Văn nghị luận - Hiện tượng học sinh ham mê trò chơi điện tử, xao nhãng học tập

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Mở bài

- Trò chơi điện tử, một vấn đề đang được xã hội quan tâm.

2. Thân bài

Thực trạng của việc phát triển trò chơi điện tử.

+ Trò chơi điện tử phát triển mạnh, có mặt mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn.

+ Số hàng dịch vụ điện tử rất nhiều.

+ Một số học sinh ham chơi điện tử đến mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, bỏ học, kết quả học tập giảm sút.

+ Có học sinh mải chơi bị bạn xấu rủ rê, mắc vào những tệ nạn xã hội.

học sinh ham mê trò chơi điện tử

- Nguyên nhân của thực trạng trên.

+ Tính hấp dẫn của các loại trò chơi điện tử.

+ Ý thức tự giác của mỗi học sinh chưa cao.

+ Một số gia đình quản lí con chưa tốt.

+ Việc quản lí loại dịch vụ này của chính quyền chưa chặt.

+ Phương hướng giải quyết thực hiện quy định của cha mẹ về thời gian chơi điện tử để không ảnh hưởng đến việc học.

+ Cần tránh những trò chơi không hợp tuổi, có nội dung không lành mạnh.

+ Cha mẹ cần quan tâm hơn đến việc chơi và học của con em mình.

+ Chính quyền cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho học sinh, thiếu niên; cần quản lí dịch vụ điện tử chặt hơn.

3. Kết bài

Khẳng định lại tính hai mặt của trò chơi điện tử.

- Người chơi cần có ý thức tự điều chỉnh bản thân cho đúng hướng.

BÀI LÀM

Trò chơi điện tử — một trò chơi thật hấp dẫn nhưng cũng nhiều tai hại.

Vài năm gần đây, trò chơi điện tử đã tràn ngập vào nước ta và có những ảnh hưởng nhanh chóng. Không chỉ ở thành phố mà còn phổ biến ở nông thôn. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, nam hay nữ đều biết tới khái niệm trò chơi điện tử và hẳn đã từng một lần xem, chơi chúng. Do tính hiếu kì, tò mò và sự hấp dẫn của các trò chơi đã cuốn hút người chơi ngay từ thời gian đầu. Nhiều người không thể kìm hãm sự thích thú khi tham gia trò chơi, vậy nên đã tiêp tục chơi với thời gian rất lâu. Hành động đó đã gây nên tình trạng “nghiện game” ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Sự “nghiện” đó đã gây ra những tác hại lớn.

Trò chơi điện tử — một trò chơi thật hấp dẫn nhưng cũng nhiều tai hại

Trước hết đó là sự hao tổn sức khoẻ. Ngồi lâu, chăm chú vào màn hình, sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Có bạn còn mắc một số bệnh như cận thị, rối loạn thần kinh... Kéo theo là việc học yếu dần. Điều đó không những gây phiền lòng cha mẹ, thầy cô mà nghiêm trọng hơn, nó làm suy hổng vốn kiến thức mà họ đã dày công thu nhập. Nhưng đáng cảnh báo nhất là hiện tượng trộm cắp, các hành vi thuộc nhiều loại tệ nạn xã hội. Từ chỗ trộm cắp chỉ là hành động bước đầu, lâu dần thành bản tính xấu. Hậu quả lớn hơn là dẫn tới nhiều tệ nạn xã hội. Do mâu thuẫn nảy sinh trong các trò chơi giao đấu trực tiêp trên mạng, mâu thuẫn đó sẽ chuyển thành mâu thuẫn thực tế. Cuộc đối đầu ấy đã trở thành một cuộc lăng mạ nhau hay thậm chí gây gổ, đánh đấm bạo lực. Hậu quả thứ ba và cũng là đáng lo ngại nhất, nếu sự việc trên tiếp diễn thì trò chơi điện tử sẽ tạo ra một thế hệ con người chỉ biết ăn chơi mà không lao động. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Vậy nguyên nhân của hiện tượng trên là do đâu? Ta không phủ nhận sức hấp dẫn và những lợi ích mà trò chơi điện tử mang lại. Những hiện tượng không đáng có, trên còn là do trách nhiệm của những phụ huynh và ý thức của mỗi học sinh. Nhiều phụ huynh đã đặt toàn bộ niềm tin vào con mình, chỉ biết vùi đầu vào việc kiếm tiền mà xao nhãng việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Song, chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự thiếu quan tâm, chăm sóc con cái của những bậc làm cha, làm mẹ. Nếu mỗi học sinh chúng ta đều tự nhận thức được cách chơi điện tử lành mạnh, có mức độ thì sẽ không tồn tại những tai tiếng.

Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn những hậu quả trên? Điều đáng làm hiện nay là giáo dục cho thế hệ trẻ biết mặt hại của trò chơi điện tử, giúp họ tránh tình trạng nghiện chơi, dẫn đến những hậu quả đáng buồn. Nhà trường có thể phôi hợp với gia đình, chính quyền địa phương giúp đỡ các bạn nghiện chơi thoát khỏi cạm bẫy. Không những vậy, chúng ta cần yêu cầu toàn bộ các cửa hàng trò chơi điện tử đóng cửa trước 21 giờ, tránh tình trạng học sinh đi chơi thâu đêm, ảnh hưởng tới sức khoẻ và học tập. Thiết thực hơn nữa là nhà nước nên xây dựng các trung tâm giải trí, các trò chơi dân gian để thu hút các bạn trẻ. Như vậy chúng ta có thể tránh được tình trạng gia tăng số lượng con nghiện trò chơi điện tử.

Mỗi chúng ta hãy cảnh giác với trò chơi hấp dẫn nhưng cũng không ít tai hại này.

Leave a Reply