Văn thuyết minh - Thời gian ở lại

Tìm về Pác Bó, chúng tôi ngược về mảnh đất hùng vĩ, hiểm trở mà thơ mộng ấy, những mong chạm tay vào lịch sử để cảm nhận hơi thở suối nguồn ngày nào.

Nắng trưa nhàn nhạt hắt trên những cành lau phất phơ dọc đường gợi lên một cảm giác thanh thanh là lạ. Từ thị xã Cao Bằng, chiếc Zace gập ghềnh vượt qua 60 km đường đèo núi hướng tới Pác Bó - khu di tích lịch sử gắn với quãng thời gian hoạt động cách mạng tại Việt Bắc của Bác Hồ. Thời gian Bác lưu lại đây không lâu, chỉ gần một tháng, nhưng dấu ấn về những ngày hoạt động cách mạng bí mật giữa rừng “sớm ra bờ suối tối vào hang” in đậm trong tâm trí bao người.

Thời gian ở lại

Ôm vòng khu di tích là ngôi bản nhỏ của người Tày mang tên bản Pác Bó, người Tày là dân tộc có số người khá lớn trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều phong tục, lễ hội đặc sắc. Con đường vào bản vàng sậm màu đất, người ta cũng dùng đất này trộn với rơm băm để đắp vách nhà. Dưới ánh nắng trong như rót mật, bản nhỏ mang một không khí ấm áp, gần gũi. Rất nhiều những đàn gà, vịt nuôi đang thanh thản xòe cánh rỉa lông; những con vịt địa phương mỏ và chân vàng sậm, đầu xanh óng. Vài chú bé tha thẩn trên đường làng chăn vịt hoặc trâu, bò. Anh bạn Micheál người Australia thấy một tấm biến đề “Bán mật ong rừng”, bèn tạt vào hỏi mua. Chủ nhà đi vắng, nhưng người hàng xóm - một bà già câm - lại rất nhiệt tình kéo chúng tôi sang nhà bà chỉ để cho chúng tôi xem một kho ảnh tư liệu của gia đình bà chụp chung với một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Tôi thấy có cả ảnh Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Thật tiếc vì không trao đổi được nhiều, nhưng chúng tôi đoán có thể nhà bà đã từng là một căn cứ cách mạng. Đi tiếp sâu vào làng, chúng tôi vào thăm một nhà khác và được mời rượu tự nấu, bà chủ nhà má hồng sắc rượu say sưa nói với chúng tôi về tình cảm của người dân bản Pác Bó với Bác Hồ và cách mạng. Thật khá cảm động vì hiếm khi mới gặp được những cách bày tỏ tình cảm chân thành và hồn nhiên đến vậy. Những người dân ở đây thật chất phác và hết sức thân ái.

Và rồi theo con đường đất lượn quanh, chúng tôi rảo bước về phía khu di tích Pác Bó.

Pác Bó — miệng nguồn

Trong tiếng Tày, Pác Bó có nghĩa là miệng nguồn. Chúng tôi đi ngược dòng bên suối Lê Nin. Lòng suôi rộng chừng chục mét, nước trong veo xanh đằm màu hồ thủy, bên kia là núi Các Mác phủ cây xanh rì. Cho đến mãi sau này chúng tôi vẫn ấn tượng với màu nước ấy, đúng là màu hồ thủy thuần khiết, trong vắt. Trên dòng chảy ấy thi thoảng gọn những khối đá lớn tạo nên những thác nước nhỏ, sát đôi bờ những đám bèo cái như những tổ ong xanh lớn nằm lặng cùng bóng nước.

Con đường rải đá tảng phủ thật nhiều lá khô chạy theo một vòng chữ u hẹp, bao quanh đầu nguồn nước mà đáy của chữ u là hang Cốc Bó. Từ đây cảm giác thanh tĩnh độc chiếm hoàn toàn không gian. Trời xanh trên kia cũng khó lòng nhìn thấy do tán cây khá dày. Cây mọc ven bờ con suôi mang nhiều dáng vẻ hoang so' lù bí và vì thế, rất cuốn hút. Đường đi dốc lên đôi chút dẫn chúng tôi tới hang Cốc Bó, thành hang lạnh và ẩm trong không gian kín bưng, tĩnh mịch. Đây là một hang ẩm, hẹp rất dễ bị bỏ qua. Đứng ngoài cửa hang nhìn xuống, trên vách đá tranh tối tranh sáng còn thấy được dòng chữ: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941” ghi lại thời điểm Bác Hồ sống ở đây. Và mốc biên giới Việt - Trung nằm cách hang có vài bước chân, gần đến khó tin.

Pác Bó — miệng nguồn

Chúng tôi dừng lại bên chiếc bàn đá lịch sử, được ghi là nơi Bác Hồ từng ngồi suy ngẫm và uống trà trong những tháng ngày lịch sử. Bàn được bao quanh bằng một hàng rào bảo vệ, nằm gần sát bên bờ suối. Từ đây có thế cảm nhận dòng chảy thật rõ ràng. Mặt nước phảng lặng, xanh thẳm nhưng dòng chảy ngầm thì thật mãnh liệt, đôi chỗ những phiến đá ngang ngạnh chặn dòng nước tạo nên những thác đổ rào rào, lộ ra một sức mạnh ngầm mà bền bỉ, không khuất phục. Bọt nước tạo nên tại những thác nhỏ ấy trắng đến lạ, long lanh và xốp mượt. Dòng chảy ngầm, mạnh mẽ và hoang sơ ấy gợi lên những cảm giác rất khác biệt trong chúng tôi, liên tưởng từ dòng chảy Pác Bó tới ý chí mãnh liệt, bền bỉ của nhà cách mạng Hồ Chí Minh, cái ý chí sắt đá được tiếp sức bởi cả một dân tộc - và có lẽ là của cả thiên nhiên nơi đây.

Thời gian ở lại

Chúng tôi khẽ bước chân ngược trở ra ngoài, giữa không gian hoang sơ, một bên là nguồn suối xanh chảy mải miết, một bên là sườn dốc cỏ bụi, chúng tôi gặp một cậu bé người Tày có đôi mắt to chất phác. Em nói đang chăn những con bò cho gia đình và đợi chúng ăn no sẽ lùa về. Cái dáng thanh thanh thông minh và cách nói chuyên rất mạch lạc, lễ độ mang lại một cảm giác mạnh mẽ khiến chúng tôi cảm thấy như gặp dáng hình cậu Kim Đồng, người liên lạc nhỏ tuổi cho Bác Hồ.

Thời gian nơi đây như đọng lại giữa không gian nguyên sơ, vắng vẻ mà không hiu quạnh. Tiếng gió, tiếng suối dội lại nhịp đập của lịch sử. Trong hơi núi se lạnh, Pác Bó là đây: núi đá sát kề xen từng bụi cỏ; là cây rừng vặn mình bên mặt suôi trong vắt; là tiếng nước chảy ngầm mạnh mẽ trong trẻo, rõ ràng thế mà vẫn như thẳm sâu ẩn giấu điều gì.

Chúng tôi mơ hồ cảm nhận được chiều không gian thứ tư: Thời gian vẫn ở lại.

Leave a Reply