Bình luận ý kiến sau: “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí”

DÀN Ý

1. Mở bài

- Lĩnh vực khoa học vô cùng kì diệu, gắn với vãn minh nhân loại, với sự phát triển xã hội.

- Đường đời đã khó khăn, con đường khoa học lại càng đầy gian nan và thử thách. Muốn trở thành nhà khoa học chân chính cần có nhiều phẩm chất, trong đó có tinh thần khoa học và dũng khí.

- Nêu luận đề: “Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí”.

2. Thân bài

Giải thích

- Tinh thần khoa học? Là óc nghiên cứu, sự tìm tòi sáng tạo, phát minh; đề cao chân lí, coi trọng thực tiễn, đúc rút lí luận... tìm ra sáng kiến, phát minh để phục vụ con người, phục vụ nhân dân và đất nước; không hưởng tới danh lợi tầm thường mà nêu cao tính trung thực, khiêm tốn, say mê...

- Dũng khí? Lòng dũng cảm sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiến công vào khoa học.

- Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí. Hai nhân tố này bổ sung lẫn nhau, thúc đẩy phát triển tài năng. Thiếu một trong hai nhân tố này thì không thể trở thành nhà khoa học chân chính.

Chứng minh

- Giới thiệu sự nỗ lực, dũng khí của những nhà khoa học nổi tiếng.

- Nêu tên một vài nhà khoa học Việt Nam.

Bình luận

- Dân ta cần cù, hiếu học, giàu lòng yêu nước.

- Khó khăn của ta hiện nay: thiếu cơ sở vật chất hiện đại.

- Tinh thần khoa học, dũng khí là điều cần nhưng chưa đủ. Phải có tài năng, thực tài. Phải được đào tạo chuyên sâu.

- Hiện tượng tiến sĩ “rởm”, giáo sư “rởm”.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vai trò của khoa học đốì với con người, đối với đất nước.

- Nhiệm vụ của tuổi trẻ Việt Nam.

BÀI LÀM

Khoa học nói theo nghĩa hẹp là hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy. Lĩnh vực khoa học thì vô cùng kì diệu, gắn với sự phát triển của xã hội và nền văn minh nhân loại. Do đó con đường khoa học mới đầy gian nan và thử thách. Con người muốn trở thành những nhà khoa học chân chính thì phải hội tụ rất nhiều phẩm chất nhưng quan trọng nhất là phải có tinh thần khoa học và dũng khí. Nói cách khác thì “tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí”.

Khoa học nói theo nghĩa hẹp là hệ thống tri thức về các hiện tượng

Ý kiến "Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí" đã đề cập đến con đường phấn đấu của nhà khoa học trên một khía cạnh rất thiết thực: điều kiện cần thiết để làm khoa học. Và trong nhận định của mình, người đưa ra ý kiến này vạch ra rằng muốn làm khoa học thì mối quan hệ mật thiết giữa tinh thần khoa học và dũng khí là không thế tách rời. Mỗi nhà khoa học phải có ý thức đúng đắn về "tinh thần khoa học". Đó là óc nghiên cứu, sự tìm tòi sáng tạo và phát minh ra những cái mới. Khoa học luôn cần có những phát kiến mới mẻ và điều này chứng tỏ những ai muốn làm khoa học thì phải có óc sáng tạo và đức tính cần cù. Ta không thể phủ nhận một điều rằng phần lớn những nhà khoa học làm việc rất nhiều và có khi gấp đôi một người bình thường. Bởi họ phải luôn nghiên cứu, tìm tòi những cái mới - những thứ chưa có trong cuộc sống hoặc nếu có thì đó là những dòng sản phẩm hoàn thiện hơn đế phục vụ cho xã hội đang ngày càng phát triển này. Rõ ràng nhất như trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ viễn thông hay y tế... Đó là những chiếc điện thoại đời cao, những chiếc vi tính với cấu hình mạnh hay là những loại thuốc, loại văcxin mới giúp ngăn ngừa và chữa trị những căn bệnh thế kỉ... Tất cả đang dần được hoàn thiện để đi đến những loại sản phẩm tôt nhất có thể. Và có được diều này là nhờ bao mồ hôi, công sức của những nhà khoa học tận tuy, yêu nghề. Họ ngày đên mày mò, nghiên cứu, thử nghiệm không mệt mỏi chế tạo ra những cái mới với những tính năng vượt trội góp phần thúc đẩy xã hội lên một bước tiến mới. Không chỉ chế tạo ra những sản phẩm mới mà khoa học còn là sự tiếp bước những thứ đã có trước. Đó chính là tinh thần đề cao chân lí, coi trọng thực tiễn và biết đúc rút lí luận đế tìm ra những cái tốt hơn, hoàn thiện hơn. Một nhà khoa học chân chính không bao giờ phủ nhận những cái đã có sẵn mà có chăng từ đó họ sẽ tìm tòi để sửa đổi, nâng cấp nó thành những sản phẩm hoàn hảo hơn. Bởi lẽ họ biết rằng những phát kiến, sửa đổi ấy là để phục vụ con người, phục vụ nhân dân và đất nước mà đã phục vụ cho lợi ích chung thì sản phẩm ấy cần phải hoàn thiện đến mức có thể mang những nét ưu việt nhất.

