo giải của Hồ Chí Minh có câu Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san, chữ thướng là đọc chệch âm chữ thượng (động từ: đi lên). Cả hai trường hợp này chữ đọc chệch âm đều là chữ thứ năm trong câu thơ bảy chữ. Chúng ta biết rằng dấu nặng và dấu sắc đều thuộc thanh trắc nhưng đọc theo dấu sắc âm hưởng câu thơ sẽ nhẹ hơn, thanh thoát hơn. Câu thơ này của Lý Bạch chỉ riêng âm hưởng đã có sức diễn tả đặc biệt, thâm nhập vào Nguyễn Tuân - một nghệ sĩ ngôn từ tài hoa nổi tiếng và cũng nổi tiếng kĩ tính - đến mức trong lúc dạt dào những cảm xúc trái ngược về sông Đà, Nguyễn vẫn nhớ đến. Khi cần thể hiện “sông Đà gợi cảm” “sông Đà như một cố nhân”, Nguyễn đã dẫn câu thơ đó và cho rằng câu thơ đã diễn tả được một khoảng thời gian đặc trưng (“màu trắng tháng ba Đường thi”). Có người cho rằng thơ hay gần với âm nhạc ở chỗ bản thân mặt âm thanh của nó đã là một sự truyền đạt trực tiếp. Quả đúng như vậy.

Thơ xưa khi diễn tả cảnh chia tay bên sông nước thường có hình ảnh cánh buồm đơn độc để diễn tả sự trống vắng trong lòng người đưa tiễn và để diễn tả thời gian. Trong bài thơ Tống khách quy Ngô (Tiễn khách về đất Ngô) Lý Bạch viết: “Tửu tận nhất phàm phi” (Cạn chén rồi một cánh buồm như bay). Cảm nhận của con người trước những cuộc chia tay bất đắc dĩ là con thuyền đi quá nhanh, bất kể nó xuôi gió hay ngược gió. Điểm khác biệt chỉ là chỗ bài thơ này ý đó không biểu hiện trực tiếp.

Hoàng hạc lâu tống mạnh hạo nhiên chi Quảng lăng

Nhiều người có cảm nhận rằng bài thơ này được cuốn đi bởi sự liền mạch, không thể đọc nó theo cách ngâm ngợi chậm rãi thường thấy ở thơ tứ tuyệt. Cảm giác này do sự gắn kết chặt chẽ ở câu một với câu hai, câu ba với câu bốn đem lại. Điều đó khiến người ta không băn khoăn nhiều khi lẽ ra phải tìm hiểu bài thơ theo kết cấu khai, thừa, chuyển, hợp. Tài hoa phóng túng, tình cảm chân thành sâu nặng khiến Lý Bạch viết như không hề phụ thuộc vào thi pháp truyền thống. Thực ra tuy thanh thoát tự nhiên nhưng bài thơ vẫn tuân thủ nghệ thuật viết tứ tuyệt vốn yêu cầu mỗi chữ phải được chọn lựa cao độ, mỗi câu thơ có chức năng riêng. Câu thứ hai vẫn làm chức năng của câu thừa nối tiếp và diễn tả cụ thể hơn ý đã được mở ra từ câu thứ nhất. Câu thứ tư vẫn tập trung biểu hiện tâm trạng của chủ thể, có điều ẩn kín sau con mắt nhìn chứ không nói bằng ngôn từ trực trần kì sự. Câu thơ thứ tư còn dùng thủ pháp quen thuộc của Đường thi, lấy cái có (chỉ thấy sông Trường Giang chảy lưng trời) để nói cái không có (còn đâu hình bóng bạn, bạn đi thật rồi). Có người gọi đó là thủ pháp “vẽ mây nẩy trăng”.

Bài thơ được Ngô Tất Tố dịch như sau:

Bạn từ lầu Hạc lên đường,

Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng.

Bóng buồm đã khuất bầu không,

Trông theo chỉ thấy dòng sông bèn trời.

Bản dịch thật hay. Người dịch đã chuyển được trọn vẹn đặc điểm của nguyên tác là dường như chỉ kể việc và tả cảnh, tâm tình của con người không bộc lộ trực tiếp tuy nhiên đều có sau những lời kể và tả đó. Điểm đặc biệt ià dịch giả đa dùng thể thơ lục bát chứ không dùng thể thất ngôn tuyệt cú của nguyên tác - lối thơ cũng rất quen thuộc đối với đông đảo người đọc Việt Nam và nhất là đã ngấm vào máu thịt những người có vốn Nho học dày dặn, trong đó có dịch giả. Chúng tôi cho rằng đây là sự lựa chọn thích đáng. Sự liên kết liền mạch giữa câu thơ thứ nhất và câu thơ thứ hai, giữa câu thơ thứ ba và câu thơ thứ tư diễn tả bằng câu thơ lục bát là phù hợp. Vả lại, từ đâu người ta đều thấy lục bát là thể thơ rất thuận lợi để vừa kể việc, tả cảnh vừa biểu hiện tình cảm. Cảm giác về không gian dài rộng do hai câu thơ cuôi trong nguyên tác tạo nên đã được câu thơ lục bát, nhất là dòng tám chữ có âm hưởng lan tỏa diễn tả đắc dụng, ở đây có một nghịch lí: Bản dịch hay lại không dùng đúng thể thơ của nguyên tác. Ngẫm ra thấy cũng đúng thôi. Người tiếp nhận bản dịch là người Việt, một công chúng khác với chúng nơi bài thơ được sinh ra. Đối với người Việt, Đường thi tứ tuyệt gợi cảm giác cân đối, trang trọng, nén lại gọn ghẽ đến mức chặt chẽ mà như vậy lại không thích hợp với cảnh và tình ở bài thơ này. Với sự thấu hiểu bài thơ của Lý Bạch, Ngô Tất Tố đã dùng một thể thơ quen thuộc của người Việt có những đặc tính phù hợp để chuyển tải tư tưởng cảm xúc của nguyên tác và dễ gợi lên những rung động ở người tiếp nhận mới. Chúng tôi cho rằng bản dịch của Ngô Tất Tố đã hiện thực hoá một quan niệm đúng và sâu sắc về dịch tác phẩm trữ tình.

Leave a Reply