Viết bài văn cảm nghĩ về bài mùa xuân của tôi

Tình yêu mùa xuân là tình cảm thường trực trong mỗi người: “Tự nhiên như thế ai cũng chuộng mùa xuân”. Đó là quy luật bất biến, vốn có, bản năng của con người cũng như tự nhiên : “ Ai bảo non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”….Đúng là không ai bảo được, cũng cẳng ai cấm được, vì đó là quy luật của tự nhiên mà ! Vũ Bằng đã dùng kết cấu sóng đôi uyển chuyển nhịp nhàng cân đối từng cặp một…và không thể tách rời : Như non với nước, như bướm với hoa, trăng với gió, trai với gái, mẹ với con…

mùa xuân Bắc Việt

Tác giả gọi “mùa xuân Bắc Việt”, “ mùa xuân Hà Nội” là “mùa xuân của tôi”, cách gọi như vậy có gì đặc biệt?

“Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt – mùa xuân Hà Nội”…Câu văn ngân nga như một tiếng reo vui và dường như nhà văn Vũ Bằng quá lạm nhận về mùa xuân. Sao lại là "mùa xuân của tôi” ? Mùa xuân là của đất trời cỏ cây hoa lá, mùa xuân là của tất cả mọi người, của tôi, của các bạn…Vậy sự lạm nhận của nhà văn là như thế nào ? Ta thấy sự lạm nhận của Vũ Bằng thật đáng trân trọng và đáng được cảm thông trong hoàn cảnh xa quê đặc biệt ! Trong nỗi nhớ Hà Nội da diết đó, tác giả đã cảm nhận được những nét đặc trưng về thời tiết, khí hậu của mùa xuân Hà Nội, mùa xuân miền Bắc. Tín hiệu mùa xuân về có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu, tiếng trống chèo và những câu hát huê tình say đắm đẹp như thơ mộng….Đó còn là bầu không khí gia đình với nhang trầm đèn nến, với sự xum họp đầm ấm tình người càng được hâm nóng lên trong nét truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Tác giả không chỉ dừng ở ngoại cảnh mà tập trung thể hiện nổi bật sức sống mùa xuân trong thiên nhiên và lòng người. Mùa xuân đem lại sức sống kì diệu cho thiên nhiên và con người, làm thay đổi mắt nhìn, óc nghĩ, là niềm đau đáu, say mê. Đó chính là tình yêu quê hương nồng nàn, đằm thắm, da diết nhớ thương của Vũ Bằng. Đoạn văn nổi bật nhất chính là những hình ảnh so sánh đặc sắc: “ Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai….” Hay “ cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra”, “ đập mạnh hơn” và “ thèm khát yêu thương thực sự”. Không khí mùa xuân còn “ ấm lạ ấm lùng” trong mỗi gia đình. Giọng văn trữ tình da diết như nhân lên trong người đọc cái sức sống bất tận của mùa xuân. Ngỡ như trước mùa xuân, ông hóa thân thành muôn loại cỏ cây muông thú để được tắm mình trong mùa xuân, được hưởng tất cả sức sống tràn trề của mùa xuân, để lớn lên, trẻ lại cùng mùa xuân.

Tình yêu mùa xuân

“ Đẹp quá đi ! Mùa xuân của hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng”. Vũ Bằng thật đặc biệt ! Có mấy ai lưu luyến mùa xuân và nhận ra vẻ đẹp của mùa xuân vào thời gian sau ngày rằm ? Đây mới là lúc mà Vũ Bằng cảm nhận được sự hồi sinh của đất trời cây cỏ. Đó là mùi hương man mác của cỏ, là sự thay đổi của “ nền trời trong trong có làn sáng hồng hồng…” Một sự cảm nhận thật tinh tế, ít ai nhận thấy ! Và điều làm ta thán phục hơn nữa chính là sự trân trọng về cuộc sống của con người . Hết sức bình dị, giản đơn của bữa cơm thường nhật là cà om với thịt thăn, là bát canh cua trứng vắt chanh…Vậy mà nhà văn đã tìm thấy chính cái đẹp trong cái mà tưởng như bình thường vẫn diễn ra hàng ngày đó !

Phải là người hiểu tường tận về thiên nhiên, nặng tình với thiên nhiên, trân trọng sự sống, biết tận hưởng cái đẹp của cuộc sống và rất yêu Hà Nội mới có được cảm xúc dâng trào như vậy. Thiên nhiên sau ngày rằm tháng giêng như đang bình tĩnh, đang tích tụ, chưng cất sức sống mùa xuân để tiếp nối cuộc tuần hoàn kì diệu trong đời sống con người và đất trời cây cỏ.

Ngòi bút của Vũ Bằng như cũng lắng lại, trầm tĩnh hơn. Lòng yêu quê hương mỗi lúc một da diết, đằm sâu, thấm thía hơn.

Bài văn khi dạy xong sao trong tôi vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ quê hương da diết của tác giả Vũ Bằng ! Trong bài văn cũng nhiều người cho rằng đó còn ẩn chứa niềm mong mỏi Bắc Nam xum họp một nhà ! Liệu đó có phải trong suy nghĩ của nhà văn xa quê ? Đọc nhiều lần, dạy nhiều lần càng thấy sao mà có con người tài hoa đến thế, bài văn giống như một bài thơ vậy. Từng câu từng chữ ta như muốn uống lấy, rồi nhâm nhi cho thỏa thích, khi dạy thật tôi không muốn bỏ đi từ nào, câu nào. Như vậy có lẽ mình tham quá rồi chăng?

Leave a Reply