Tinh thần khoa học còn là sự sáng tạo không ngừng, cống hiến hết mình cho xã hội không hướng tới danh lợi tầm thường mà nêu cao tính trung thực, khiêm tốn và say mê, nhiệt huyết. Đấy chính là những phẩm chất tốt đẹp mà một nhà khoa học chân chính cần phải có.

Nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ nếu nhà khoa học ấy không có đủ "dũng khí", không có lòng dũng cảm sẵn sàng vượt qua những khó khăn thử thách để tiến công vào khoa học. Niềm say mê sáng tạo, phát minh là điều kiện rất cần nhưng không thể đi xa hơn vào con đường khoa học nếu nhà khoa học ấy không dám đứng lên bảo vệ dự án của mình trước công chúng dư luận hay trước những khó khăn, trắc trở khác. Phát kiến mới mẻ mà những nhà khoa học đưa ra đôi khi vẫn có sự bác bỏ, không dồng tình, lúc ấy họ sẽ đứng lên bảo vệ hay ngồi đó lặng thinh. Nếu thật sự là một nhà khoa học có đủ dũng khí thì việc lên tiếng để bảo vệ “đứa con” mà họ hằng ấp ủ, mày mò tạo ra nó là điều không thể không nghĩ đến. Dũng khí ấy không chỉ bảo vệ chính đứa con “thân yêu” của họ mà còn thể hiện bản lĩnh của nhà khoa học đó.

Hai yếu tố "tinh thần khoa học" và "dũng khí” chính là "phần hồn" để tạo nên một nhà khoa học thực thụ. Sự sánh đôi của chúng là động lực để phát triển tài năng sáng tạo, phát minh. Thiếu một trong hai nhân tố này thì không thể trở thành nhà khoa học chân chính. Một người có tinh thần khoa học luôn dam mê sáng tạo có thể thừa sức phát minh ra những sản phẩm mới nhưng nếu không có đủ dũng khí thì liệu nhà khoa học ấy có thể bảo vệ thành công luận án của mình và sản phẩm ấy có thể được mọi người công nhận không, đó là điều mà một người muốn làm khoa học không thể không gặp phải. Vì vậy việc nhận thức đúng đắn và hiểu đúng tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai yếu tố ấy chính là một phần lớn thúc đẩy sự phát triển của các tài năng khoa học phát hiện những ý tưởng mới mẻ, có ích cho cuộc sống con người.

Sự kết hợp giữa hai yếu tố ấy đã nhiều lần cho thấy sức mạnh vũ bão của khoa học và công nghệ. Lịch sử thế giới đã đánh dấu biết bao tên tuổi các nhà khoa học lừng danh. Nào là Areeniut, Saclơ Culông, Mênđêliep, Marie Curie... tất cả những cống hiến của họ đã đưa thế giới vươn lên một tầm cao mới, mở ra cho thế giới một kỉ nguyên mới: kỉ nguyên của khoa học và công nghệ. Và để có được thành công thì ngoài tài nàng, họ còn là những người dũng cảm. Marie curie vượt qua nỗi đau mất chồng để nghiên cứu, tìm ra uranium; Anh-xtanh dám đưa tiếng nói riêng của mình để bảo vệ thuyết tương đối, chịu sự chỉ trích của nhiều nhà khoa học vì nó đi ngược với quan niệm của nhà khoa học lừng danh trước đó, Niu-tơn; Ga-li-lê đã đương đầu với cả nhà thờ thiên chúa giáo để giữ ý kiến rằng trái đất hình cầu;... Thế hệ trẻ sau này cũng bao lần tự hào và hãnh diện với những con người sống chết vì khoa học như vậy.

Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí

Việt Nam ta, một đất nước nông nghiệp thiếu kém nhiều điều kiện cơ sở vật chất để phát triển khoa học nhưng vượt lên khó khăn, nhiều nhà khoa học đã vươn lên, khẳng định bản thân trên con đường khoa học như Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu.... Họ đã một thời làm rạng danh đất nước non sông với những công hiến khá lớn. Ngày nay, cái cuốc, cái cày với những con trâu đi bừa dường như cũng dần ít đi mà thay vào đó là những máy móc kĩ thuật tiên tiến. Cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần hiện đại với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ.

