Văn nghị luận - Giật mình về chuyện “ham” đọc sách ở Việt Nam

Những con số thống kê đưa ra về số người đọc sách ở Việt Nam khiến chúng ta không khỏi giật mình, thói quen dành thời gian lướt facebook, chém gió trên các diễn đàn không chỉ làm hại bản thân mỗi người mà còn khiến họ trở thành tấm gương xấu cho các thế hệ con, cháu mình.

Giật mình về chuyện “ham” đọc sách ở Việt Nam

Giữa năm 2015, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và truyền thông công bố số liệu: Bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Đương nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói thế giới (Pháp, Nhật Bản, Israel trung bình mỗi người dân đọc từ 20 cuốn sách /năm. Các nước trong khu vực như Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/ năm, Malaysia là 10 cuốn/ năm...). Cùng trong năm 2015, Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá - Thông tin và Du lịch đưa ra con số: Tỉ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỉ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỉ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số. Mới nhất, tại lễ khai mạc Ngày hội sách Việt Nam lần thứ ba diễn ra vào 19-4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, ở Việt Nam, trung bình một người dân đọc chỉ 4 cuốn/ năm; trong đó, 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn là sách khác.

Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông), hiện nay giới trẻ đọc báo mạng nhiều hơn báo giấy, hằng ngày hàng chục triệu người tiếp cận đọc báo mạng, nhưng đọc sách lại chưa được nhiều. Internet thực sự đã và đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Cùng với đó, cơ hội và thách thức đối với mỗi người cũng nhiều hơn. Tôi được biết, các Tổng Giám đốc của Tập đoàn FPT, Viettel vẫn giữ thói quen mỗi tuần đọc một cuốn sách. Tuy nhiên, vấn đề đọc sách hiện nay là giới trẻ nên đọc cái gì. Đọc sách và đọc báo khác nhau, đọc báo, tạp chí là thêm kiến thức còn đọc sách ngoài thông tin được thu nhận còn rèn luyện tư duy, hình dung, sức tưởng tượng. Đọc sách hình thành nhân cách trí tuệ, sức tưởng tượng, là cơ sở cho sự sáng tạo. Nhưng do có internet nên văn hóa đọc có phần xao nhãng, ngay cả đọc sách trên internet cũng chưa nhiều. Văn hóa nghe nhìn đang thực sự chiếm “thị phần" của văn hóa đọc. Ông Mai Liêm Trực chia sẻ ngay trong gia đình ông, ông cũng thấy lo lắng khi các con ông vì quá bận bịu công việc, thời gian rảnh chỉ lướt mạng sẽ là tấm gương xấu cho các cháu của ông. Một thế hệ bố mẹ không bao giờ sờ đến sách thì đương nhiên các con cũng sẽ không thích đọc sách. Còn theo ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, lướt web, mở facebook tán gẫu sẽ không dậy chúng ta những tri thức, đơn cử như việc làm thế nào để trồng được rau, nuôi được gà, lợn... Cũng theo ông Kiểm, một phần lí do của việc số lượng người ít đọc sách càng gia tăng là có tới 70% dân số sống ở nông thôn. Đây là bộ phận người dân ít có cơ hội được tiếp cận với sách. Đã thế, từng có trường hợp tréo ngoe xảy ra khi có những chương trình tặng sách cho nông dân lại mang sách dạy cách nuôi tôm nước lợ lên miền núi Hà Giang, hay sách dạy trồng rừng tại các vùng ven biển...

Cần một thế hệ vàng ham thích đọc sách

Sự thực là những người đọc trẻ hiện nay chẳng mấy thiết tha với văn hóa đọc, nhất là đọc những tác phẩm văn chương... Vì không quan tâm đến chuyện đọc văn học trong nước và kể cả văn học nước ngoài, nên những người đọc trẻ đã tự chuốc lấy một hệ lụy nhãn tiền là nhiều người trong số họ đã không thể viết tiếng Việt một cách trong sáng nữa, nghĩa là không thể sử dụng tiếng mẹ đẻ thật thành thục như đúng ra phải thế một cách mặc nhiên. Đó là chưa nói tới các loại sách khác để nâng cao tri thức. Có lẽ, số liệu người đọc sách đáng báo động tới mức, nhân Ngày sách Việt Nam lần 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đề nghị các cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Bộ cần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, dành thời gian hằng ngày, hằng tuần để đọc sách, đọc các văn bản quản lí Nhà nước để hiểu biết sâu sắc về pháp luật nói chung và các văn bản quản lí chuyên môn nói riêng. Rồi trước đó, nhằm giúp học sinh phát triển năng lực tự học, chủ động xử lí thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có văn bản đề nghị phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Để có được một thế hệ vàng ham thích đọc sách, ngay từ bây giờ, mỗi người lớn hãy bớt thời gian ôm điện thoại, máy tính mà dành thời gian đi nhà sách, chọn sách và đọc sách cùng con, cháu mình. Chứ nếu vẫn tiếp diễn tình trạng này, tỉ lệ người đọc sách ở Việt Nam sẽ ngày càng giảm xuống - ông Mai Liêm Trực bày tỏ quan ngại.

Leave a Reply