Ý kiến "Tinh thần khoa học phải đi đôi với dũng khí" là một bài học đầy ý nghĩa về con đường làm khoa học. Ý kiến ấy không hề khiến chúng ta cảm thấy chùng bước vì con đường gian nan phía trước mà lại đưa ra những hành trang cần thiết, hữu ích cho con đường khoa học. Qua đó nó còn là những lời cổ vũ, động viên cho khoa học chần chính, nhà khoa học chân chính. Đồng thời soi sáng thêm cho những quan niệm rằng để đi đến thành công thì phải vượt qua nhiều chông gai trắc trở và con người cần có nghị lực, dũng khí.

Thế giới biết đến con người Việt Nam với bản tính cần cù, chăm chỉ mày mò trên những trang sách, trang vở dần dà tìm đến với khoa học kĩ thuật tiên tiến. Tuy cần cù, say mê là vậy nhưng số lượng những nhà khoa học lừng danh của Việt Nam thì quả là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi nhiều nguyên do mà tài năng khoa học của đất nước ta mới không được nở rộ và phát triển. Điều này phải nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của đất nước hiện nay là thiếu cơ sở vật chất hiện đại, không được đầu tư kĩ thuật nhiều. Có thể tài năng nhiều nhưng điều kiện để nghiên cứu, tìm tòi là quá nghèo nàn nên kìm hãm các nhà khoa học sáng tạo, công hiến. Vì vậy Đảng và Nhà nước đang ngày càng khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất và tạo điều kiện tốt nhất cho việc sáng tạo khoa học. Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển đất nước, do đó các phương hướng cơ bản để phát triền khoa học đang dần được chú trọng. Các chính sách như đổi mới cơ chế quản lí, tạo thị trường cho khoa học công nghệ hay xây dựng tiềm lực về khoa học và công nghệ đang góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động khoa học của nước ta, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này. Vừa qua vào năm 2000, bộ Luật Khoa học và công nghệ đã được ban hành cho thấy sự quan tâm chú trọng của nhà nước đến lĩnh vực này là rất lớn. Vì thế, mọi cố gắng phấn đấu cho một tương lai Việt Nam khoa học hiện đại là rất đáng biểu dương, tán thành.

Xã hội đang ngày càng phát triển, cả thế giới đang nô nức bước lên vũ đài của một nền văn minh tiên tiến. Nhưng có lẽ thời đại hoàng kim của khoa học sẽ khó mà lâu bền nếu như các tài năng trẻ không tiếp tục phấn đấu phát minh. Một Galilê đứng trước ngưỡng chết vẫn kiên quyết bảo vệ cho lí luận của mình, một Marie Curie lao động cật lực và hi sinh vì nghề nghiệp là những minh chứng tiêu biểu. Trước mắt chúng ta, biết bao nhà khoa học đang mày mò nghiên cứu, phát minh của họ đều đang hướng tới một bình minh khoa học ở phía trước nhưng vẫn là chưa đủ nếu như hiện tượng tiến sĩ “rởm”, giáo sư “rởm” ngày càng nhiều, lấn át những nhà khoa học chân chính. Điều này đang là môi quan tâm của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tiến sĩ, giáo sư hàng loạt nhưng những công trình nghiên cứu lớn đang ngày càng ít đi, thậm chí nhiều năm nay vẫn chưa thấy công trình nào để đời cả. Có những người mang danh tiến sĩ, giáo sư nhưng suốt đời vẫn không có ý kiến nào có ích cho xã hội, tất cả chỉ là “rởm đời”, mang danh nhưng thực chất thì rỗng tuếch. Vì vậy, việc phê phán lên án hiện tượng tiến sĩ, giáo sư “rởm” này là điều không thế nhắc đến. Hãy sống và công hiến theo đúng với năng lực và chức phận của mình là một nhận thức đúng đắn nhà khoa học hiện nay cần phải chú tâm để ý. Xã hội đang hi vọng về một bình minh khoa học tươi sáng hơn, rực rỡ hơn.

Giải đáp kịp thời những vấn đề lí luận và thực tiễn do cuộc sống đặt ra, cung cấp những luận cứ khoa học, những dự án lớn góp phần thúc đẩy nền kinh tế thế giới từng bước phát triển - đó là những nhiệm vụ rất lớn của khoa học. Là những con người khám phá tri thức, mở ra những kỉ nguyên mới trong cuộc sống, mỗi người làm khoa học hãy luôn chuẩn bị chiếc chìa khóa vàng của tinh thần khoa học đi đôi với dũng khí để có thể vượt qua mọi rào cản khó khăn và mở cửa tương lai.

Leave a Reply